Bộ Công Thương đang dự thảo nghị định thay thế các nghị định hiện hành về kinh doanh xăng dầu. Theo giới phân tích, việc hoàn thiện chính sách pháp luật về xăng dầu là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.
"Vá" lỗ hổng xăng dầu
Trong những năm qua, thị trường xăng dầu nước ta đã và đang tồn tại hàng loạt vấn đề nhức nhối, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các vi phạm chủ yếu là không duy trì các điều kiện cần thiết trong quá trình hoạt động, không đăng ký hệ thống phân phối đối với các thương nhân phân phối xăng dầu, mua bán xăng dầu ngoài hệ thống, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng...
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra bể chứa xăng tại 1 cây xăng thuộc Hệ thống Mipec. Ảnh: DMS |
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong 7 tháng đầu năm nay, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra 1.355 vụ việc liên quan đến kinh doanh xăng dầu, xử lý vi phạm 274 vụ; nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền hơn 8,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị xử phạt có những tên tuổi lớn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty Cổ phần Appollo Oil và Công ty TNHH Trung Linh Phát. Theo hồ sơ, cả ba doanh nghiệp này đều vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến điều kiện kinh doanh đối với thương nhân đầu mối.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định. Công ty TNHH Trung Linh Phát vi phạm do không duy trì mức dự trữ bắt buộc hoặc duy trì ở mức thấp hơn tối thiểu, cũng như gian lận trong kê khai hệ thống phân phối. Appollo Oil bị phạt nặng nhất với tổng số tiền 800 triệu đồng. Trong đó, doanh nghiệp này bị phạt 100 triệu đồng về các hành vi thương nhân đầu mối có hành vi bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân, không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Theo các chuyên gia, việc một số doanh nghiệp lớn như Công ty Thiên Minh Đức, Appollo Oil và Trung Linh Phát bị xử phạt là dấu hiệu cho thấy thị trường xăng dầu trong nước đang đối diện với nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến quản lý và thực thi quy định pháp luật về xăng dầu. Một trong số đó là sự chồng chéo và thiếu nhất quán trong các quy định pháp lý liên quan đến kinh doanh mặt hàng chiến lược này. Điều này tạo ra “lỗ hổng” để các doanh nghiệp vi phạm, dẫn đến việc không duy trì các điều kiện kinh doanh theo quy định.
Nhìn từ góc độ dài hạn, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và minh bạch của thị trường, từ đó gây tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng quốc gia. Để giải quyết triệt để các vấn đề này, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, giám sát và tăng cường mức xử phạt để ngăn chặn hiệu quả hơn các hành vi vi phạm.
Vận hành thị trường xăng dầu minh bạch, hiệu quả
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nhà nước cần thiết lập các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế xử phạt. Chỉ khi có sự can thiệp quyết liệt và hiệu quả từ phía Nhà nước, thị trường xăng dầu mới có thể hoạt động ổn định, minh bạch, mang lại lợi ích thực sự cho người dân và nền kinh tế.
“Việc Bộ Công Thương và lực lượng quản lý thị trường xử phạt hàng loạt doanh nghiệp vi phạm cho thấy tình trạng gian lận, lũng đoạn thị trường xăng dầu vẫn còn phổ biến. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực quan trọng này”, ông Long nhận định.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). Ảnh: TL |
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết thêm, việc Bộ Công Thương đang trình dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu là một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường. Đặc biệt, dự thảo này được xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện rõ cam kết của nhà nước trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước.
“Nghị định mới này khi được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan quản lý trong việc giám sát và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, từ đó giảm thiểu các tình trạng bất ổn trong thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm xăng dầu cung cấp cho người tiêu dùng. Không chỉ giúp điều tiết thị trường hiệu quả hơn mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho các hoạt động sản xuất và đời sống”, chuyên gia Ngô Trí Long đánh giá.
Về một số ý kiến trái chiều xoay quanh nội dung dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu, chuyên gia Ngô Trí Long đánh giá việc có nhiều ý kiến về dự thảo kinh doanh xăng dầu là điều bình thường và cần thiết trong một xã hội đa dạng.
“Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các ý kiến này phải được đưa ra và xem xét dựa trên lợi ích chung, nhằm tạo ra một chính sách vừa hiệu quả, vừa công bằng cho tất cả các bên liên quan. Điều này này không chỉ giúp xây dựng một thị trường xăng dầu minh bạch và ổn định mà còn củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào hệ thống quản lý của nhà nước”, ông Long nói.
Ngày 2/10, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trao đổi, thống nhất nhằm hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu. Đây là lần thứ 4 Bộ Công Thương tiến hành lấy ý kiến từ các bộ, ngành, bao gồm cả ý kiến bằng văn bản và trực tiếp. Bộ đã trình Chính phủ 4 lần bản dự thảo Nghị định sửa đổi từ 3 Nghị định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, với mục đích tìm ra phương án tối ưu nhất, phù hợp với tình hình hiện nay. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh chiến lược, bên cạnh điện và khí đốt, được coi là “bánh mì” của nền kinh tế và là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó, các điều kiện nêu ra trong dự thảo nghị định không chỉ đảm bảo cơ chế thị trường mà còn phù hợp với cơ chế quản lý của nhà nước. Theo tổ soạn thảo, việc xây dựng dự thảo nghị định dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản đã được Chính phủ thông qua. Những nguyên tắc này bao gồm: Xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; kế thừa ưu điểm của cơ chế kinh doanh hiện hành và bổ sung những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn quốc tế và trong nước; giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu; bảo đảm tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng như công tác quản lý nhà nước; và cắt giảm thủ tục hành chính, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. |