Bị kiện và đòi bồi thường hơn 12,7 tỷ đồng: Cục Đăng kiểm Việt Nam nói gì?
Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Công Thương liên quan đến vụ việc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ- Vinacomin khởi kiện và yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam bồi thường hơn 12,7 tỷ đồng, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Namcho biết: Thông tin được đưa ra cho một số cơ quan báo chí là hoàn toàn sai. Đầu tiên, phải đặt câu hỏi tại sao cơ quan đăng kiểm từ chối giải quyết thủ tục cho công ty này nhập khẩu 10 ô tô sát-xi có buồng lái nhãn hiệu SCANIA nhập khẩu về Việt Nam từ tháng 3/2020.
Nguyên do, tại thời điểm số ô tô này nhập khẩu về Việt Nam phải đáp ứng điều kiện về khí thải theo quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg. Tức là, lô xe này phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro4 nhưng doanh nghiệp lại đặt hàng lô xe chỉ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro3. “Xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải làm sao đăng kiểm”, ông Nguyễn Tô An nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho hay: Doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật ở tại thời điểm nhập khẩu xe, thậm chí còn hiểu nhầm nên mới nhập khẩu xe không đủ tiêu chuẩn khí thải của Việt Nam. Ở Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg không loại trừ cho bất cứ một đối tượng nào khác, trừ đối tượng nhập khẩu về phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng. Do vậy, 10 xe ô tô sát-xi Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ- Vinacomin nhập khẩu về không thuộc đối tượng ưu tiên.
Bị kiện, đòi bồi thường hơn 12,7 tỷ đồng: Cục Đăng kiểm Việt Nam nói gì? |
“Doanh nghiệp tự suy diễn rằng, nhập xe về và đóng ra loại xe có thùng to hơn bình thường và không đăng ký tham gia giao thông không phải áp dụng theo Quyết định số 49/2011/QĐ- TTg là hoàn toàn nhầm lẫn”, ông Nguyễn Tô An Khẳng định.
Trao đổi về thông tin Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đang thụ lý vụ án khởi kiện hành chính của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ- Vinacomin đối với hành vi không tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu như đã phản ánh trên một số cơ quan truyền thông, ông Nguyễn Tô An cho hay: Toà chưa thụ lý vụ việc này. Sau khi nhận được đơn của doanh nghiệp, toà án đã mời Cục Đăng kiểm Việt Nam lên làm việc, thời gian là thứ 2, ngày 19/9.
“Phía doanh nghiệp chủ động liên hệ với cơ quan báo chí để rêu rao chuyện này và muốn tạo dư luận để tạo sức ép cho toà thụ lý”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nói. Đồng thời bày tỏ: Cơ quan đăng kiểm là cơ quan chuyên ngành trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chức năng kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn bảo vệ môi trường cho phương tiện cơ giới đường bộ nhập khẩu. Với trường hợp không đạt theo quy định của Nhà nước thì cơ quan đăng kiểm không giải quyết được.
Ông Nguyễn Tô An cũng thông tin thêm: Cục Đăng kiểm Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm hướng dẫn, khuyến cáo doanh nghiệp trước khi nhập khẩu các phương tiện về Việt Nam phải nghiên cứu các văn bản quy định pháp luật về nhập khẩu những mặt hàng đảm bảo đúng quy định.
Nhiều doanh nghiệp không hiểu về các quy định có gửi văn bản về Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đến trực tiếp hỏi đều được hướng dẫn và trả lời. Nhưng Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ- Vinacomin hoàn toàn không đến cơ quan đăng kiểm hỏi theo khuyến cáo của Bộ Giao thông Vận tải trong văn bản số 3535/BGTVT-KHCN trả lời doanh nghiệp (văn bản này đề nghị doanh nghiệp liên hệ cơ quan đăng kiểm để được hướng dẫn) mà tự nhập khẩu xe không đạt tiêu chuẩn khí thải.
Theo thông tin được đăng tải của một số cơ quan truyền thông, ngày 16/9, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đang thụ lý vụ án khởi kiện hành chính của Công ty CP Đầu tư - Thương mại và Dịch vụ - Vinacomin đối với hành vi không tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Doanh nghiệp này cho rằng việc Cục Đăng kiểm Việt Nam từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra 10 xe ô tô sát-xi có buồng lái nhãn hiệu SCANIA nhập khẩu của công ty này là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng nên khởi kiện ra tòa án. Công ty CP Đầu tư - Thương mại và Dịch vụ - Vinacomin còn yêu cầu tòa án buộc Cục Đăng kiểm Việt Nam phải bồi thường thiệt hại về vật chất tổng số tiền hơn 12,7 tỷ đồng, bao gồm: Chi phí lưu kho bãi từ ngày 3/4/2020; chi phí lãi vay tiền nhập lô hàng từ ngày 3/4/2020; thiệt hại do thời gian sử dụng xe cơ giới trong lô hàng bị rút ngắn. |