Bộ Công Thương: “Bà đỡ” cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa
Đã hơn 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động), xin bà cho biết một số nét sơ bộ về hiệu quả của Cuộc vận động đối với thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt tại thị trường trong nước cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế?
Qua 11 năm triển khai Cuộc vận động, các bộ, ngành đã đề xuất nhiều lên Chính phủ để có được chính sách mang tầm quốc gia, hỗ trợ cho hàng hóa tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Về phía Bộ Công Thương, ngay sau khi dịch Covid-19 xảy ra, Bộ đã ban hành kế hoạch khôi phục ngành Công Thương trong giai đoạn vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trong đó, có các nội dung rất quan trọng như kích cầu thị trường trong nước; vận động, lồng ghép các chương trình đang triển khai; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động; đề án phát triển thương mại ở khu vực nông thôn, hỗ trợ đồng bào dân tộc. Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai Chương trình bán hàng “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trong các hệ thống phân phối.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) |
Chính phủ đã mở rộng “cánh cửa” cho hàng hóa Việt Nam ra thị trường nước ngoài thông qua các FTA. Qua đó, hàng hóa có chất lượng cao của nước ngoài cũng “rộng cửa” và được hạ thuế để thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Đây thực sự là một cuộc cạnh tranh mới giữa hàng Việt Nam với hàng hóa có chất lượng và công nghệ cao của các thị trường nước ngoài.
Hàng Việt Nam phải cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà, đây cũng là “bài toán” đặt ra đối với doanh nghiệp của Việt Nam. Các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng, sản xuất an toàn, xây dựng được thương hiệu, hoàn thiện hệ thống phân phối để tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu thông qua các hoạt động tương tác với người tiêu dùng cũng như hệ thống phân phối...
Bà đánh giá như thế nào về xu hướng hàng nông sản Việt Nam được xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối của doanh nghiệp FDI?
Trong thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là sự ủng hộ của các hệ thống phân phối hiện đại, chúng ta đã thu được nhiều kết quả. Hàng nông sản Việt Nam đang dần hoàn thiện từ quy trình sản xuất, tiếp cận thị trường, đóng gói bao bì cũng như quảng bá đến người tiêu dùng trong nước theo xu hướng hiện đại nhất của thế giới. Đặc biệt, phương thức quảng bá cho nông sản Việt đã có cách tiếp cận mới, đó là những câu chuyện về sản phẩm gắn với văn hóa vùng miền, có truy xuất nguồn gốc, từ đó, định vị được giá trị thương hiệu của hàng nông sản Việt Nam. Đây là cách tiếp cận mới nhất, hay nhất và hướng đến sự bền vững.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động nâng tầm nông sản Việt Nam để đưa các đặc sản tinh hoa của Việt Nam đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Cũng từ đây, hệ thống sản xuất từ hộ nông dân đến các hợp tác xã và doanh nghiệp sẽ định vị phương thức sản xuất, nuôi trồng, sơ chế, chế biến hàng nông sản đạt chuẩn quốc tế và đạt chuẩn mới của người tiêu dùng Việt Nam ở tầm cao mới.
Một số nhà cung cấp phản ánh, hàng hóa của họ không dễ để vào được các kênh phân phối hiện đại trong nước. Bà có thể thông tin về những giải pháp của Bộ Công Thương đối với vấn đề này?
Chúng tôi đã đàm phán để ký 3 bên giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Central Retail, thỏa thuận đưa hàng của các hộ nông dân và các hợp tác xã vào hệ thống phân phối này với chiết khấu 0%. Đồng thời, đề nghị họ có những chương trình tập huấn cho bà con khu vực nông thôn biết được quy chuẩn, quy cách đóng gói và bao bì, phương thức giao hàng của các hệ thống này. Hiện, đã có hơn 30.000 tấn nông sản vào được với hệ thống phân phối của Central Retail mỗi năm.
Từ mô hình của Central Retail, chúng tôi đã nhân rộng lên với các hệ thống phân phối hiện đại khác. Cụ thể, năm 2020, siêu thị MM Mega Market cũng đã tích cực vào cuộc và ký kết với Bộ Công Thương thỏa thuận về việc đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối này đạt 90%. Đồng thời, có chương trình tập huấn và phổ biến phương thức với các địa phương, hợp tác xã để đưa sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối của MM Mega Market...
Xin cảm ơn bà!