Xử lý chất thải rắn công nghiệp cần ưu tiên tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất |
Những năm qua, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhận được sự quan tâm đầu tư đặc biệt, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển kinh tế. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp đang hoạt động; có 166 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích đất 266,2 ha, đất đã cho doanh nghiệp thuê là 225,5 ha, tỷ lệ lấp đầy 76% diện tích.
Tiềm năng của sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp là rất lớn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên điều này cũng kéo theo tình trạng quá tải về việc xử lý môi trường, là vấn đề cấp thiết đối với tỉnh Đắk Lắk, trong đó có chất thải rắn công nghiệp thông thường. Nhiều khu công nghiệp cũng chưa có đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại nên công tác bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn.
Quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường là điểm cần lưu ý trong việc bảo vệ môi trường của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. |
Hiện nay chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh phát sinh trong quá trình sản xuất, chế biến được các đơn vị tự hợp đồng với đơn vị thu gom theo hình thức: đối với chất thải công nghiệp có thể tái chế hoặc sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho quy trình sản xuất khác thì được chuyển giao theo hợp đồng mua bán phế liệu; đối với chất thải không còn tính hữu ích (không còn khả năng tái chế, tái sử dụng) thì được chuyển giao cho đơn vị xử lý chất thải công nghiệp để xử lý. Tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương để Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chuyên đề “Điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình phát sinh, quản lý chất thải”, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể bố trí kinh phí để triển khai thực hiện. Do đó, hiện chưa có số liệu điều tra, thống kê về khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên theo ước tính, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đang cực kì lớn nhưng các cụm công nghiệp chưa xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, dẫn đến công tác quản lý, xử lý chất thải chưa đáp ứng yêu cầu. Cộng với việc trung bình mỗi ngày tổng lượng nước thải các khu công nghiệp thải ra môi trường trên 1.000 m3 nhưng hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp phải tự đầu tư công trình xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm có khả năng xảy ra.
Trước những thách thức trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã ký kết ban hành Quyết định số 27/2022QĐ-UBND về Quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; giao trách nhiệm cho các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh có liên quan nắm chắc nội dung, có kế hoạch để theo dõi, đồng hành, liên kết quản lý các nội dung trong phạm vi quản lý của đơn vị có liên quan đến chất thải công nghiệp, chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Trong đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao trách nhiệm cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk chủ trì, nghiên cứu, xây dựng và đề xuất UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của các doanh nghiệp, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý nước thải của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý chất thải của các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Nghị cũng yêu cầu Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp phải đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý nước thải của các cụm công nghiệp.
Đồng thời giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường, tổ chức phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo quy định.
Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và vệ sinh môi trường tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống...; tổ chức triển khai thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình “ Siêu thị không sử dụng túi nilon” và “Chợ không sử dụng túi nilon”.