Sản xuất công nghiệp tăng hơn 8%
Trong 5 tháng đầu năm 2021, mặc dù Bình Dương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Song với việc tiếp tục triển khai quyết liệt, kịp thời nhiều chính sách, giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND Bình Dương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cũng như sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN), hoạt động sản xuất công nghiệp của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng khá.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng khá |
Theo đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN ngành công nghiệp tháng 5/2021 tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng khá, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,04% so với cùng kỳ, so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước thì đây là mức tăng trưởng tốt.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp của Bình Dương đã có sự chuyển biến tích cực, phục hồi nhanh và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Các DN có kế hoạch xây dựng phương án sản xuất, nỗ lực duy trì sản xuất, ổn định đơn hàng, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, tận dụng các thời cơ, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
Đáng chú ý, một số ngành đạt mức tăng cao so với cùng kỳ như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%, đây là ngành đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành. Trong đó, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 17,54%, sản xuất xe có động cơ tăng 20,18%, sản xuất giường tủ, bàn, ghế tăng 30,35%...
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao
Đặc biệt, sự hồi phục và tăng trưởng ổn định của công nghiệp Bình Dương trong 5 tháng đầu năm 2021 kéo theo kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được xem là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu của Bình Dương với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 11,4 tỷ USD, tăng 48,6% so cùng kỳ.
Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu sang một số thị trường truyền thống như: Mỹ đạt 5,33 tỷ USD, chiếm 38,4% kim ngạch xuất khẩu và tăng 84,1% so với cùng kỳ; Hàn Quốc đạt hơn 1,34 tỷ USD, chiếm 9,7% và tăng 23%; Nhật Bản đạt hơn 1,23 tỷ USD, tương ứng chiếm 8,9% và tăng 23,7%; thị trường EU đạt gần 1,25 tỷ USD, chiếm 8,9% và tăng 67,4%...
Kim ngạch xuất khẩu gỗ 5 tháng đầu năm 2021 của Bình Dương đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 65,4% so với cùng kỳ 2020 |
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Bình Dương đều tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sản phẩm chế biến gỗ của Bình Dương đang chiếm giá trị xuất khẩu lớn nhất của cả tỉnh, với kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 65,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,8% trị giá xuất khẩu của Bình Dương; dệt may xuất khẩu đạt 1.148,4 triệu USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ; giày da xuất khẩu đạt 882,05 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu đạt 557,1 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ….
Theo ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, hiện nay, ngành sản xuất gỗ Bình Dương đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất. Đặc biệt, từ khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, ngành gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng kỳ vọng thực thi EVFTA sẽ giúp ngành mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại các nước trong khối EU.
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương - cho biết, nhằm tiếp tục giữ vững tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thời gian tới Bình Dương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Bình Dương đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất tại các KCN, cụm công nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.