Chủ nhật 22/12/2024 08:10

Bảo vệ bản quyền báo chí: Vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí

Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí.

Rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí

Thông tin tại hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 13/9, ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, một trong những thách thức lớn đổi với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số. Theo đó, hiện tượng vi phạm quyền pháp lý được cấp cho người tạo ra hoặc sở hữu nội dung số để kiểm soát việc sao chép, phân phối và sử dụng nó trong môi trường số hóa đang diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Đây chính là rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí ở các cơ quan báo chí hiện nay.

Ông Dũng cho rằng, bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung báo chí, tạo động lực cho các nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào các dự án phát triển nội dung, các dự án đổi mới sáng tạo báo chí.

“Bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo, thúc đẩy một nền báo chí với ‘hàng thật’ và ‘hàng chất lượng cao’” - ông Dũng khẳng định.

Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh, bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.

Ảnh: Quang Khánh

Nói về môi trường pháp lý, ông Dũng cho biết, quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan đã được quy định, tuy nhiên việc phân định quyền quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ hiện còn bị phân tán, chưa có sự thống nhất cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng. Các biện pháp chế tài xử phạt còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng và còn mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn trong việc xử lý. Ngoài ra, sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm báo chí hiện nay còn chưa nghiêm.

Đồng quan điểm, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho hay, nội dung số nói chung và bản quyền tác phẩm báo chí phải đối diện với những thách thức mới, đòi hỏi môi trường pháp lý phải được định hình lại.

Ông Lợi cho biết, tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng phổ biến, tinh vi, không chỉ vi phạm bản quyền, những tin, bài bị “đánh cắp bản quyền” trong rất nhiều trường hợp bị cắt cúp, làm méo mó, sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nắm bản quyền, của tác giả bài viết, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh, vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí còn gây thất thu lớn về mặt kinh tế cho cơ quan báo chí. Thị phần quảng cáo và khai thác nội dung báo chí lẽ ra nằm tại các đơn vị nắm giữ bản quyền thì lại chảy về các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn lớn về nguồn thu.

“Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực bản quyền, sở hữu trí tuệ” - ông Lợi nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, việc vi phạm bản quyền báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hóa.

“Giá trị cốt lõi của nhà báo và tòa soạn báo là tính chính trực, trung thực, tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật và quyền sở hữu trí tuệ. Việc nhà báo vi phạm bản quyền báo chí thường được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức và các tiêu chuẩn về văn hóa truyền thông vì nó liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề báo và truyền thông, bao gồm: Sự trung thực và đáng tin cậy; tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, tính đa dạng và độc lập trong nguồn tin và vấn đề đề cao sáng tạo và sự công bằng” - bà Hằng nói.

Các diễn giả tại phiên thảo luận

Ảnh: Quang Khánh

Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh, nhà báo và toà soạn báo phải đảm bảo thông tin cung cấp cho bạn đọc là đúng đắn và chính xác. Việc sao chép hoặc tái sử dụng nội dung mà không có sự cho phép hoặc sửa đổi nội dung, mạo danh để đáp ứng mục tiêu riêng có thể gây hiểu lầm cho độc giả và đánh mất tính đáng tin cậy của người làm báo và cơ quan báo chí.

“Chuẩn mực đạo đức trong ngành báo chí đòi hỏi tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Nhà báo không được phép lấy nội dung của người khác mà không có sự cho phép hoặc trái với các quy định bản quyền” - bà Hằng nhận định.

“Ba chân kiềng” bảo vệ nhà báo và cơ quan báo chí

Đánh giá về những nguyên nhân khiến vi phạm bản quyền ngày càng nhức nhối và không dễ ngăn chặn, nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo HàNộiMới cho biết, trước hết là do sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị cho phép truy cập Internet đã giúp việc truyền tải và sao chép các tác phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi chỉ cần vài cú nhấp chuột là đã sao chép được.

Nguyên nhân nữa là trình độ hiểu biết và ý thức của tổ chức, cá nhân về vấn đề này còn hạn chế. “Chúng ta chưa đặt việc bảo vệ tài sản của mình là một nhiệm vụ quan trọng. Các cơ quan báo chí chưa quyết liệt trong việc đối phó với tình trạng này. Nhiều người có quyền không nhận thức được quyền của mình, không biết cách để bảo vệ quyền khi bị xâm phạm” - ông Đức nói.

Tổng Biên tập Báo HàNộiMới cũng cho rằng, trong nhiều trường hợp, luật pháp chưa thực sự bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, vẫn còn “lỗ hổng” trong việc bảo vệ bản quyền tác giả một cách hiệu quả trong môi trường Internet. Mức xử phạt trong lĩnh vực vi phạm bản quyền báo chí còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việt Nam cũng chưa có một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp để xử lý những xung đột giữa người vi phạm bản quyền và các cơ quan báo chí.

Theo ông Đức, phát hiện vi phạm bản quyền không khó, nhưng xử lý các hành vi này sao cho hiệu quả thì không đơn giản, đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện một cách tổng thể và đồng bộ.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.

Ảnh: Quang Khánh

Bàn về giải pháp đối phó, bên cạnh những giải pháp nâng cao năng lực quản lý và điều chỉnh về mặt pháp lý, Tổng Biên tập báo HàNộiMới khuyến nghị các cơ quan báo chí có thể sử dụng các công cụ giám sát trực tuyến để theo dõi các trang web hoặc trang mạng xã hội có chứa nội dung bản quyền của họ; Ứng dụng Blockchain trong tòa soạn để giúp xác thực, bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí và bảo vệ quyền lợi của các nhà báo, tác giả, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền cũng như tranh chấp liên quan đến sở hữu.

Các cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện cổng thông tin đăng ký tác quyền; Từng bước triển khai việc nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain; Tích hợp quản lý tác quyền số, nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu phí tác quyền bằng Blockchain...

Cùng với đó, các cơ quan báo chí có thể hướng tới phát triển dịch vụ bán bản quyền tác phẩm báo chí. Dịch vụ này cho phép các đối tác khác sử dụng các tác phẩm của cơ quan báo chí giữ bản quyền với điều kiện phải mua bản quyền trước.

“Các tác phẩm báo chí có thể bao gồm những bài viết, hình ảnh, video và âm thanh được xuất bản hoặc sản xuất bởi các cơ quan báo chí. Khi các đối tác khác muốn sử dụng các tác phẩm này, họ phải mua bản quyền từ các cơ quan báo chí. Việc này giúp đảm bảo rằng các tác phẩm được sử dụng theo đúng quy định về bản quyền và các cơ quan báo chí nhận được mức phí phù hợp cho việc sử dụng tác phẩm của mình” - ông Đức nói.

Để giúp cơ quan báo chí tự bảo vệ và hỗ trợ cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho rằng, cần cả ba chân kiềng: Một là, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành; Hai là, hoạt động mạnh mẽ và nghiêm khắc và hiệu quả của hệ thống các cơ quan có thẩm quyền, ý thức tự bảo vệ của chính cơ quan báo chí; Ba là, sự hỗ trợ của công nghệ.

Về phía Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Cục trưởng Đặng Thị Phương Thảo cho biết, trong thời gian qua, Cục đã rất tích cực trong việc trợ giúp các cơ quan báo chí đấu tranh với vấn nạn vi phạm bản quyền. Tiêu biểu là với việc sửa đổi Luật Báo chí, Cục đã tham mưu cho Bộ một nội dung quan trọng là hoạt động báo chí trên không gian số nhằm đáp ứng sự phát triển của báo chí trong tình hình mới. Trong đó bản quyền báo chí là điểm nhấn. Bên cạnh đó Cục cũng đang tham mưu với Bộ xây dựng quy trình chuẩn nhằm trợ giúp báo chí đấu tranh với vi phạm bản quyền.

“Ở thời điểm hiện tại, các cơ quan báo chí nếu phát hiện ra vi phạm bản quyền có thể trực tiếp thông báo tới Cục Báo chí hoặc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, chúng tôi sẽ xử lý kịp thời, kể cả nền tảng xuyên biên giới như Tiktok, Facebook …” - bà Thảo nói.

Lãnh đạo Cục Báo chí cũng cho biết, thời gian qua Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia của Cục đã có hai đề tài khoa học được nghiệm thu, đó là vận hành media hub để phối hợp với cơ quan báo chí đo, quét nội dung vi phạm bản quyền và hội đồng giúp xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Các mô hình đang được chạy thử và có thể đưa vào triển khai diện rộng trong thời gian tới.

Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Hội Nhà báo Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Bộ Nội vụ thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương năm 2024

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Cải tiến quá trình sản xuất - yếu tố ''sống còn'' với cộng đồng doanh nghiệp

Dự báo thời tiết biển hôm nay 21/12/2024: Xuất hiện một vùng áp thấp ở phía nam biển Đông

Nhân sự 20/12: Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 trao quyết định về công tác cán bộ

Dự báo thời tiết hôm nay 21/12/2024: Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng ấm

Trao giải Cuộc thi viết “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ 2

“Nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất”- hành động đẹp cần được lan tỏa

Hà Nội: Làm rõ vụ 2 người tử vong, 14 người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Hơn 10 tỷ đồng đến với người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi trong tháng 12

Cục Cảnh sát giao thông hướng dẫn trình tự 8 bước đăng ký xe nhập khẩu qua VneID

Bộ Y tế thông tin mới nhất về 'số phận' Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2

Trao Giải báo chí về xây dựng Đảng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Giảm hơn 16.000 biên chế công chức, viên chức tính đến hết tháng 10/2024

Công nhận 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Bệnh Zona: Tác nhân làm tăng biến cố tim mạch và đột quỵ

Từ ngày 20/12, mở Chợ Tết Công đoàn online, cách nào để nhận được phiếu mua hàng miễn phí?

Từ 1/1/2025, dừng giao dịch ngân hàng trực tuyến nếu chưa xác thực sinh trắc học