Theo dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến lần thứ 4, một trong những điểm được dư luận quan tâm là: Thương nhân phân phối xăng dầu không được mua hàng của nhau mà chỉ được mua hàng từ thương nhân đầu mối.
Đầu tiên, phải khẳng định quy định này không mới mà đã được nêu rõ trong điều 15, mục 3, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ năm 2014.
Bên cạnh đó, để làm rõ quy định này, cần hiểu sự khác nhau giữa thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có vai trò quan trọng trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu cả nước (Ảnh: Cấn Dũng) |
Thương nhân đầu mối xăng dầu là gì và có vai trò như thế nào trong hệ thống phân phối xăng dầu?
Theo quy định tại điều 12, mục 1, dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, điều kiện trở thành thương nhân đầu mối là: Phải kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu, nhập - xuất - tồn kho xăng dầu và các dữ liệu khác theo quy định của Bộ Công Thương. Đồng thời, phải là thương nhân phân phối xăng dầu tối thiểu trong 36 tháng liên tục trước khi đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Nếu đáp ứng được các yêu cầu để trở thành thương nhân đầu mối, các doanh nghiệp sẽ có quyền được phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm; được quyền nhập khẩu xăng dầu, nguyên liệu để pha chế xăng dầu; được quyền nhập khẩu, xuất khẩu dầu thô; mua bán dầu thô với các thương nhân sản xuất xăng dầu; được mua bán xăng dầu, nguyên liệu để pha chế xăng dầu với các thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác…
Thương nhân cũng cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu không thấp hơn mức tổng nguồn tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao. Từ đó, Bộ Công Thương sẽ nắm được toàn bộ các thông tin của doanh nghiệp liên quan đến lượng hàng, nguồn gốc hàng hoá để có sự chủ động trong việc lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân và nền kinh tế. Nói cách khác, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, cùng với các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Như vậy, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải chịu những quy định rất khắt khe bởi đây là các doanh nghiệp tạo nguồn, được phép nhập khẩu để cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế và phải chịu trách nhiệm đối với nguồn cung xăng dầu sử dụng trong nước. Vai trò của lực lượng này là vô cùng quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tổng nguồn xăng dầu cho tiêu thụ nội địa của Việt Nam hiện nay khoảng 27 triệu m3, tấn xăng dầu các loại (Ảnh: Cấn Dũng) |
Tình hình thực hiện tổng nguồn của thương nhân đầu mối thời gian qua ra sao?
Theo tính toán, tổng nguồn xăng dầu cho tiêu thụ nội địa của Việt Nam hiện nay khoảng 27 triệu m3, tấn xăng dầu các loại (số liệu năm 2023), trong đó nhiên liệu hàng không khoảng trên 1 triệu m3, còn lại gần 26 triệu m3, tấn xăng dầu mặt đất. Các nhà máy lọc dầu trong nước đáp ứng được khoảng 70% tổng nguồn xăng dầu, còn lại là xăng dầu nhập khẩu.
Riêng 2 thương nhân đầu mối lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng công ty Dầu Việt Nam thực hiện được khoảng 59,3% tổng nguồn xăng dầu mặt đất trên cả nước (tương đương khoảng 15,32 triệu m3, tấn xăng dầu). Còn lại 40,7% tổng nguồn xăng dầu mặt đất trên cả nước (tương đương khoảng 10,51 triệu m3, tấn) do 28 thương nhân đầu mối còn lại đảm nhiệm.
Quy định tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được tính trên lượng xăng dầu nhập khẩu, xăng dầu mua từ nhà máy lọc dầu trong nước, xăng dầu tự pha chế. Xăng dầu mua bán qua lại giữa các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không được tính vào tổng nguồn xăng dầu tối thiểu. Qua đó góp phần lựa chọn được doanh nghiệp có năng lực thực sự trong kinh doanh xăng dầu làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. |
Năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28.437.856 m3, tấn xăng dầu các loại. Tính đến 8 tháng đầu năm, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu đạt khoảng 19,6 triệu m3, tấn xăng dầu các loại (nhập khẩu chiếm 42%, sản xuất trong nước chiếm 58%), đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.
"Để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khoản 3 Điều 28 dự thảo Nghị định đã quy định trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đang hoạt động phải có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu là 100.000 m3, tấn xăng dầu/năm" - Bộ Công Thương chỉ rõ.
Điều kiện để trở thành thương nhân phân phối xăng dầu
Trong khi đó, thương nhân phân phối xăng dầu không phải chịu những quy định khắt khe như trên. Điều kiện để trở thành thương nhân phân phối xăng dầu được quy định trong điều 15, mục 3 dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương xây dựng lần thứ 4 như sau:
1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có hệ thống phân phối xăng dầu, cụ thể như sau:
a) Tối thiểu 05 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc đi thuê sử dụng, được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực, trong đó tối thiểu 03 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực dưới 05 năm được chấp nhận làm điều kiện cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.
b) Tối thiểu 10 thương nhân bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân, được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực dưới 05 năm được chấp nhận làm điều kiện cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Chiếu theo các quy định, thương nhân phân phối xăng dầu có những điều kiện rất khác với thương nhân dầu mối. Lực lượng này cũng không có nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm nhiệm trên cơ sở phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm. |
3. Hệ thống phân phối xăng dầu đã được thương nhân sử dụng để đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu thì không được cho thương nhân khác sử dụng để làm điều kiện cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân bán lẻ xăng dầu.
Tại sao không cho phép thương nhân phân phối mua hàng của nhau?
Được biết, tính đến tháng 8/2024, cả nước có gần 280 thương nhân phân phối xăng dầu, trong khi đó số thương nhân đầu mối là 34 thương nhân (giảm 2 thương nhân so với đầu năm 2024 (1 thương nhân bị thu hồi Giấy xác nhận và 1 thương nhân hết hiệu lực Giấy xác nhận). Với số lượng lớn, lên đến 280 doanh nghiệp như hiện nay, nếu như cho phép các thương nhân phân phối xăng dầu mua hàng của nhau, việc kiểm soát sản lượng, nguồn gốc, chất lượng xăng dầu sẽ rất khó khăn cho cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, nếu cho phép thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau như hiện nay, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trên thực tế, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng hợp đồng mua bán xăng dầu để vay vốn với những mục đích khác nhau, đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Đặc biệt, việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường.
“Việc mua bán xăng dầu giữa nhiều thương nhân phân phối xăng dầu với nhau đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an chỉ ra trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, cụ thể là tạo ra tầng nấc trung gian, là một nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ chỉ ở mức thấp, gây gián đoạn việc bán lẻ xăng dầu trên thị trường” – Tờ trình của Bộ Công Thương chỉ rõ.
Do đó, trên cơ sở ý kiến của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, để khắc phục những hạn chế nảy sinh trong thực tế, trong phân khúc phân phối xăng dầu, dự thảo Nghị định quy định theo hướng thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau, chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Quy định này giúp tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu theo trục dọc từ đầu mối đến phân phối xuống khâu bán lẻ, giúp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước; cơ quan quản lý nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước.
Đáng chú ý, trong bối cảnh hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả còn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc liên quan đến xăng dầu giả với con số lên đến hàng trăm triệu lít đã khiến dư luận xôn xao những ngày qua. Dù số vụ việc bị phanh phui nhiều, song có thể đâu đó vẫn còn những vụ việc chưa được phát hiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hệ thống phân phối xăng dầu Việt Nam, với an ninh năng lượng trong nước.
Do đó, việc Bộ Công Thương đề xuất thương nhân phân phối chỉ được mua hàng từ các đầu mối là dễ hiểu, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ tiêu dùng trong nước, bảo vệ cho người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bên cạnh đó, quy định này nhằm minh bạch hóa thị trường kinh doanh xăng dầu, loại bỏ việc mua bán lòng vòng, làm đội thêm chi phí, tăng giá thành, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Xăng dầu là ngành hàng đặc biệt, có ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, trong hệ thống kinh doanh xăng dầu nhiều cấp hiện nay, thì mỗi cấp có những chức năng, nhiệm vụ cũng như điều kiện kinh doanh riêng biệt. Các doanh nghiệp cần phải đáp ứng đủ điều kiện và phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tránh tình trạng mua đi bán lại lẫn nhau tạo ra nguồn cung ảo. Đồng thời khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng xăng dầu, gây thiệt hại cho thị trường cũng như nền kinh tế.
Lắng nghe những ý kiến đề xuất của doanh nghiệp, tại Tờ trình về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được xây dựng, Bộ Công Thương trình Chính phủ 2 phương án với những giải trình rõ ràng: a) Phương án 1: Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau, chỉ được mua bán xăng dầu với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. - Ưu điểm: Thực hiện theo ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối. Cắt bỏ việc mua bán xăng dầu lòng vòng qua các thương nhân phân phối xăng dầu tạo số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường. Qua đó giúp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước; cơ quan quản lý nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước. - Nhược điểm: Một số ý kiến cho rằng quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường, gây ra phản ứng của thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên thương nhân phải tuân thủ điều kiện khi tham gia kinh doanh. b) Phương án 2: Dự thảo Nghị định tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại. - Ưu điểm: Phù hợp với kiến nghị của các thương nhân phân phối xăng dầu. Tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối xăng dầu. - Nhược điểm: Chưa thực hiện đúng ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra. Không xác định chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế trên thị trường khi các thương nhân mua bán qua lại lẫn nhau tạo số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường. Có nguy cơ dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ chỉ ở mức thấp khiến cho các doanh nghiệp bán lẻ hạn chế bán hàng ra thị trường do bị lỗ. Trong 2 phương án trên, Bộ Công Thương nghiêng về phương án 1. |