Kết quả biểu quyết |
Khẳng định sự chủ động trong hội nhập quốc tế
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - cho biết: Đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác.
Hiệp định CPTPP kế thừa các nội dung Hiệp định TPP trước đây đã được chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, đã qua 8 năm đàm phán. Đến thời điểm hiện tại đã có 6 nước phê chuẩn thông qua và Hiệp định đủ điều kiện có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày 30/10/2018. “Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là thời điểm phù hợp, thể hiện cam kết chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực và thế giới” - ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết thêm, quá trình đàm phán Hiệp định, bằng các hình thức khác nhau, Chính phủ đã lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp; các bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo để cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến góp ý từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Sau khi kết thúc đàm phán, Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, đánh giá định lượng về tác động của Hiệp định đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát. Đặc biệt, ngay sau khi ký kết Hiệp định CPTPP, Chính phủ chỉ đạo đăng tải nội dung của Hiệp định trên cổng thông tin của Bộ Công Thương.
Triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP
Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, thời gian qua, theo báo cáo của Chính phủ, Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tính toàn diện và tiêu chuẩn cao; các tiêu chuẩn, cam kết của Hiệp định CPTPP về cơ bản tương tự như các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Theo đó, đối với các luật đang và sẽ trình Quốc hội như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm…, Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết của Hiệp định.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP |
Ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, sau khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn và trong vòng 15 ngày, từ ngày Bộ Ngoại giao thông báo chính thức có hiệu lực, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch chi tiết với phân công và lộ trình triển khai cụ thể để bảo đảm thực thi Hiệp định một cách chủ động, đầy đủ và hiệu quả.
Các nội dung chính của kế hoạch này bao gồm việc rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật để phù hợp với Hiệp định CPTPP; tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiệp định; nghiên cứu ban hành một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng hiệu quả những cơ hội mà Hiệp định mang lại, cũng như vượt qua các thách thức, khó khăn trong quá trình thực thi Hiệp định.
Tại Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam. |