FTA Index vừa là 'gương soi' vừa là 'roi thúc' để địa phương chuyển mình
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc thực thi các FTA, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương (FTA Index). Từ đó, tạo lập, cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch, khách quan, toàn diện về mức độ thực thi các cam kết FTA tại từng địa phương.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế đã chia sẻ góc nhìn về ý nghĩa, vai trò FTA Index đối với các địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế |
Từ công cụ đo lường đến "bảo chứng niềm tin" cho nhà đầu tư
- Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa và vai trò của bộ chỉ số FTA Index đối với các địa phương?
TS. Nguyễn Minh Phong: FTA Index là một công cụ thiết yếu để đo lường và thúc đẩy năng lực quản trị hội nhập của chính quyền địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng. Ý nghĩa của bộ chỉ số này không chỉ dừng ở việc xếp hạng hay đánh giá mà nằm ở vai trò định hướng cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh thực chất.
Thứ nhất, FTA Index giúp chuyển đổi tư duy quản trị địa phương từ hành chính sang kiến tạo phát triển. Thay vì chỉ "quản lý trên giấy", chính quyền địa phương buộc phải nâng cao năng lực điều hành, đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, trong việc tận dụng các cam kết FTA. Đây là yếu tố sống còn khi cạnh tranh hiện nay không còn là giữa quốc gia với quốc gia mà là giữa các địa phương với nhau.
Thứ hai, chỉ số này đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu khách quan năng lực hội nhập của địa phương, từ đó giúp phát hiện điểm nghẽn trong thực thi chính sách: chất lượng nguồn nhân lực, khả năng hỗ trợ doanh nghiệp, hạ tầng logistics, cải cách thủ tục... Qua đó, chính quyền có cơ sở để ban hành các giải pháp trúng và đúng.
Thứ ba, FTA Index tạo ra cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương, khi kết quả chỉ số được công khai, minh bạch và gắn với trách nhiệm giải trình. Đây chính là áp lực tích cực, buộc chính quyền phải cải cách thực chất để cải thiện thứ hạng, vị thế.
Cuối cùng, bộ chỉ số này cũng là công cụ quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham khảo khi lựa chọn địa điểm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao uy tín và sức hấp dẫn của địa phương trên bản đồ hội nhập quốc tế.
FTA Index là công cụ quan trọng giúp các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư - Ảnh: Thành An |
- FTA Index có thể trở thành căn cứ để doanh nghiệp và nhà đầu tư lựa chọn điểm đến sản xuất, kinh doanh. Vậy theo ông, chính quyền địa phương cần thay đổi cách tiếp cận như thế nào để tận dụng cơ hội này?
TS. Nguyễn Minh Phong: Bộ chỉ số FTA Index hoàn toàn có thể trở thành công cụ "bảo chứng niềm tin", thông tin bổ sung tin cậy để doanh nghiệp và nhà đầu tư cân nhắc, lựa chọn địa phương làm điểm đến sản xuất, kinh doanh. Khi các FTA thế hệ mới ngày càng gắn chặt với tiêu chuẩn cao về thể chế, môi trường kinh doanh và tính minh bạch, nhà đầu tư sẽ không chỉ nhìn vào ưu đãi đất đai hay nhân công rẻ mà quan tâm nhiều hơn đến năng lực thực thi cam kết hội nhập của chính quyền sở tại.
Chính vì vậy, để tận dụng cơ hội từ FTA Index, chính quyền địa phương cần thay đổi tư duy từ quản lý hành chính sang dẫn dắt và phục vụ doanh nghiệp hội nhập. Tôi cho rằng, có 3 cách tiếp cận quan trọng:
Thứ nhất, tư duy kiến tạo năng lực cạnh tranh địa phương thay vì chỉ chạy theo FDI. Không chỉ tập trung thu hút nhà đầu tư nước ngoài, chính quyền cần coi FTA là cơ hội để nâng cao năng lực doanh nghiệp bản địa tham gia chuỗi cung ứng. Những địa phương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường FTA, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế sẽ tạo được giá trị khác biệt và bền vững.
Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh theo nhu cầu thực tế. Thay vì chờ chỉ đạo từ trên, địa phương cần chủ động rà soát các rào cản về thủ tục, logistics, kết nối thị trường... để giải quyết các điểm nghẽn cản trở doanh nghiệp tận dụng FTA. Việc cải cách này cần dựa trên phản ánh thực tế từ doanh nghiệp địa phương, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch.
Thứ ba, minh bạch hóa, quảng bá FTA Index như một "chứng chỉ tín nhiệm hội nhập" của địa phương. Các địa phương cần xem FTA Index là một công cụ truyền thông chiến lược, chứng minh với nhà đầu tư và thị trường quốc tế về năng lực quản trị, khả năng đồng hành cùng doanh nghiệp trong sân chơi toàn cầu. Chủ động công khai chỉ số, tổ chức hội thảo, xúc tiến thương mại gắn với kết quả FTA Index sẽ giúp địa phương nâng cao hình ảnh và uy tín.
Gắn FTA Index vào KPI lãnh đạo
- Theo ông, cần làm gì để FTA Index không chỉ dừng ở mức xếp hạng mà thực sự trở thành áp lực cải cách, buộc các địa phương phải chủ động cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập?
TS. Nguyễn Minh Phong: Muốn FTA Index thực sự trở thành áp lực cải cách thì phải chuyển hóa thành một công cụ gắn chặt với quyền lợi, trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Cần thể chế hóa FTA Index thành tiêu chí bắt buộc, gắn với đánh giá công vụ và trách nhiệm người đứng đầu. FTA Index phải được đưa vào hệ thống đánh giá hiệu quả điều hành của chính quyền địa phương, tương tự như PCI hay chỉ số giải ngân đầu tư công. Địa phương xếp hạng thấp phải có giải trình công khai, thậm chí bị xem xét điều chỉnh nhân sự nếu tụt hạng liên tiếp. Khi đó, chỉ số này sẽ thực sự là một "thước đo" hiệu quả công vụ.
Cùng với đó, minh bạch hóa dữ liệu và truyền thông mạnh. FTA Index cần được công bố định kỳ với phân tích sâu và phản biện từ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, báo chí. Khi nhà đầu tư và thị trường sử dụng chỉ số này làm căn cứ đánh giá môi trường kinh doanh, chính quyền địa phương sẽ chịu áp lực thay đổi từ thực tiễn chứ không còn là đối phó hành chính.
Tại Hải Phòng, việc thực thi các FTA luôn được chú trọng, điều này đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của thành phố - Ảnh: Anh Đức |
- Về dài hạn, ông kỳ vọng gì về vai trò của FTA Index trong việc giúp địa phương chuyển mình từ làm theo chỉ đạo sang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và nâng tầm vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
TS. Nguyễn Minh Phong: FTA Index là "chiếc gương soi" nhưng cũng là "cái roi thúc", sẽ trở thành một công cụ thực sự "ép" các địa phương phải chuyển mình từ tư duy hành chính sang tư duy hội nhập chủ động, từ làm theo chỉ đạo sang làm vì chính mình trong tiến trình toàn cầu hóa.
FTA Index sẽ tác động mạnh mẽ đến 3 cấp độ thay đổi:
Ở cấp quản trị nhà nước, FTA Index sẽ buộc các địa phương phải chuyển từ tư duy xin - cho sang tư duy cạnh tranh và tự chịu trách nhiệm. Địa phương nào muốn thu hút đầu tư, muốn được ưu tiên nguồn lực, muốn nâng tầm vị thế bắt buộc phải chủ động cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tận dụng FTA, phát triển chuỗi cung ứng. Đây là sự thay đổi căn cơ về quản trị và tư duy điều hành.
Ở cấp doanh nghiệp và nội lực địa phương, FTA Index sẽ thúc đẩy sự liên kết giữa chính quyền và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nội địa nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường FTA, từ đó giảm dần sự lệ thuộc vào khu vực FDI. Doanh nghiệp địa phương sẽ không còn là "kẻ đứng ngoài cuộc chơi" mà trở thành chủ thể thực sự của tiến trình hội nhập.
Ở cấp chuỗi cung ứng và vị thế toàn cầu, các địa phương cải thiện tốt chỉ số FTA Index sẽ có cơ hội bước lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ dừng ở lắp ráp, gia công mà còn tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, logistics, phân phối. Điều này sẽ nâng cao vị thế địa phương trên bản đồ thương mại quốc tế.
Tôi cũng kỳ vọng FTA Index sẽ trở thành một chỉ số liên kết chặt chẽ với PCI, DDCI, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), tạo thành bộ công cụ đánh giá toàn diện về năng lực điều hành và hội nhập của từng địa phương. Khi đó sự chuyển mình sẽ không còn là phong trào hay khẩu hiệu mà trở thành sức ép nội tại, buộc mỗi tỉnh/ thành phố phải thực sự đổi mới để giữ vững và nâng cao vị thế trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế số và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!
Bộ chỉ số FTA Index được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến FTA; thực hiện quy định pháp luật về FTA; chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai các cam kết về phát triển bền vững. FTA Index 2024 ghi nhận điểm số trung bình của 63 tỉnh thành là 26,20/40 điểm, trong khi tỉnh có điểm số thấp nhất chỉ đạt 14,49 điểm. Điều này cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa các địa phương trong năng lực triển khai cam kết hội nhập. |