Thứ hai 23/12/2024 06:15
Lỗ hổng thương mại điện tử xuyên biên giới và góc nhìn chủ quyền quốc gia:

Bài 4: Kinh nghiệm quản lý quốc tế Việt Nam cần tham khảo

Để lấp những “lỗ hổng” trong phát triển thương mại điện tử, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế với nhiều giải pháp hay và mạnh mẽ.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực thì những “lỗ hổng” trong quá trình phát triển của loại hình thương mại hiện đại này cũng ngày càng lộ rõ.

Kiểm soát tốt “3 dòng”

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, thậm chí gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Google và Temasek nhận định, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực và dự báo sẽ đạt mức 15 tỷ USD vào năm 2025.

Thương mại điện tử đã tạo ra hàng tỷ đô la cho hoạt động kinh tế của Việt Nam. Những lợi ích và đóng góp của thương mại điện tử đối với sự phát triển của các nền kinh tế trong đó có Việt Nam là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên nhìn ở một góc độ khác, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đang đặt ra bài toán mà cơ quan quản lý gặp phải là việc kiểm soát hàng hóa, bao gồm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, chống thất thu thuế… là điều không hề dễ dàng đối với mỗi quốc gia.

Việc kiểm soát hàng hóa trong thương mại điện tử xuyên biên giới là không hề dễ dàng

TS.Chử Bá Quyết -Trưởng Bộ môn Thương mại điện tử, Đại học Thương mại cho rằng: "Giao dịch thương mại điện tử hay thương mại truyền thống đều phải giải quyết đồng bộ 3 dòng đó là: dòng thông tin trao đổi, dòng chuyển dịch hàng hóa và dòng tài chính/tiền".

Theo TS.Chử Bá Quyết thì vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa được bán trên các nền tảng thương mại điện từ biên giới đã được bàn đến khá sớm, ví dụ trong vụ án Tiffany kiện eBay năm 2004 vì trên sàn eBay có bán hàng giả thương hiệu Tiffany hay Lancôme - một công ty Pháp thuộc sở hữu của tập đoàn L'Oréal kiện sàn eBay tại Bỉ năm 2009.

Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là, nếu thông tin hàng hóa được cung cấp trên sàn là đúng, chính xác, đầy đủ (dòng thông tin) nhưng hàng hóa được giao nhận (dòng hàng hóa) không đúng như vậy, liệu giao dịch có được xem là hợp pháp? “Kiểm soát chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm là vô cùng quan trọng nhưng rất khó”, TS Quyết chia sẻ.

Theo Đạo luật Mua sắm an toàn của Hoa Kỳ năm 2021 có quy định “Yêu cầu người bán xác minh và chứng thực tính xác thực của hàng hóa được bán trên sàn hoặc hàng hóa liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký” nhằm chống nguy cơ hàng hóa giả mạo, vi phạm nhãn hiệu. Tuy nhiên, giao dịch thương mại điện tử nhiều công đoạn. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm vẫn sẽ là khó khăn cho cả nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như cơ quan có thẩm quyền.

TS Quyết lấy ví dụ, khi bạn đặt mua sản phẩm của doanh nghiệp A(người bán) trên sàn thương mại điện tử B nhưng đơn vị giao hàng C, vậy kiểm soát dòng hàng vận chuyển như thế nào? Nếu doanh nghiệp A có hệ thống vận chuyển, giao nhận trực tiếp với khách hàng thì việc tráo đổi hàng trong công đoạn vận chuyển, giao nhận sẽ khó xảy ra. Đấy là đối với nội địa, tuy nhiên nếu là các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới thì còn liên quan đến các cơ quan hải quan cùng các dịch vụ trung gian với nhiều công đoạn khác nữa.

TS. Chử Bá Quyết cho rằng nếu kiểm soát tốt "3 dòng" sẽ đảm bảo chống thất thu thuế

Nếu chúng ta kiểm soát tốt được dòng thông tin và dòng dịch chuyển hàng hóa thì chúng ta sẽ kiểm soát được dòng tài chính/tiền. Trong đó dòng thông tin và dòng tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát được tiền thuế”, TS Quyết khẳng định.

Hiện nay, với tốc độ tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử, các sàn giao dịch đã thực hiện nhiều công việc hơn trong quá trình mua bán trực tuyến, với nhiều đối tượng tham gia nhiều hơn (trong nước và nước ngoài), trong đó có những người bán không hiểu /không biết nghĩa vụ pháp lý về thuế ở khu vực họ bán, đòi hỏi sàn thương mại điện tử phải làm thay.

Mỗi sàn thương mại điện tử có thể cung cấp dịch vụ hoặc tham gia vào quá trình giao dịch mua bán ở mức độ khác nhau. Theo TS Quyết, không thể đòi hỏi trách nhiệm quá nhiều mà quyền/lợi ích vật chất của sàn lại quá ít. Nhiều quốc gia có thương mại điện tử phát triển như Hoa Kỳ - 2018, Đức 2018, Anh 2016, Úc 2017, Ấn Độ 2020, Trung Quốc 2018 đã quy định sàn giao dịch TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay cho người bán trên sàn, mặc dù mỗi quốc gia có giới hạn đối tượng hoặc loại giao dịch.

Tại Việt Nam, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng dự thảo sửa đổi nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về quản lý thuế trong đó có nội dung quy định các sàn thương mại phải kê khai và nộp thuế hộ cho các cá nhân kinh doanh. Hy vọng đây sẽ là cơ sở pháp lý để chống thất thu thuế đối với kinh doanh qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Các đơn vị logistics tiếp nhận đơn hàng và thực hiện các thủ tục để vận chuyển hàng xuyên biên giới. Ảnh minh họa

Đó mới chỉ là những “lỗ hổng” nhìn từ góc độ kinh tế, còn nhìn từ vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia “lỗ hổng” lớn nhất mà thương mại điện tử mang lại chính là nguồn “thông tin, dữ liệu” mà các doanh nghiệp kinh doanh thương mai điện tử có được từ người mua hàng. Vậy “bịt lỗ hổng” này như thế nào để vừa đảm bảo xây dựng được một nền thương mại điện tử phát triển bền vững vừa đảm bảo được chủ quyền quốc gia trên không gian mạng?

Để giải quyết vấn đề trên nhiều nước trên thế giới đã ban hành các chính sách nhằm bảo hộ thương mại trong môi trường điện tử, một trong những quốc gia có nhiều thành công trong lĩnh vực này phải kể đến Trung Quốc và Ấn Độ với chính sách bảo hộ 2.0

Bảo hộ kỹ thuật số

Trung Quốc được coi là một trong các quốc gia khởi đầu xây dựng các chính sách bảo hộ an ninh mạng từ rất sớm. Phải đến tháng 5/2017, 34 quốc gia trên thế giới đã thông qua luật pháp để bảo vệ việc chuyển giao quốc tế dữ liệu, bao gồm dữ liệu cá nhân (bao gồm cả sức khỏe) và dữ liệu công cộng (dữ liệu thuế, dữ liệu kế toán và tài chính).

Trong khi bảo vệ dữ liệu cá nhân là hợp pháp, ranh giới giữa bảo vệ và chủ nghĩa bảo hộ là khó khăn khi nói đến các loại dữ liệu trong thương mại và công nghiệp.

Để thúc đẩy phát triển TMĐT nội địa, Trung Quốc đã sớm nhìn ra vấn đề, kịp thời ban hành nhiều chính sách và các hỗ trợ nhằm khai thác các lợi ích từ các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như hạn chế các doanh nghiệp này, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước.

Theo TS. Chử Bá Quyết, để tạo điều kiện cho sự phát triển của các công ty trong nước cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như Tencent, Alibaba và Baidu cũng như thúc đẩy các công ty thương mại điện tử địa phương, các nền tảng thương mại điện tử (ecommerce platform) trong nước, đặc biệt các công ty còn non trẻ, quy mô nhỏ, yếu kém về công nghệ. Trung Quốc đã ban hành những quy định và chính sách được gọi là “Chủ nghĩa bảo hộ kỹ thuật số của Trung Quốc” để ngăn chặn các đối thủ nước ngoài.

Điển hình như Google, để cạnh tranh với Baidu - một doanh nghiệp nội địa được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, Google phải lập website Google.cn phiên bản tiếng Trung Quốc để cạnh tranh với công cụ tìm kiếm địa phương.

Tuy nhiên chính phủ Trung Quốc đã cấm tên miền Google.cn, chặn truy cập tới Google.cn. Ngoài ra,chính phủ Trung Quốc yêu cầu Google phải lọc các kết quả tìm kiếm nhạy cảm (liên quan đến chính trị, nhân quyền...), và đưa ra các quy tắc kiểm duyệt nghiêm ngặt đối với các công ty Internet nước ngoài.

Google đã rất vất vả đáp ứng các yêu cầu kiểm duyệt và mất cơ hội cung cấp dịch vụ cho người dùng Trung Quốc. Thị phần của Google trong lĩnh vực tìm kiếm suy giảm nghiêm trọng, từ trên 50% năm 2002, giảm còn khoảng 2% năm 2020. Kết quả là đến tháng 3/2010, Google đã phải từ bỏ thị trường Trung Quốc sau năm năm hoạt động.

TS Quyết nhận định: "Trung Quốc ngăn chặn thành công các trang web cạnh tranh với Baidu như Google, các trang thương mại điện tử có thể cạnh tranh với Alibaba như Rakuten của Nhật Bản, Amazon của Hoa Kỳ, các ứng dụng kinh doanh, bao gồm Slack, Dropbox và Slideshare, và gần như mọi ứng dụng trò chuyện có thể cạnh tranh với WeChat như Line, KakaoTalk và Viber".

Sau khoảng mười năm phát triển thương mại điện tử, đến đầu những năm 2010, Trung Quốc đã có những công ty cung cấp dịch vụ Internet hoặc thương mại điện tử đủ lớn. Đến nay, Trung Quốc đã có những công ty quá lớn như Baidu, Tencent, Alibaba, không chỉ đủ sức cạnh tranh với các công ty hàng đầu thế giới mà còn mở rộng ra khắp thế giới”, TS Quyết chia sẻ.

Trang Taobao’s Guang Guang của Alibaba Group đứng đầu trong các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc năm 2021 với 792 triệu người dùng, mỗi phút bán ra hơn 40.000 sản phẩm

Tại Trung Quốc, Luật thương mại điện tử năm 2018 sửa đổi đã quy định trách nhiệm liên đới của sàn giao dịch. Điều 38 quy định “Sàn giao dịch thương mại điện tử biết hoặc nên biết rằng hàng hóa được bán hoặc dịch vụ được cung cấp trên sàn không tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ an toàn cá nhân và tài sản hoặc các hành vi khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng nhưng không thực hiện các biện pháp cần thiết sẽ chịu trách nhiệm chung và riêng lẻ với người bán trên sàn".

Như vậy, Luật thương mại điện tử mới của Trung Quốc đã tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ người tiêu dùng, với nhiều quy định chặt chẽ hơn”, TS Quyết nhận xét.

Có thể khẳng định, Trung Quốc đã rất thành công đối với chủ nghĩa bảo hộ kỹ thuật số ủng hộ các công ty công nghệ trong nước cùng các sản phẩm của họ và hạn chế được các công ty lớn nước ngoài tại đây.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Trung Quốc đã áp đặt nhiều rào cản thương mại và đầu tư, thuế phân biệt đối xử và hạn chế bảo mật thông tin hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Các chính sách của Trung Quốc, bao gồm: kiểm duyệt, nội địa hóa dữ liệu và các quy tắc bảo mật nghiêm trọng nhằm hạ gục các đối thủ nước ngoài và thúc đẩy các công ty Trung Quốc. Trung Quốc chặn không chỉ nội dung nhạy cảm về chính trị, mà còn là các nền tảng thương mại nước ngoài và trung gian.

Tại Châu Á, cuối năm 2019 Ấn Độ đã xây dựng Chính sách phát triển thương mại điện tử nhằm đưa ra các biện pháp bảo hộ doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, với khẩu hiệu “Dữ liệu Ấn Độ cho phát triển Ấn Độ”, một trong những đặc trưng nổi bật nhất của chính sách bảo hộ thương mại điện tử 2.0 là nhấn mạnh vào bảo vệ dữ liệu, bao gồm dữ liệu được thu thập bởi người dùng ở Ấn Độ và hạn chế chia sẻ dữ liệu đó, ngay cả khi được lưu trữ bên ngoài quốc gia, ngay cả khi khách hàng đồng ý.

Chính phủ Ấn Độ đưa ra các quy định có lợi cho doanh nghiệp Ấn Độ và gây khó khăn cho các công ty thương mại điện tử nước ngoài kinh doanh ở Ấn Độ”, TS Quyết nhận định.

Một trong những quy định quan trọng trong chính sách này là về dữ liệu là tài sản quốc gia và muốn các công ty nước ngoài bản địa hóa dữ liệu ở Ấn Độ, điều đó yêu cầu các công ty nước ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng dữ liệu.

Cùng với xây dựng chính sách thương mại điện tử, Chính phủ Ấn Độ đã và đang hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật để điều chỉnh ngành. Đặc biệt là các quy định để bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng, đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu xuyên biên giới, tạo cơ sở hạ tầng trong nước để nội địa hóa dữ liệu.

Theo K Ganesh (2019), chính sách phát triển này sẽ thúc đẩy các lựa chọn thay thế trong nước cho các cơ sở điện tử và đám mây dựa trên nước ngoài và điều chỉnh thị trường quảng cáo điện tử đang bị chi phối bởi các công ty nước ngoài như Google, Facebook.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng với các quy định khuyến khích các doanh nghiệp FDI vào thương mại điện tử nhưng giảm sự dễ dàng trong kinh doanh cho các công ty nước ngoài. Chính sách thương mại điện tử của Ấn Độ có thể tạo ra những rào cản đối với những doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đến từ Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, chính sách trên của Ấn Độ đang tìm cách sử dụng kết hợp các quy định hải quan và quy định quản lý ngoại hối theo ngân hàng dự trữ Ấn Độ - RBI để xác định các giao dịch thương mại mà nó có khả năng áp dụng thuế hoặc áp dụng các hạn chế trước Thương mại điện tử phát triển và ngày càng đóng góp vào GDP của tất cả các nước, các nền kinh tế trên thế giới.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới khi gia nhập WTO, ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới, đòi hỏi cần mở cửa nhưng cũng cần thích ứng với các thông lệ quốc tế đi kèm với xây dựng “hàng rào kỹ thuật” để bảo hộ cho phát triển thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng.

Việc xây dựng các chính sách, biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn dữ liệu và thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh “sòng phẳng” ngay trên “sân nhà” với các doanh nghiệp nước ngoài.

Còn nữa...

Nhóm Phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: Bảo hộ doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Thêm cơ hội cho hàng Việt ra nước ngoài qua ‘cánh cửa’ xuất khẩu online

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Đà Nẵng: Ứng dụng thương mại điện tử, hướng đi mới cho tiểu thương chợ truyền thống

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Thương mại điện tử: Đường dài không mấy dễ đi

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Xúc tiến quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Hà Nội tại Tiền Giang

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Gia Lai: Ngành Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Đà Nẵng: Tập huấn về Hệ thống quản trị thông tin và điều hành xúc tiến thương mại (Vietrade CRM)

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?

Hàng trăm doanh nghiệp tìm cơ hội phát triển tại chuỗi triển lãm IGHE và IBTE 2024

TP. Hồ Chí Minh: Hơn 900 gian hàng tham dự Triển lãm quốc tế Vietbuild Home

Hoa Kỳ gia hạn xử lý hành chính điều tra áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp

Điểm danh những nhóm sản phẩm xuất khẩu chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu