Chủ nhật 29/12/2024 05:38

'Bệ phóng' tài chính xanh: Đưa Việt Nam đến tăng trưởng bền vững

Tài chính xanh có vai trò then chốt trong quá trình phát triển bền vững của Việt Nam, hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là định hướng lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Chính phủ khẳng định: “Tăng trưởng xanh là trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững”.

Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ tại COP26, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tiếp tục được nhấn mạnh tại COP28. Tài chính xanh đóng vai trò then chốt, khi Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi cơ chế huy động vốn hiệu quả, khuyến khích đầu tư tư nhân và phát triển thị trường tài chính xanh. Song song với nguồn vốn từ ngân sách và hỗ trợ quốc tế, việc xây dựng cả thị trường vốn xanh và tín dụng xanh là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, hiện thực hóa cam kết quốc gia về môi trường.

Báo Công Thương đã có buổi trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước để hiểu rõ hơn về vấn đề thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước

Thưa bà, thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp gì nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh?

Tăng trưởng xanh đã trở thành mục tiêu chiến lược của Việt Nam trong những năm qua. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư xã hội, nguồn lực từ các ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu này. Ngân hàng Nhà nước với vai trò điều phối và định hướng, đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, hỗ trợ các ngành kinh tế bền vững.

Trước hết, Ngân hàng Nhà nước lồng ghép nội dung về tín dụng xanh và ngân hàng xanh vào các chiến lược phát triển dài hạn, đề án ngành, và các văn bản chỉ đạo. Từ năm 2017, cơ quan này phối hợp với các tổ chức quốc tế ban hành danh mục 12 ngành xanh, định hướng các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có lợi cho môi trường. Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cũng được xây dựng, áp dụng cho 15 ngành có tác động lớn đến môi trường. Các buổi tập huấn và chương trình đào tạo đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ trong ngành.

Không chỉ dừng lại ở định hướng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cấp vốn cho các ngành như năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điển hình, ngành ngân hàng đã tham gia tài trợ Đề án 1 triệu hecta lúa phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời hỗ trợ các dự án chống biến đổi khí hậu, chương trình nước sạch, và xây dựng nhà chống lũ ở miền Trung.

Sau hơn một thập kỷ, những nỗ lực này đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Nếu như năm 2017 chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia cấp vốn cho các dự án xanh, đến nay con số này đã tăng lên 50. Dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, trong khi dư nợ liên quan đến quản trị rủi ro môi trường và xã hội lên tới 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ nền kinh tế.

Thành công này không chỉ phản ánh sự chuyển biến trong nhận thức của các tổ chức tín dụng mà còn cho thấy vai trò dẫn dắt hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước. Những kết quả trên là minh chứng rõ ràng cho cam kết của ngành ngân hàng trong việc đóng góp nguồn lực, cùng cả nước tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước

Bên cạnh việc thông tin về các sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh vẫn còn hạn chế và chưa được truyền thông một cách rộng rãi và chi tiết, thì thực tế cho thấy vẫn tồn tại một số quan niệm sai lầm rằng, tín dụng xanh chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp lớn và các thủ tục vay vốn phức tạp. Bà nhận định ra sao về vấn đề này?

Trên quan điểm từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, trước tiên, tôi khẳng định rằng nguồn lực tín dụng từ ngành ngân hàng đã và đang tập trung đầu tư cho các khách hàng với mục tiêu mang lại lợi ích về môi trường. Chính sách tín dụng của ngành ngân hàng không hề có sự phân biệt đối xử dựa trên quy mô sản xuất kinh doanh hay thành phần kinh tế. Định hướng này đã được xuyên suốt trong các chiến lược phát triển, kế hoạch hành động và các văn bản chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước.

Các tổ chức tín dụng được yêu cầu tăng cường tỷ trọng tín dụng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng xanh. Trong các chương trình tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, chẳng hạn như 12 ngành xanh hoặc các chương trình tín dụng nông nghiệp sạch, tiêu chí bảo vệ môi trường luôn được đặt lên hàng đầu. Không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp, cá nhân hay tổ chức nào trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh.

Ví dụ, các chương trình phát triển như "Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao" tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo cơ hội cho tất cả các đối tượng khách hàng, từ doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ đến hộ gia đình, cá nhân. Đặc biệt, các hộ gia đình và cá nhân thậm chí còn nhận được các cơ chế ưu đãi tín dụng vượt trội so với các doanh nghiệp lớn.

Trong công tác điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vào các ngành ưu tiên như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu - những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng kinh tế. Việc triển khai tín dụng không bị giới hạn bởi quy mô sản xuất hay hình thức hoạt động. Thay vào đó, các tổ chức tín dụng sẽ dựa trên khả năng tài chính, chiến lược kinh doanh, và đánh giá rủi ro để xây dựng sản phẩm tín dụng phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Hiện nay, bên cạnh việc cấp tín dụng xanh cho các doanh nghiệp thực hiện dự án lớn như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và công trình xanh, các tổ chức tín dụng cũng đang tập trung vào tiêu dùng bền vững cho cá nhân.

Có thể thấy, các tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng xanh đa dạng và dễ tiếp cận nhằm thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu cho các sản phẩm, dịch vụ bền vững. Vậy Ngân hàng Nhà nước đã tạo cơ chế, chính sách gì để khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm này, thưa bà?

Trong chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững đóng vai trò quan trọng song song với việc giảm phát thải và xanh hóa các ngành sản xuất. Để hỗ trợ tiêu dùng bền vững, ngành ngân hàng đã thực hiện các cải cách trong chính sách tín dụng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, như cho vay qua điện tử và các khoản vay dưới 100 triệu đồng mà không cần chứng minh phương án tài chính.

Để khuyến khích tín dụng tiêu dùng bền vững, Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu các tổ chức tín dụng dành vốn cho các sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường, bên cạnh việc tăng tỷ trọng tín dụng cho ngành sản xuất. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính vẫn gặp khó khăn trong việc xác định đâu là sản phẩm tiêu dùng thực sự "xanh". Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã tham gia góp ý về việc xây dựng và hoàn thiện danh mục "sản phẩm xanh" mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn thảo. Các tiêu chí môi trường cần phải được nghiên cứu và bổ sung để giúp các tổ chức tín dụng dễ dàng xác định và hỗ trợ các sản phẩm tiêu dùng bền vững.

Ngoài ra, các công ty tài chính và các ngân hàng cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về các sản phẩm tín dụng cho tiêu dùng bền vững. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên báo cáo định kỳ về tình hình tiêu dùng, trong đó có các kiến nghị với các cơ quan chức năng, như Bộ Công Thương, để thúc đẩy tiêu dùng bền vững và nâng cao nhận thức của người dân về lối sống tiêu dùng xanh. Điều này không chỉ giúp thay đổi hành vi tiêu dùng mà còn hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Minh Trang
Bài viết cùng chủ đề: Tăng trưởng xanh

Tin cùng chuyên mục

Động thái mới nhất của nhà điều hành về quản lý thị trường vàng

Phú Thọ Land huy động thành công 950 tỷ đồng từ trái phiếu

Xác thực sinh trắc học ‘giờ G’ đã đến

VNDirect: Nhu cầu tín dụng tăng tốc, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động dịp cuối năm

Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Việt Nam là quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất khu vực châu Á

Nam A Bank – Ngân hàng đầu tiên phối hợp Napas triển khai dịch vụ thanh toán di động Tap & Pay

Global Banking & Finance Review trao tặng 2 giải thưởng bán lẻ cho VietinBank

Cổ phiếu CTC đứng trước nguy cơ 'xóa sổ'

Cổ phiếu HHV: Nhiều triển vọng bứt phá năm 2025

Sang tuần, UPCoM đón thêm 'tân binh' là công ty hóa chất 45 năm tuổi

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm 2025

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào