Tổng mức bán lẻ hàng hóa duy trì đà tăng
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhìn chung, thị trường hàng hóa trong tháng 10 không có biến động lớn. Hiện đang trong giai đoạn chuyển sang mùa lạnh, nhu cầu hàng hóa thực phẩm tăng phục vụ các ngày lễ, tết cuối năm; thị trường các sản phẩm may mặc sôi động hơn; nguồn cung các mặt hàng nông thủy sản tốt, giá tương đối ổn định. Nhìn chung cả nước công tác ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thị trường hàng hóa duy trì tăng trưởng ổn định |
Tính chung 10 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,8%), nhờ thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng của người dân.
Tính chung 10 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.059,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,9%).
Chuẩn bị sẵn sàng cho Tết Nguyên đán
Những tháng cuối năm nhu cầu hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng và hàng hóa Tết bắt đầu tăng; nhu cầu nhiên liệu năng lượng tăng phục vụ sản xuất và đời sống. Tuy nhiên nguồn cung các mặt hàng từ sản xuất trong nước và nhập khẩu khá dồi dào, giá có xu hướng tăng nhưng mức tăng không lớn nên thị trường hàng hóa trong nước sẽ sôi động hơn nhưng không có biến động giá bất thường ở hầu hết các nhóm hàng thiết yếu. Cùng với sự ổn định về kinh tế - xã hội và sự phát triển của các ngành sản xuất trong nền kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư ngày càng được cải thiện, làm tăng nhu cầu và sức mua đối với thương mại nội địa.
Với các yếu tố như trên, Bộ Công Thương dự báo diễn biến thị trường năm 2019 về cơ bản giữ được ổn định, cung cầu hàng hóa thiết yếu được đảm bảo. Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2019 đạt khoảng 4.901 - 4.923 nghìn tỷ đồng, tăng từ 11,6 - 12% so với năm 2018, đạt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 11,5-12%).
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối cung cầu, góp phần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các Sở Công Thương và các Sở ban ngành liên quan theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường theo hướng kết nối các doanh nghiệp kinh doanh hàng Tết với các tổ chức tín dụng, thực hiện việc dự trữ, bảo đảm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường với giá hợp lý, ổn định trong giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá các hàng hóa do nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.
Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu nhất là vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên Đán năm 2020. Phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường.