Báo chí: Lửa chiến đấu, lửa yêu thương!
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khi trao đổi với Phóng viên Báo Công Thương đã nhấn mạnh, văn hóa báo chí gắn liền với tính nhân văn của báo chí.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam |
Thưa ông, sự xuất hiện của mạng xã hộivà các phương tiện truyền thông mới khiến thị phần của nhiều cơ quan báo chí suy giảm, một số tờ báo bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh để tìm kiếm nguồn thu, độc giả. Một số tờ báo, nhà báo có biểu hiện lệch chuẩn, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phát động có ý nghĩa như thế nào?
Có thể nói, văn hóa là môi sinh của báo chí. Báo chí có nhiệm vụ rất quan trọng là truyền tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp cho xã hội. Văn hóa báo chí gắn liền với tính nhân văn của báo chí. Chúng ta đang xây dựng một nền báo chí vừa có tính chiến đấu vừa có tính nhân văn. Báo chí chỉ có thể hoàn thành được trách nhiệm xã hội đối với đất nước, đối với nhân dân khi nêu cao đồng thời tính chiến đấu và tính nhân văn.
Tôi rất đồng tình và hoan nghênh việc hiện nay các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo đang sôi nổi thảo luận trong đợt sinh hoạt rất quan trọng, đó là xây dựng văn hóa báo chí ở trong các cấp hội, các cơ quan báo chí. Tôi nghĩ đợt sinh hoạt này cần phải được tiến hành một cách sâu rộng trong từng cấp hội, trong từng cơ quan báo chí để cho từng người làm báo thấm nhuần được một cách sâu sắc văn hóa trong báo chí và người làm báo có vai trò quan trọng như thế nào khi truyền tỏa văn hóa thông qua báo chí.
Bên cạnh các cơ quan báo chí thì lực lượng người làm báo cũng được đánh giá là có vai trò đặc biệt quan trọng trong phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí. Vậy theo ông, vai trò của người làm báo cần phải phát huy ra sao trong phong trào này?
Hiện nay, do sự phát triển của mạng xã hội, do đại dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế khiến nhiều cơ quan báo chí khó khăn thêm. Tôi biết không ít cơ quan báo chí hiện nay mất cân đối thu chi, thậm chí có những nơi phải vật lộn gay go với chuyện cơm áo gạo tiền. Nhiều cơ quan báo chí nợ lương, nợ nhuận bút, nợ tiền công in ấn, nợ bảo hiểm xã hội… dẫn đến đời sống của nhiều người làm báo gặp khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo Bộ Công Thương rất quan tâm tới công tác chuyển đổi số của Báo Công Thương |
Trong khi đó, nói đến đạo đức báo chí thì cũng không thể tách rời với điều kiện sống, điều kiện làm việc của các cơ quan báo chí, của người làm báo. Nhưng nghề báo một nghề rất đặc biệt. Chúng ta làm nghề ngoài việc để mưu sinh, kiếm sống thì nghề này có một đặc thù, tạo nên sứ mệnh thiêng liêng, cao quý, đó là chúng ta làm nghề theo phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải.
Đạo đức là nền tảng, là cốt lõi của hoạt động báo chí. Nếu không có đạo đức thì nhà báo không bao giờ có thể hoàn thành được trách nhiệm của mình đối với xã hội. Cho nên, tôi nghĩ, không thể vin vào chuyện đời sống còn khó khăn, thu nhập còn thấp để giải thích, bào chữa, biện hộ cho những vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của báo chí, lòng tự trọng và thanh danh của những người làm báo chân chính.
Vấn đề doanh thu của cơ quan báo chí và thu nhập của nhà báo liên quan mật thiết đến kinh tế báo chí. Vậy ông có chia sẻ gì về các giải pháp kinh tế báo chí để tháo gỡ một phần khó khăn cho các cơ quan báo chí hiện nay?
Tôi rất đồng ý là chúng ta không tách rời việc xây dựng văn hóa báo chí, đạo đức làm nghề với kinh tế báo chí, tức là điều kiện cơ bản để các nhà báo làm nghề. Cần tạo một môi trường làm việc thuận lợi cho các cơ quan báo chí và cho các nhà báo tác nghiệp để ở đó nhà báo không bị quá vật lộn với vấn đề cơm áo gạo tiền, để nhà báo có thể làm nghề một cách tử tế, đàng hoàng. Nhìn một cách tổng thể, khi nói đến vấn đề cân đối thu chi, tự chủ tài chính thì nó gắn với vấn đề kinh tế báo chí.
Đã có nhiều ý kiến rằng, nếu đẩy người làm báo “ra đường” và dùng cái nghề của mình - một nghề rất cao quý - để đi “kiếm ăn” thì vô cùng nguy hiểm. Cho nên, tôi xin nhấn mạnh lại, cần phải có một đề án tổng thể để giải quyết vấn đề kinh tế báo chí một cách căn cơ, từ cấp hoạch định và điều hành chính sách của Nhà nước đến các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí.
Để làm sao những cơ quan báo chí chịu trách nhiệm trực tiếp làm nhiệm vụ chính trị thì phải được cấp ngân sách ở mức độ phù hợp để thực hiện. Còn nếu thu chi của báo chí được nhìn nhận một cách lạnh lùng hoàn toàn theo cơ chế thị trường, thì báo chí khó tránh khỏi bị thương mại hóa, không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ chính trị của mình. Lợi nhuận lớn nhất, quan trọng nhất của báo chí là đưa thông tin chính xác, tin cậy, bổ ích ra xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, xây đắp niềm tin xã hội. Sản phẩm báo chí là một loại sản phẩm đặc biệt, tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý xã hội. Không thể đo hiệu quả của báo chí đơn giản chỉ bằng lỗ lãi tiền nong.
Bên cạnh đó, gần đây chúng ta nói đến vấn đề khá thời sự, đó là đặt hàng báo chí. Kinh tế báo chí gắn liền với đặt hàng báo chí và nếu làm tốt vấn đề đặt hàng báo chí thì sẽ giải quyết được một phần khó khăn rất lớn cho các cơ quan báo chí.
Ông có nhấn mạnh đến vấn đề đặt hàng báo chí, đây là việc rất quan trọng để tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khi thực hiện nhiệm vụ này vai trò của báo chí trong việc phát hiện tiêu cực, sai trái và phản ánh trên báo chí sẽ giảm đi. Vậy, đâu là “điểm cân bằng” để cơ quan báo chí vừa làm tốt vấn đề đặt hàng, nhưng vẫn thực hiện đúng chức năng của mình, thưa ông?
Đây là một câu hỏi hay! Báo chí được tin cậy và được đặt hàng, nhưng báo chí không được quên trách nhiệm của mình, làm sao phải hài hòa được các lợi ích: Lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cộng đồng xã hội, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của chính cơ quan báo chí. Vấn đề này vô cùng quan trọng, báo chí phải thực hiện đúng phương châm là khách quan công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Không thể nhận tiền để quảng bá theo kiểu “làm hàng”, tô vẽ, bốc thơm, việc không tốt thì nói là tốt, dẫn đến sản phẩm báo chí đưa ra xã hội lại lừa dối xã hội, rất có hại. Bởi sau mỗi bài báo, mỗi sản phẩm báo chí có thể là số phận một con người, sinh mệnh của một doanh nghiệp, uy tín của một tập thể, lợi ích của một cộng đồng…
Tôi nghĩ, người làm báo, dù trên một tờ báo chính thức hay trên mạng xã hội thì tư cách nhà báo cũng chỉ có một thôi. Đó là người cung cấp thông tin cho xã hội. Thông tin đó phải chính xác, trung thực, tin cậy. Đây cũng chính là yếu tố cốt lõi của tính nhân văn. Ca ngợi cái tốt, cái đẹp, hay chống lại cái ác, cái xấu, tôi nghĩ, sứ mệnh của báo chí là làm cho niềm tin vào lẽ phải, vào công lý luôn là ánh sáng trong cuộc đời này.
Lửa chiến đấu, lửa yêu thương! Đó là tính nhân văn cao cả của báo chí. Đó cũng chính là ý nghĩa sâu sắc của cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!