Thứ ba 19/11/2024 03:22

Bình Dương: Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 98,9% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp

Trong quý 1/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương tăng khá cao so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng gần 7%, đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành khi chiếm tỷ trọng 98,9% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của Bình Dương.

Công nghiệp - động lực tăng trưởng kinh tế

Trong quý 1/2021, tình hình kinh tế - xã hội trong nước có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực tới tình hình sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, ngay từ đầu năm, Bình Dương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gắn với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển của DN.

Công nghiệp chế biến, chế tạo của Bình Dương tăng gần 7% (Ảnh minh họa)

Đồng thời Bình Dương cũng giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và hợp tác đầu tư. Chính điều này đã tạo đà cho các ngành, lĩnh vực kinh tế của Bình Dương tiếp tục chuyển biến tích cực, trong đó sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh và đạt mức tăng trưởng trở lại.

Trong quý 1/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương tăng gần 7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,88% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 98,9% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành công nghiệp Bình Dương.

Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 15,26%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,14%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,7%...

Tuy nhiên, cũng có một số ngành mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, do đó ảnh hưởng đến chỉ số tăng trưởng chung toàn ngành như: Chế biến thực phẩm tăng 1,08%; đồ uống tăng 0,29%; hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 2,41%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,14%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,93%...

Theo Sở Công Thương Bình Dương, nhằm tiếp tục giữ vững tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thời gian tới Bình Dương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Đẩy mạnh khai thác thị trường FTA

Theo dự báo, sau đại dịch Covid-19 là thời điểm kinh tế thế giới phục hồi và Việt Nam được xem là điểm sáng để các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sang, giảm lệ thuộc vào một vài quốc gia. Năm 2020, nhiều nước trên thế giới đạt mức tăng trưởng kinh tế âm, nhưng Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Do đó, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế để DN nước ngoài ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm, hợp tác mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Bình Dương sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, DN nước ngoài.

Doanh nghiệp chế biến gỗ Bình Dương đang đẩy mạnh khai thác thị trường FTA

Theo ghi nhận, hiện Bình Dương có trên 8.500 DN hoạt động ngành công nghiệp, trong đó DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 26,4% và chiếm 63,3% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu của DN FDI chiếm trên 82% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó tập trung chủ yếu là thị trường Mỹ (chiếm 31,5%), Hàn Quốc (chiếm 10%), Nhật Bản (chiếm 9%), Đài Loan (chiếm 7,4%)…

Mặc dù tình hình đại dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, giao thương với nhiều nước vẫn khó khăn, nhưng nhiều DN ở Bình Dương thông qua hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm trực tuyến đã nhận được các đơn hàng lớn, đảm bảo cho sản xuất và xuất khẩu. Hiện nay nhiều DN nhận được đơn đặt hàng đến quí 2/2021, thậm chí một số DN có đơn đặt hàng đến cuối năm 2021.

Theo bà Lê Thị Xuyến - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương), những tháng đầu năm 2021, mặc dù ngành chế biến gỗ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đơn vị vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu ổn định. Đặc biệt, DN đang tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực để mở rộng giao thương quốc tế và thị trường xuất khẩu mới. Hiện công ty đã có đơn hàng xuất khẩu trở lại và ký thêm nhiều đơn hàng mới.

Sở Công Thương Bình Dương nhận định, với các FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN tiếp cận thị trường, nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Do đó, Sở Công Thương tăng cường việc phổ biến cho DN Bình Dương nắm được lộ trình cam kết trong các FTA… để DN định hướng, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, phát triển đúng hướng.

Bên cạnh đó, ngành Công thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương về xúc tiến, hỗ trợ giao thương giữa các DN sản xuất công nghiệp… Đồng thời cập nhật tình hình thị trường xuất khẩu đến các DN; hỗ trợ, hướng dẫn DN đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, đẩy mạnh khai thác các thị trường FTA .

Minh Khuê
Bài viết cùng chủ đề: sản xuất công nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội cho ngành thép

Lai Châu: Kiểm tra hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 3

Mỹ, Nga, Italy sẽ tham gia triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Quân khu 1 thực hành diễn tập bắn đạn thật nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu

Sở Công Thương Bình Định trao đổi kinh nghiệm với ngành công thương Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ

Bộ Công Thương và Samsung Electronics Việt Nam tổng kết khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 2

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 1

Nhiều tập đoàn nước ngoài muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam

Cần giải pháp toàn diện để phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng hiện đại và bền vững

Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư

Doanh thu ngành vật liệu xây dựng chiếm khoảng 11% GDP quốc gia

Khuyến công Quảng Ngãi dự kiến hỗ trợ cao nhất đến 1 tỷ đồng/doanh nghiệp

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu?

Doanh nghiệp dệt may tăng tốc về đích

Bình Định: Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chiều sâu

Viện Nghiên cứu Cơ khí: Tích cực tham gia công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô

Hải Phòng: Kết nối giao thương giữa Hiệp hội ô tô Berlin - Brandenburg và doanh nghiệp