Bộ Công Thương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện phòng vệ thương mại
Tăng cường cạnh tranh bằng nâng cao chất lượng sản phẩm
Chiều 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn Cao Bằng nêu, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các nước nhập khẩu khởi xướng các cuộc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngặt nghèo. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về nội dung trên.
Quan điểm và giải pháp của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài như thế nào? Đồng thời, tại thị trường Việt Nam, chúng ta đã và sẽ làm gì để bảo vệ doanh nghiệp trong nước?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, có một số vấn đề chúng ta cần phải lưu ý. Cho đến thời điểm này, hàng hóa của Việt Nam đã bị các đối tác nước ngoài khởi kiện là 247 vụ từ 24 thị trường với rất nhiều mặt hàng.
Nguyên nhân của hiện tượng này, thứ nhất, Việt Nam đã tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng gia tăng xuất khẩu và quy mô tăng lên hàng năm từ 5 đến 6%, năm nào chúng ta cũng xuất siêu và năm xuất siêu cao nhất là 28 tỷ USD, cho nên theo quy định, người ta phải xem xét các biện pháp phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước của họ.
Thứ hai, việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với các nước khác, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với những nước này.
Thứ ba, một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết, thậm chí là sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật điều tra chưa phù hợp với WTO và các thông lệ quốc tế.
"Trong thời gian vừa qua, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại và kết quả là đã giải quyết được rất nhiều vụ như thép hay mật ong, hay một số sản phẩm dệt may, da giày" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu, đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương, cần phải phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan đăng ký đầu tư nước ngoài, đồng thời cung cấp cho các doanh nghiệp hoạt động tại địa phương những thông tin cần thiết để khai thác được các hiệp định.
Hai là, cân nhắc khi ban hành các chính sách có thể bị cáo buộc là chúng ta trợ cấp.
Ba là, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đúng thời hạn trong trường hợp xử lý vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài; quản lý, giám sát các hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn để phát hiện và ngăn chặn lẩn tránh.
Đối với các hiệp hội doanh nghiệp phải theo dõi thông tin cảnh báo sớm của Bộ Công Thương. Đồng thời, định hướng chiến lược chung và khuyến khích các doanh nghiệp thành viên tham gia khi bị điều tra để bảo vệ lợi ích chung của cả ngành.
"Tình trạng vừa qua, mạnh ai người đó chạy, ví dụ doanh nghiệp gạo cứ bán được giá của mình, giải quyết vấn đề của mình, không quan tâm đến thương hiệu hạt gạo của Việt Nam, cũng không quan tâm đến lợi ích của các doanh nghiệp và người sản xuất khác, đó là không ổn" - Bộ trưởng đánh giá.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng |
Theo đó, phải tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường xuất khẩu mục tiêu để có được những biện pháp phù hợp, tăng cường cạnh tranh bằng nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc theo chuỗi khép kín.
Đây cũng là khuyến cáo của các thị trường nhập khẩu. Triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm những thị trường mới còn nhiều tiềm năng, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Trước khi thực hiện các hợp đồng, cần phải trao đổi kỹ lưỡng với đối tác nhập khẩu để tránh rủi ro và khả năng bị điều tra phòng vệ. Khi đã bị điều tra phải liên hệ với cơ quan chức năng Bộ Công Thương, trước hết là các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp chúng ta xuất khẩu hàng đi nước ngoài. Còn đối với doanh nghiệp trong nước đương nhiên các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương sẽ xem xét để xử lý vấn đề này.
Đầu quý IV năm nay sẽ được ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn Vĩnh Phúc chất vấn, ngày 30/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99 ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, trong đó có giao cho Bộ Công Thương thực hiện Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc |
Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo và giám sát việc thực hiện FTA của các địa phương. "Xin hỏi Bộ trưởng khi nào bộ tiêu chí này hoàn thành để đưa vào thực hiện và liệu có trùng với một số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI hay không và nếu trùng thì giải pháp thực hiện như thế nào?" - đại biểu nêu
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin, bộ chỉ số FTA Bộ đang xây dựng và dự kiến khoảng cuối quý III, đầu quý IV năm nay sẽ được ban hành, hiện nay còn đang trong quy trình lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động và các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan.
Bộ chỉ số này đại biểu hỏi có khác với bộ chỉ số của VCCI hay không? Bộ trưởng chỉ rõ, sẽ không thể giống được, vì nếu giống cũng không cần phải ban hành. Trong quá trình xây dựng bộ chỉ số này, VCCI sẽ là một trong những thành phần tham gia góp ý để hoàn thiện.
Chúng tôi sẽ cố gắng không trùng, nếu trùng sẽ không làm. Bộ chỉ số này chỉ tập trung vào chỉ số thực hiện các hiệp định thương mại tự, do đó sẽ khác so với Bộ chỉ số do VCCI ban hành. "Tôi mong các đại biểu quan tâm vấn đề này cũng góp ý cho chúng tôi và chúng tôi cũng sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc để có thể hoàn thiện bộ chỉ số, công bố trong thời gian sớm nhất" - Bộ trưởng nói.