Ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) là hết sức cấp bách đối với phát triển kinh tế - xã hội
Đánh giá về Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Đặng Bích Ngọc - đoàn Hòa Bình cho biết, Luật Điện lực năm 2004 qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2018, 2022 và 2023 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hiệu quả hoạt động điện lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao trên toàn quốc.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình |
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu điện năng và công nghệ phát triển không ngừng, qua gần 20 năm thực hiện, Luật Điện lực năm 2004 đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi cần được sửa đổi để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8 gồm 9 chương với 130 điều. Dự thảo Luật bám sát vào các chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội.
Luật Điện lực (sửa đổi) lần này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, vì điện năng là nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn.
Điều này cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng tính bền vững. Dự thảo Luật cũng mở cửa cho nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất, phân phối và kinh doanh điện, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia vào thị trường. Điều này tạo ra cạnh tranh, dẫn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm chi phí cho các doanh nghiệp sử dụng điện.
"Do đó, việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là hết sức cần thiết và cấp bách cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai sắp tới" - đại biểu nhấn mạnh.
Góp ý thêm về dự thảo Luật, đại biểu nêu, về chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư lưới điện trung áp, hạ áp ( khoản 2 Điều 19), qua khảo sát tại địa phương cho thấy: hiện nay, các dự án lưới điện trung hạ áp áp có diện tích chiếm đất nhỏ, hơn 90% là cấp điện phục vụ sinh hoạt của nhân dân và trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, trường học, trạm bơm nước sinh hoạt, bệnh viện.... các dự án này không được quy hoạch chi tiết, việc đầu tư tùy thuộc nhu cầu phụ tải thực tế (quá tải đột biến, các phụ tải tiểu thủ công nghiệp...). Do vậy, thời gian triển khai cần nhanh (thường yêu cầu hoàn thành trong vòng 5-6 tháng).
Nếu phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ kéo dài do phải đáp ứng các điều kiện phải có Quy hoạch sử dụng đất (5 năm/lần họp điều chỉnh); kế hoạch sử dụng đất (1 năm/lần HĐND tỉnh họp phê duyệt).
Theo đó, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi nội dung khoản 2 Điều 19 theo hướng miễn trừ việc thực hiện thủ tục chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng các dự án trung, hạ áp, đề xuất thay bằng chấp thuận các danh mục đầu tư xây dựng lưới trang hạ áp thay bằng văn bản đồng ý danh mục đầu tư xây dựng lưới điện trung hạ áp (khi các công ty điện lực đề xuất danh mục đầu tư xây dựng lưới trung hạ áp thì UBND cấp tỉnh/thành phố có văn bản đồng ý danh mục các công trình do các công ty điện lực đề xuất).
Về các trường hợp dự án, công trình điện khẩn cấp (Điều 20, 21, 22), đại biểu Đặng Bích Ngọc cho hay, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng dự án điện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng, tác động nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, đảm bảo tối đa, nhanh chóng nguồn an ninh năng lượng, thì việc xây dựng cơ chế đảm bảo cung ứng điện trong các tình huống khẩn cấp là hết sức cần thiết.
Bởi lẽ, nếu chúng ta không có cơ chế đặc thù thì việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án mất nhiều thời gian, qua nhiều cấp, nhiều ngành làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án kéo theo những ảnh hưởng và tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu hút đầu tư.
Trong nhiều trường hợp đặc biệt, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp. Vì vậy, ở một số dự án trọng điểm, cần có những quy định đặc thù, rõ ràng để triển khai, đảm bảo mục đích và yêu cầu phát triển giai đoạn hiện nay.
Đại biểu đoàn Hòa Bình cũng cho rằng, cần luật hoá việc phát triển trạm sạc xe điện Việt Nam hiện nay đang bước vào giai đoạn phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện, tuy nhiên nội dung này chưa được quy định cụ thể bởi luật.
"Tôi nhận thấy việc luật hóa việc phát triển trạm sạc xe điện là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng và khuyến khích phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Việc này không chỉ giúp đảm bảo hạ tầng hỗ trợ sự phát triển của phương tiện xe điện mà còn tạo cơ sở pháp lý để quản lý, vận hành và bảo vệ lợi ích của các bên liên quan" - đại biểu nhấn mạnh.
Về an toàn trong sử dụng điện cho sản xuất (Điều 114), nội dung tại điều 114 dự thảo Luật đã nêu quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đơn vị cung cấp điện cũng như các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi thực hiện thiết kế hệ thống điện. Trách nhiệm của đơn vị cung cấp điện trong việc đảm bảo an toàn trong sử dụng điện cho sản xuất là vô cùng quan trọng, vì an toàn điện không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất mà còn đến sức khỏe và tính mạng của người lao động.
Tuy nhiên, nội dung về trách nhiệm của đơn vị cung cấp điện chưa được nêu cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp điện phải tuân thủ một số nội dung như: Đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục để phục vụ sản xuất kinh doanh; báo trước về kế hoạch cắt điện trong trường hợp cần thiết phải cắt điện để bảo dưỡng, sửa chữa hoặc do sự cố, nhà cung cấp điện.
Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn việc sử dụng điện an toàn cũng như tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tập huấn về an toàn điện; chịu trách nhiệm trong trường hợp nhà cung cấp điện không đảm bảo an toàn hoặc gây ra sự cố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, doanh nghiệp có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Về quản lý sử dụng điện sau công tơ, đại biểu nhận định, hiện nay việc triển khai công tơ điện thông minh là một giải pháp quản lý hiện đại, giúp giám sát lượng điện tiêu thụ theo thời gian thực, từ đó phát hiện sớm các sự cố hoặc sai lệch trong đo đếm. Điều này không chỉ giúp khách hàng kiểm soát tốt hơn lượng điện sử dụng mà còn giúp nhà cung cấp phát hiện các vấn đề kỹ thuật nhanh hơn.
Cho nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về ứng dụng khoa học kỹ thuật để quản lý sử dụng điện sau công tơ hiệu quả cũng như giảm thiểu những tổn thất không đáng có cho khách hàng là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.