Bài 3: ''Trái ngọt" từ mối quan hệ hợp tác thương mại thực chất, bền chặt
Từ 6 chỉ đạo chiến lược
Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ gần 400km, đi qua địa phận 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này mang lại cho hai nước lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu. Cùng với đó, trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn.
Thời gian qua, quan hệ của 2 Đảng, 2 Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc do các thế hệ lãnh đạo 2 nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản quý báu của 2 dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 nước.
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp đó, các địa phương của 2 nước nói chung và các địa phương có biên giới giáp với các địa phương của Trung Quốc nói riêng đã tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, mang lại nhiều kết quả thiết thực, cụ thể, không ngừng hợp tác toàn diện ở các cấp, các ngành trên cả bình diện song phương, đa phương ở tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao chính quyền và đối ngoại nhân dân.
Chính vì vậy, cuối năm 2023, lần thứ hai kể từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị này nhằm đánh giá tình hình nguyên nhân, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên và đánh giá tình hình triển khai hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc có chung đường biên giới.
Tham dự Hội nghị này còn có đại diện các bộ, ngành như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính…; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ và đại diện lãnh đạo 7 tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc, gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ lên tới gần 400 km, đi qua địa phận của 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này đã mang lại cho hai nước có lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đặc biệt giữa các địa phương của hai nước có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã có những khởi sắc, quan hệ hợp tác và phối hợp cộng tác giữa hai bên tiếp tục được củng cố, mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc cuối năm 2023 |
Để thực hiện mục tiêu của Lãnh đạo Cấp cao hai nước đặt ra, cụ thể là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhất là hợp tác kinh tế và thương mại khu vực biên giới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của Lãnh đạo hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh tế thương mại biên giới.
Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ lớn, và đây cũng là thị trường cung ứng phần lớn các nguyên liệu cho ngành sản xuất của Việt Nam để xuất khẩu. Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ những khó khăn trong phạm vi thẩm quyền và kịp thời kiến nghị với Đảng, Nhà nước có những chủ trương, giải pháp sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém liên quan.
Bên cạnh đó, quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao nhằm thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt là kinh tế, thương mại biên giới.
Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Trung Quốc nói chung, hợp tác kinh tế - thương mại khu vực biên giới nói riêng để tìm ra nguyên nhân, giải pháp thiết thực, tích cực và khả thi.
Các bộ, ngành cần tập trung rà soát sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các nghị định, thông tư, các cơ chế chính sách có liên quan và tăng cường giao thiệp với đơn vị đồng cấp nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Các địa phương cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh; Kế hoạch sử dụng đất; Quy hoạch, Kế hoạch đầu tư về hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên, nhất là hạ tầng kinh tế - thương mại biên giới, kể cả hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại số. Đặc biệt là hạ tầng thương mại số các tỉnh vùng biên cần phải quan tâm đầu tư.
Các địa phương cần tập trung rà soát và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh của mình hướng tới đồng bộ hóa, nhất là vấn đề giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong vùng theo Quy hoạch vùng. Đồng thời xây dựng Kế hoạch và ban hành những cơ chế, chính sách của địa phương nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại, khu vực biên giới như các chợ, các trung tâm logictics, kho bãi…
Thứ ba, đề nghị các địa phương tiếp tục chú trọng ban giao tốt hơn với phía bạn.
Các bộ, ngành cần tập trung đề xuất Chính phủ, Ban chỉ đạo Vùng Trung du miền núi phía Bắc đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch vùng, trong đó chú trọng Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng giao thông đồng bộ có khả năng liên vận quốc tế giữa các tỉnh khu vực biên giới; đồng thời, chú trọng ban hành những cơ chế, chính sách đột phá, đủ mạnh và khả thi nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế thương mại khu vực biên giới.
Thứ tư, đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát Quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch.
Các địa phương đều phải triển khai thực hiện tốt Đề án Xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương xây dựng và đã được Chính phủ thông qua. Bộ trưởng đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường giao thương để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại đầu tư ở khu vực biên giới.
Thứ năm, đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tăng cường đàm phán với phía bạn nhằm sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch động thực vật cho nông sản có thế mạnh của Việt Nam, đàm phán cấp mới mã số nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh.
Với Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan, đề nghị tiếp tục phối hợp các tỉnh biên giới trong việc triển khai xây dựng, áp dụng cửa khẩu thông minh và áp dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động thông quan xuất nhập khẩu để nâng năng lực thông qua, đáp ứng được nhu cầu về thương mại biên giới và thực hiện tốt chức năng của mình theo quy định của pháp luật để thuận lợi hóa thương mại khu vực này.
Đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu, mở mới các văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc.
Bộ Giao thông vận tải cần khẩn trương tham mưu xây dựng các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông biên giới, đặc biệt là hệ thống giao thông đồng bộ kết nối có tính liên vận quốc tế.
Đối với Văn phòng Chính phủ, đề nghị tham mưu Chính phủ cho chủ trương để sớm sửa đổi Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 về quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới cho phù hợp với yêu cầu hiện nay; chủ trương về tái khởi động Chương trình hợp tác phát triển kinh tế qua biên giới đối với nước bạn, cũng như các cơ chế, chính sách có liên quan đến việc tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Thứ sáu, đề nghị các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục duy trì cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành và địa phương qua đơn vị chức năng; các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở Trung Quốc. Đây là những “trung tâm” thu phát thông tin rất quan trọng, có thể cung cấp những thông tin về thị trường, về những thay đổi trong cơ chế chính sách của phía bạn và những gợi ý trong phản ứng chính sách của chúng ta để mang lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia, dân tộc.
Cần phải tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông về tình hình kinh tế - xã hội khu vực vùng biên nói chung, hợp tác kinh tế thương mại khu vực biên giới nói riêng để tạo đồng thuận trong xã hội.
...Đến trái ngọt từ những "cái bắt tay" thắm tình hữu nghị
Từ những hoạt động thiết thực cụ thể hóa các nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đã đạt được, góp phần củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Trung Quốc từ phía Bộ Công Thương tinh thần này đã được lan tỏa tới nhiều bộ, ngành và các địa phương.
ngày 28/6/2023, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm song phương với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. |
Tại một số địa phương như Quảng Ninh có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, 2 địa phương đã đồng sáng kiến hình thành cơ chế hợp tác Gặp gỡ đầu xuân giữa Tỉnh uỷ các địa phương: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Khu uỷ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Trong khuôn khổ Gặp gỡ đầu xuân, Tỉnh ủy các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã ký 6 biên bản hội đàm, 1 bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị...
Cùng với đó Tỉnh ủy các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã ký Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 về làm phong phú hơn nữa nội hàm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Bên cạnh các thoả thuận hợp tác. trong khuôn khổ Ủy ban Công tác liên hợp, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký 7 thoả thuận, biên bản hội đàm cấp tỉnh với Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Thông qua hoạt động trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp tỉnh - khu, huyện, thị và các cơ quan chuyên môn, 2 bên đã thống nhất được nhiều nội dung hợp tác và tích cực triển khai các nội dung này bằng phương thức thích hợp, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, giao lưu hữu nghị không ngừng đi vào chiều sâu, thiết thực. Đặc biệt, để thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 địa phương, tháng 11/2015, tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã tiến hành hội đàm và đạt được nhận thức chung quan trọng, ký kết biên bản thỏa thuận giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức cơ sở đảng địa phương. Đây là thoả thuận thiết lập giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức đảng đầu tiên được ký giữa Tỉnh uỷ địa phương của Việt Nam với Khu uỷ Quảng Tây (Trung Quốc).
Hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh vẫn diễn ra sôi động - Ảnh: TTXVN |
Về hợp tác kinh tế thương mại, thời gian qua, hai địa phương đã phối hợp triển khai thực hiện tốt Tuyên bố chung, các thoả thuận và nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, đưa quan hệ hai địa phường ngày càng trở thành điểm sáng, hình mẫu quan hệ hợp tác cấp địa phương, đặc biệt trên các lĩnh vực thương mại biên giới; đầu tư; mở, nâng cấp, quản lý cửa khẩu… Hai Bên đã tổ chức thành công Lễ công bố cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung, bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa; thực hiện thông quan thí điểm cả ngày lễ và ngày nghỉ tại cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng…
Trong khi đó, tại Lạng Sơn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở tất cả các loại hình hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn lũy kế đến giữa tháng 7/2024 đạt trên 32 tỷ USD. Con số này khẳng định vị trí cửa ngõ đặc biệt quan trọng của các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn trong giao thương biên mậu thời gian qua, trong đó có tỉnh Quảng Tây. Thông quan giữa cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị là sôi động nhất, trung bình mỗi ngày, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện giải quyết thông quan cho trên 800 phương tiện. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là hoa quả tươi, máy móc công nghiệp, đồ gia dụng tiêu dùng, linh kiện điện tử…"
Cùng với đó, năm 2023 chỉ riêng kim ngạch mặt hàng sầu riêng quả tươi xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sang Trung Quốc đã đạt gần 1,9 tỷ USD, cao nhất so với các cửa khẩu đường bộ trên toàn quốc.
Tương tự với Lào Cai, trong 8 tháng năm 2024, hoạt động giao lưu, hợp tác về thương mại, đầu tư giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc) cũng có nhiều khởi sắc. Các cơ quan đơn vị thành viên quản lý cửa khẩu đã chủ động, tích cực trao đổi, Hội đàm với các cơ quan quản lý cửa khẩu phía Trung Quốc bằng nhiều hình thức (trực tiếp, trực tuyến, điện đàm, gửi công hàm, thư liên hệ,...); đồng thời phối hợp triển khai các hoạt động khảo sát chung, xúc tiến thương mại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết nối doanh nghiệp hai bên sau thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 .
Ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, với nền tảng vững chắc là các cơ chế hợp tác được Chính phủ, các Bộ ngành hai nước ký kết và mới đây nhất là bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương với các địa phương Trung Quốc, đây sẽ là “bàn đạp” để hợp tác thương mại của tỉnh Lào Cai cũng như của Việt Nam với Trung Quốc phát triển vững mạnh.
“Thời gian tới, tỉnh Lào Cai định hướng ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Đặc biệt hướng tới xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đa ngành, điểm đột phá, cực phát triển, trung tâm kinh tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và tài chính của Lào Cai và các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, trở thành một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc, với trọng tâm là triển khai thí điểm Khu thương mại tự do, xây dựng các cặp cửa khẩu thông minh và Trung tâm logistics quốc tế” - Bí thư tỉnh Ủy Lào Cai nhấn mạnh.
... mở rộng hành lang hợp tác để hướng tới tương lai
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá, quan hệ kinh tế, thương mại, nhất là thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trao đổi thương mại chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông - thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định.
Để khơi thông dòng chảy hợp tác, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc, Bộ Công Thương cho rằng, điều cần làm là phải tăng cường giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên.
Hiện thực hóa các chủ trương, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu ngành Công Thương, trong 7 tháng năm 2024, các Cục, Vụ chức năng trong Bộ đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương giữa các địa phương hai nước Việt Nam – Trung Quốc, từ đó mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Như trong tháng 3/2024, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã lần lượt có các cuộc Tọa đàm với Đoàn công tác Bộ Thương mại Trung Quốc do ông Lý Hưng Kiền - Vụ trưởng Vụ Ngoại thương làm Trưởng đoàn và Đoàn công tác Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc do ông Lưu Tường, Phó Giám đốc Sở Thương mại làm Trưởng đoàn. Thông qua 2 cuộc Tọa đàm, các tỉnh, thành phố của Việt Nam như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn... nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác đã được đàm phán, ký kết.
Cũng trong tháng 3/2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông)” tại thành phố Hà Nội. Thông qua Hội nghị này, doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản và các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam sang tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhấn mạnh, những hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở cửa thị trường đã và đang mang lại những cơ hội hợp tác vô cùng to lớn cho doanh nghiệp, địa phương hai nước….
Còn nữa...