Thái Lan - đối tác đầu tư quan trọng của Bình Dương |
Thu hút hơn 1,9 tỷ USD
Trong những năm qua, Bình Dương đã tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các KCN, cụm công nghiệp (CCN) nhằm thu hút đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp của các DN trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều KCN đã tạo đươc thương hiệu, KCN kiểu mẫu giúp Bình Dương thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.
Bình Dương ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao vào khu công nghiệp |
Đến nay, Bình Dương đã thành lập 30 KCN với tổng diện tích quy hoạch là hơn 12.670 ha. Trong đó đã có 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 11.000ha, tỷ lệ lấp đầy trên 88%.
Ông Bùi Minh Trí - Trưởng ban Quản lý (BQL) KCN tỉnh Bình Dương - cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covod-19, nhưng 10 tháng năm 2021, Bình Dương vẫn thu hút vốn FDI đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng hơn 56% so với năm 2020, tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới vào các KCN Bình Dương, gồm Hòa kỳ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đức, Canada, Thái Lan, Đài Loan… Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử như: Dự án sản xuất sản phẩm màn hình vô tuyến và màn hình của Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore), vốn đầu tư 185 triệu USD tại KCN Phú Tân; dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam), có vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 610 triệu USD, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1 tỷ 370 triệu USD tại KCN Bàu Bàng…
Có thể thấy từ hiệu quả của việc chủ động đổi mới xúc tiến đầu tư (trực tuyến) trong năm 2021, đã góp phần nâng dự án đầu tư FDI lên 4.008 dự án từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký đạt 37 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ sau TP. Hồ Chí Minh.
Đánh giá về hiệu quả thu hút vốn FDI, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND Bình Dương - khẳng định, các dự án FDI đã và đang đóng vai trò là nguồn động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, các DN FDI đã tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, góp phần tạo ra một số ngành công nghiệp chủ lực của Bình Dương như sản xuất, chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử...
Ưu tiên thu hút dự án đầu tư công nghệ cao
Nhằm sẵn sàng đón làn sóng đầu tư FDI sau đại dịch Covid-19, hiện Bình Dương đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng các KCN, CCN nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển các ngành nghề công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao làm tiền đề cho phát triển công nghiệp bền vững.
Theo ông Bùi Minh Trí, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Thời gia tới, BQL KCN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư KCN, các sở ngành có liên quan thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022, chú trọng đổi mới phương pháp xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sạch, kỹ thuật cao… Hiện Bình Dương đang triển khai dự án Khu công nghiệp khoa học công nghệ, nhằm thu hút dòng vồn FDI chất lượng sau đại dịch.
Liên quan đến việc đầu tư hạ tầng KCN, ông Phạm Ngọc Thuận - Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC - khẳng định, các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ đòi hỏi rất cao về chất lượng hạ tầng, dịch vụ đi kèm. Riêng Becamex IDC và các đối tác đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tại 5 KCN, bao gồm Mỹ Phước 1, 2, 3, Thới Hòa, Bàu Bàng. Thời gian tới, Becamex IDC tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường giao thông quan trọng, tăng cường sự kết nối nội bộ khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương - khẳng định, Bình Dương xác định công nghiệp là ngành chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế phát triển bền vững. Do đó, thời gian tới, Bình Dương sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, ưu tiên lựa chọn, thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử… tạo giá trị gia tăng cao, cũng như tăng năng lực xuất khẩu. Qua đó, từng bước hình thành chuỗi ngành công nghiệp sạch, công nghệ đi đôi với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.