Thứ năm 02/01/2025 22:04
Bài dự thi Cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong ngành Công Thương

Bài 3: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong cung cấp điện, xây dựng cơ chế giá điện

Đảm bảo cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia đóng vai trò quyết định thành công của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tăng cường công tác chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo về đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó, an ninh cung ứng điện có vai trò trụ cột.

Tuy nhiên, thực hiện cung ứng điện trong thời gian qua có lúc, có nơi còn bất cập, khó khăn do nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, đã để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc vào cuối mùa khô năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện (Ảnh minh họa)

Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành công điện chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện.

Đồng thời, Thủ tướngcũng đã chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo hoàn thành các dự án năng lượng trọng điểm đúng tiến độ đặc biệt là các dự án tăng cường liên kết lưới điện Bắc - Trung, tăng cường năng lực truyền tải và cung cấp điện cho các khu vực phụ tải lớn như: Đường dây 500 kV Mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phối Nối, đường dây 220 kV Nậm Sum- Nông Cống; Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng; đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), dự án khí điện Lô B, …

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng. Tiến hành triển khai xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trong đó có các quy định về cơ chế, chính sách mua bán điện (gồm mua bán điện trực tiếp – DPPA) với năng lượng tái tạo, cơ chế đầu tư, sản xuất, kinh doanh, vận hành của ngành điện theo thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, cạnh tranh, minh bạch.

Cùng với các giải pháp trước mắt được Chính phủ đưa ra, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” diễn ra vào 12/10/2023, Báo cáo của Đoàn giám sát -Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ hiện hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Hệ số đàn hồi năng lượng năm 2021 là 1,39, ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới.

Việc tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa nghiêm, nhất là các quy định đối với phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện lộ trình năng lượng sơ cấp Việt Nam ngày càng cạn kiệt.

Tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết. Sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ, chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai dán nhãn năng lượng, đầu tư và nghiên cứu phát triển, công cụ tài chính hỗ trợ các dự án sản xuất sản phẩm hiệu suất cao.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay giai đoạn 2024-2025 được Đoàn Giám sát đưa ra cụ thể:

Tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng…

Tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Giám sát đã đề xuất xây dựng cơ chế giá điện, cùng một số giải pháp đảm bảo cung cấp điện, an ninh năng lượng quốc gia (Ảnh: Thu Hường)

Đặc biệt, đối với chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh. Trong đó, tập trung đánh giá toàn diện tình hình triển khai thị trường điện cạnh tranh trong giai đoạn vừa qua, xác định vấn đề còn bất cập, các khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi thị trường, bao gồm việc tái cơ cấu ngành điện phục vụ phát triển thị trường điện; khẩn trương đẩy nhanh việc hoàn thành các điều kiện để thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện bán buôn và bán lẻ cạnh tranh.

Đồng thời, điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào, giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá, thị trường điện, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đồng thời bù đắp được chi phí và lợi nhuận hợp lý để bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp; sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”, rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.

Hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu). Đặc biệt, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà cho khu vực miền Bắc để hạn chế tình trạng thiếu điện ngay trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách về điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, trước hết thúc đẩy cạnh tranh trong khâu nguồn điện (bao gồm thúc đẩy cạnh tranh trong đầu tư nguồn điện mới và cạnh tranh trong vận hành các nguồn điện đã có), xử lý các vướng mắc hiện nay; thể chế hóa cơ chế phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo thông qua khung giá phát điện trừ nguồn điện tự sản, tự tiêu tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, đáp ứng mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII; xây dựng cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo tiêu chí giá điện thấp nhất; ban hành khung giá điện nhập khẩu từ nước láng giềng.

Quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo cấp điện năm 2024

Ngay từ đầu quý IV/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp với các tập đoàn năng lượng, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than về việc thực hiện các giải pháp vận hành nhà máy nhiệt điện than và nguồn thủy điện để đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Dự báo nhu cầu sử dụng điện năm 2024 tiếp tục tăng trưởng cao so với năm 2023. Do đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3110/QĐ-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2023 phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024. Theo đó kế hoạch với phương án cơ sở là phụ tải tăng 9,15% để định hướng vận hành hệ thống điện năm 2024 và tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỉ kWh. Kế hoạch sẽ bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 3376/QĐ-BCT ngày 29/12/2023 phê duyệt kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024 với phương án là phụ tải tăng 9,6% để dự phòng cho vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm mùa hè. Đồng thời sẽ tiếp tục bám sát tình hình tăng trưởng phụ tải để điều hành việc cung cấp điện, kể cả những trường hợp phụ tải tăng cao hơn dự kiến.

Công tác vận hành hệ thống điện tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia

Để chủ động đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân năm 2024, ngay từ cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành các quyết định về kế hoạch vận hành hệ thống điện và cung cấp điện, kế hoạch cung cấp than, khí cho phát điện của năm 2024, kế hoạch cung cấp điện mùa khô năm 2024. Đồng thời, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/02/2024 về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới.

Các nhóm giải pháp được Bộ Công Thương chỉ đạo tập trung như: Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, chủ đầu tư các nhà máy điện về công tác chuẩn bị nhiên liệu, khắc phục nhanh chóng các sự cố và công tác chuẩn bị sản xuất phục vụ cho cung ứng điện trong năm 2024. Vận hành tối ưu các nhà máy thủy điện, đặc biệt các nhà máy thủy điện lớn, duy trì mực nước cao các hồ chứa thủy điện để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điện mùa khô năm 2024. Chỉ đạo các nhà máy điện, các đơn vị quản lý vận hành lưới điện rà soát tình trạng thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết của thiết bị, đảm bảo sẵn sàng vận hành.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình vận hành của hệ thống điện quốc gia; chỉ đạo các đơn vị chức năng bám sát tình hình nhu cầu phụ tải, thời tiết và thực tế vận hành để có các phương thức cung cấp điện phù hợp. Đồng thời tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là công trình đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp trong đảm bảo cung ứng điện và tiết kiệm điện, triển khai các chương trình điều chỉnh phụ tải.

Ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Để đảm bảo cung cấp điện cho các năm tiếp theo, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp.

Trước hết là quán triệt triển khai mọi giải pháp về vận hành để đảm bảo cao nhất việc cung cấp điện. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện tuân thủ nghiêm Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị nhiên liệu cho sản xuất điện; đảm bảo khả dụng của các tổ máy phục vụ phát điện theo nhu cầu của hệ thống điện quốc gia; vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện…

Cùng đó, Bộ Công Thương đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, làm cơ sở đẩy nhanh các tiến độ nguồn điện, lưới điện. Tập trung chỉ đạo triển khai các công trình nguồn lưới điện, đặc biệt là các công trình trọng điểm như đường dây 500 kV mạch 3, các dự án nguồn điện lớn như Nhơn Trạch 3-4, Quảng Trạch I, Vũng Áng II, nâng công suất thủy điện Hòa Bình, thủy điện Ialy...

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây 500 kV mạch 3 (Ảnh:Thu Hường)

Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí trong nước, điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời; nghiên cứu việc tăng cường nhập khẩu điện ở mức độ phù hợp.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về điện lực, trước mắt tập trung vào việc xây dựng Luật Điện lực sửa đổi, nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, nghị định về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, các thông tư về cơ chế giá điện, thị trường điện nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện lực. Chỉ đạo các đơn vị điện lực đẩy mạnh công tác truyền thông, triển khai rộng rãi công tác tuyên truyền tiết kiệm điện…

Để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc vào cao điểm mùa nắng nóng năm 2024 được dự báo diễn ra từ tháng 5- tháng 7, ông Nguyễn Quốc Trung – Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, đối với thuỷ điện, A0 đã có chiến lược tích nước và để dành nước trong các hồ thuỷ điện để sử dụng vào những lúc cần thiết.

Tính đến nay, đã trữ nước trong các hồ thuỷ điện cỡ 11 tỷ kWh điện. Hiện công tác đảm bảo điện được đảm bảo nhưng dự báo đến tháng 5, 6, 7 nhu cầu sử dụng điện tăng khách quan, nên phải có đáp ứng cho phù hợp. Bên cạnh giữ nước hồ thuỷ điện, dưới sự chỉ đạo hỗ trợ của Bộ Công Thương, EVN, A0 làm việc với các địa phương tăng cường các biện pháp tiết kiệm nước, vừa cung cấp nước tối đa cho hạ du nhưng đảm bảo nước cho phát điện.

Đối với các nhiên liệu khác, A0 đã lên kịch bản phát nguồn điện đắt tiền nhất là nhà máy chạy dầu FO, DO. Năm nay, EVN chỉ đưa nguồn năng lượng mới vào vận hành đó là nguồn khí hoá lỏng LNG. Hiện EVN đang thương thảo và ký hợp đồng với bên cung cấp khí, để có khả năng chạy nguồn khí LNG ở nhà máy Đông Nam bộ vào ngày 15/4.

Đối với nguồn nhiệt điện than, tua bin khí, bản thân EVN cũng như các đơn vị ngoài ngành với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực đã rà soát, chuẩn bị vật tư dự phòng làm sao tận dụng tối đa cả về nhiên liệu than lẫn nhiệm vụ khả dụng của các tổ máy.

Bên cạnh đó, A0 cũng phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) để rà soát các thuỷ điện nhỏ để dịch chuyển giờ cao điểm làm sao phát đúng giờ khách hàng sử dụng điện nhiều nhất (từ 21h-23h). Mặc dù công suất nhỏ nhưng tổng công suất của khoảng 300 nhà máy thuỷ điện nhỏ khu vực miền Bắc cũng lên tới 5.000 MWh. Đồng thời phối hợp, tính toán nhu cầu phụ tải để EVNNPC làm việc với các khách hàng về chương trình điều chỉnh phụ tải, vận động sử dụng điện đúng lúc, đúng chỗ, tiết kiệm điện.

Ngoài ra, A0 cũng đã phối hợp với Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia chuyển tải tối đa lượng điện từ miền Trung ra miền Bắc, trong bối cảnh có 2 đường dây 500 kV; tư vấn các nhà máy điện không sửa chữa tổ máy trong tháng 5, 6, 7 này, kể cả ở miền Trung, miền Nam.

Theo số liệu thống kê của EVN, nguồn điện than được huy động ở mức cao khi ngành sản xuất và phân phối điện trong quý I đã tăng gần 12%, cao hơn nhiều so với kế hoạch cung cấp điện thời gian cao điểm mùa khô là từ 9,15-9,6%.

Dự án Đường dây 220 kV Nậm Mô - Tương Dương phục vụ mua điện từ Lào hoàn thành đầu năm 2023 góp phần cung cấp điện cho miền Bắc (Ảnh: Thu Hường)

Qua đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong quý I/2024 cao hơn 1,24 tỉ kWh so với kế hoạch. Trong đó, nguồn điện than được huy động cao hơn tới 1,63 tỉ kWh, nhằm mục tiêu giữ nước để chuẩn bị cung ứng điện cho mùa khô, nên sản lượng thủy điện huy động thấp hơn 1,68 tỉ kWh.

Nhờ việc tích nước, đến cuối quý I năm nay, mực nước các hồ thủy điện dự kiến tương ứng với sản lượng điện là gần 11,3 tỉ kWh, cao hơn 1,46 tỉ kWh so với kế hoạch năm, so với năm 2023 là 4 tỷ kWh. Riêng với khu vực miền Bắc sản lượng thủy điện tích trong hồ đạt 6,838 tỷ kWh cao hơn 1,196 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Nguồn nhiên liệu than cũng đã được chuẩn bị, với khối lượng tồn kho than đến 14/3 là 2,68 triệu tấn, cao hơn yêu cầu định mức mùa khô là 427.700 tấn.

Theo đó, EVN đưa ra phương án cơ sở, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong 9 tháng cuối năm 2024 dự kiến cao hơn 0,98 tỉ kWh, cả năm cao hơn 2,2 tỉ kWh.

EVN cũng dự kiến mua điện từ Trung Quốc qua liên kết 220 kV với công suất lớn nhất 540 MW và liên kết 110kV với công suất lớn nhất 70 MW. Sản lượng dự kiến mua trong năm 2024 là 1,8 tỉ kWh, cao hơn gần 675 triệu kWh so với kế hoạch năm.

Cùng đó là nhập khẩu điện từ Lào và xuất khẩu điện sang Campuchia, phê duyệt kế hoạch sửa chữa các nhà máy điện, đảm bảo nguồn nguyên liệu than khí cho các nhà máy.

Có thể khẳng định, việc giữ nước ở các hồ thủy điện để đảm bảo cung ứng điện mùa khô là bài học được rút ra từ điều hành cung ứng điện năm 2023. Bởi tình trạng thiếu nước cộng thêm thiếu than và nhiều nhà máy gặp sự cố đã khiến nguồn điện cung ứng không được đảm bảo.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc để đảm bảo độ khả dụng, độ tin cậy của các tổ máy, tuyệt đối không để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm mùa khô; ban hành định mức tồn kho than ở mức cao để đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện theo nhu cầu huy động của hệ thống.
Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: An ninh năng lượng

Tin cùng chuyên mục

Điện hạt nhân: Xây dựng mạng lưới thu hút nhân tài

Việt Nam cần bao nhiêu nhân lực cho điện hạt nhân?

Nhân lực điện hạt nhân: Cần chiến lược đào tạo bài bản

Năng lượng tái tạo ở nông thôn: Triển vọng và thực tiễn

Chuyên gia nêu tuyến đường khí đốt mới thay thế qua Ukraine

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát huy tốt vai trò tham mưu trong phát triển năng lượng...

Đóng điện Trạm biến áp 220kV trong TBA 500kV Phố Nối

Trạm biến áp 220kV Yên Mỹ được nâng công suất gấp 2

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sẽ trình Thủ tướng trước 28/2/2025

EU sẵn sàng trước việc ngừng cấp khí đốt từ Nga qua Ukraine

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Đóng điện đường dây 220kV đấu nối TBA 500kV Long Thành

Hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định về bảo vệ công trình điện lực

Đưa vào vận hành nhiều công trình điện ở phía Nam

Giải bài toán tiết kiệm chi phí cho năng lượng tái tạo

Bộ trưởng Bộ Công Thương dự lễ kỷ niệm 30 năm Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia

EVNCPC đóng điện công trình TBA 110kV Phú Hòa và đấu nối

EVNNPT đóng điện máy biến áp thứ 3 TBA 220kV Nhà Bè

‘Quay xe’ với khí đốt Nga: Ukraine đang mạo hiểm điều gì?

EVNNPT đóng điện dự án Trạm biến áp 220kV Phước Long