Thứ ba 26/11/2024 05:57
Sửa đổi Luật Điện lực: Từ thông điệp của Tổng Bí thư đến gỡ điểm nghẽn cho kỷ nguyên mới

Bài 2: Sửa đổi Luật để tạo đột phá về thể chế

Sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện, tạo bệ phóng vững chắc phát triển kinh tế - xã hội.

Nguy cơ thiếu điện do các dự án chậm tiến độ

Chỉ ít ngày sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm có phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến công du tới 3 nước Trung Đông, trong đó có Qatar - cường quốc hàng đầu thế giới về sản xuất khí đốt hiện nay. Tại đây, thật bất ngờ, câu chuyện sửa đổi Luật Điện lực, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế nhắc đến ngay trong cuộc gặp, làm việc với Quốc vụ khanh phụ trách về năng lượng Qatar Saad bin Sherida Al Kaabi chiều 31/10/2024 tại Doha.

Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực tại phiên họp tổ của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Ông Saad bin Sherida Al Kaabi cho biết, ông vừa là Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar vừa kiêm Giám đốc Điều hành Công ty QatarEnergy, đơn vị đang đàm phán hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo ông, khó khăn nhất nằm ở pháp luật Việt Nam và mong chờ Luật Điện lực (sửa đổi) sớm được Quốc hội Việt Nam thông qua để làm nền tảng cho hai bên đi vào các thỏa thuận hợp tác cụ thể.

Ngài Quốc vụ khanh cũng thẳng thắn nói ông vốn là kỹ sư, là chủ doanh nghiệp nên ông chỉ nói chuyện bằng những con số. Khi Việt Nam sửa đổi Luật Điện lực xong thì việc ký kết, hợp tác, giá cả, số lượng… mới có thể bàn thảo! Ông cũng chỉ còn chờ phía Việt Nam sửa Luật mà thôi.

Ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam PV GAS - đơn vị mà cái tên của nó chiếm toàn bộ ngoại diên của ngành công nghiệp khí Việt Nam cũng từng nhiều lần chia sẻ mong muốn tháo gỡ, sửa đổi các quy định của pháp luật thì mới có thể phát triển được các nhà máy điện khí. Năm 2023, Việt Nam mới nhập khẩu chuyến tàu khí LNG đầu tiên để khởi động cho ước mơ lớn điện khí trong khi trên thế giới, các nước công nghiệp phát triển đã đi trước cả 40 năm như Nhật Bản đón chuyến tàu LNG đầu tiên vào năm 1969. Từ đó, Nhật Bản đã phát triển ngành công nghiệp LNG mạnh mẽ.

Theo tính toán của các chuyên gia, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế từ 6% năm trở lên thì yêu cầu về điện phải tăng từ gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, đồng nghĩa kéo theo yêu cầu bắt buộc về phát triển nguồn và lưới điện. Tuy nhiên, vì vướng cơ chế nên có nhiều dự án nguồn điện đang gặp khó khăn.

Đơn cử, như lĩnh vực điện khí, theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến 2030, chúng ta cần xây mới 13 nhà máy điện khí LNG với tổng công suất 22.400MW và 2 nhà máy nữa với công suất 3.000MW đến năm 2035. Đây được xem là giải pháp khả thi nhất, mang lại nhiều lợi ích tức thì cho Việt Nam trong bối cảnh điện than, thủy điện đã đạt tới hạn phát triển.

Tương tự, các dự án lưới điện truyền tải cũng đang gặp nhiều khó khăn thách thức, chậm tiến độ. Trở về Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm Chủ tịch, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhiều lần trăn trở để giải bài toán không thiếu điện. Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống là một trong những dự án cấp bách để nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam khiến ông và đội ngũ lãnh đạo phải “đau đầu” vì đúng ra chỉ thực hiện trong 2 năm thế nhưng lại rất nhiều lần lỡ hẹn chỉ vì vướng quy định, vướng cơ chế. Khi vướng quy định, vướng cơ chế thì không ai dám “vượt rào”, không ai dám chịu trách nhiệm, do đó, nếu tính cả thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư, dự án đã kéo dài gần 5 năm.

Tại cuộc họp định kỳ của Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (Ban Chỉ đạo nhà nước về năng lượng) về các dự án lưới điện ngày 6/11/2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống đang vướng ở đoạn tuyến qua địa bàn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An với lý do huyện này chưa phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ phần diện tích đất rừng tự nhiên của hơn 100 hộ dân; còn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đoạn tuyến đường dây đi qua Trại giam Thanh Lâm với 11 vị trí đã hoàn thành đúc móng, dựng cột nhưng việc kéo dây gặp khó vì không chặt hạ được cây cối cần phải xin ý kiến cơ quan chủ quản về phương án thu hồi đất.

Hay nhóm các dự án lưới điện đồng bộ nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 vẫn chưa thể triển khai theo kế hoạch mặc dù thời gian đóng điện, phát điện thương mại của nhà máy đã gần đến nơi. Cấp bách là vậy nhưng tính đến đầu tháng 11, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành phê duyệt bổ sung Quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất của huyện Nhơn Trạch; chưa ban hành các Quyết định về trình tự thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đất, giá cây trồng vật kiến trúc theo Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và các Nghị định hướng dẫn của Luật Đất đai.

Lý giải về sự chậm trễ nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Võ Văn Phi cho rằng, 2 yếu tố quy hoạch, chủ trương đầu tư; đơn giá đền bù là những vướng mắc khó giải quyết nếu không có cơ chế đặc thù.

Phân tích về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện truyền tải, ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng bày tỏ, có tới 7 vấn đề liên quan bao gồm: Công tác quản lý đất đai tại các địa phương; đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm; chính sách, đơn giá bồi thường, hỗ trợ đối với nhà, đất ở và các loại nhà, đất khác trong hành lang an toàn; bồi thường về cây cối; vấn đề mở đường tạm thi công…

Các chuyên gia nhận định, dự án điện bị chậm không chỉ gây thiệt hại cho chủ đầu tư, các nhà thầu và người dân vùng dự án mà còn gây lãng phí cho xã hội; thậm chí gây mất an ninh trật tự khu vực. Do đó, chỉ có sớm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) mới tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những tồn tại vướng mắc như đã đề cập ở trên.

Cơ chế là do chúng ta xây dựng, nếu vướng thì cần sửa đổi. Thực tế đã chứng minh, nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng lòng ủng hộ thì mọi việc sẽ được giải quyết theo hướng đơn giản hoá những quy định phức tạp. Đơn cử như các dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối nếu không có chủ trương của Đảng, chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng, sự vào cuộc của các Bộ, ngành chức năng với các cơ chế đặc thù thì không thể hoàn thành trong hơn 6 tháng.

Những điểm nghẽn từ cơ chế

Theo đánh giá của Bộ Công Thương và các cơ quan của Quốc hội, sau gần 20 năm thi hành và qua 3 lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhưng thực tiễn thi hành cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết một số vướng mắc hiện hữu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn báo cáo giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất là vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch phát triển điện lực quốc gia vì liên quan nhiều đến các quy hoạch ngành khác nên vướng mắc trong thực hiện; Cơ chế, chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ; hạn chế về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương trong thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực; vốn đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo…

Nhóm vấn đề thứ 2 là những yêu cầu thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý để phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới phù hợp với xu hướng và cam kết hội nhập quốc tế về chống biến đổi khí hậu…

Nhóm vấn đề thứ 3 liên quan đến điều kiện hoạt động điện lực và cấp, miễn trừ, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực (điều kiện/hồ sơ cấp giấy phép hoạt động điện lực; miễn trừ, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực)

Nhóm vấn đề thứ 4 liên quan đến giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo định hướng phát triển thị trường điện.

Nhóm vấn đề thứ 5 là những vướng mắc về quản lý, vận hành hệ thống điện.

Nhóm vấn đề thứ 6 liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện, an toàn điện sau công tơ và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Có thể thấy, những tồn tại của Luật Điện lực 2004, cùng với những vướng mắc ở các Luật khác như Luật đầu tư, đấu thầu, quy hoạch và nhiều văn bản quy định pháp luật khác đã vô hình chung đã tạo thành “rào cản”, “điểm nghẽn” cho sự phát triển của ngành điện Việt Nam và sự lãng phí cho xã hội.

Thông tin kỹ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, đến năm 2030, chúng ta cần phải tăng gấp 2 lần công suất hiện nay và đến năm 2050, tức là còn 26 năm nữa, chúng ta phải gấp 5 lần công suất hiện nay, trong khi các nguồn điện truyền thống (như thủy điện, điện than) không còn dư địa để phát triển, năng lượng mặt trời cũng chỉ phát trong những khung giờ nhất định, nếu phải tính cả đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện cũng không phải rẻ hơn và cứ cho là có cả lưu trữ điện thì chúng ta cũng không thể nào tăng gấp 2-5 lần công suất hiện nay bằng năng lượng tái tạo.

“Vì vậy, những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có, nhưng để có được các nguồn năng lượng trên thì ngay từ bây giờ những nội dung về phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới phải được đề cập trong Luật Điện lực. Có như vậy, thì sau 10 năm nữa chúng ta mới có được những dự án về các nguồn năng lượng này” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, chỉ riêng về năng lượng tái tạo hay nguồn năng lượng mới (như hydrogen, amonic xanh, điện hạt nhân…) chưa được quy định một cách cụ thể trong luật hiện hành. Lấy dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, Việt Nam đã công bố Quy hoạch điện VIII từ khoảng 1,5 năm trước, nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư mới nào đề xuất dự án, bởi không có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách; trong khi đó, chỉ còn 5 năm rưỡi nữa (đến năm 2030), nước ta cần phải tăng gấp 2 lần công suất lắp đặt của các nguồn điện toàn hệ thống so với hiện nay.

“Nếu như chúng ta không kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi thì chắc chắn không có nhà đầu tư vào và không thể nào đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho đất nước” - Bộ trưởng nói và cho biết thêm, theo tính toán của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 14 - 16 tỷ USD/năm, tương đương mức khoảng 320.000 - 350.000 tỷ đồng Việt Nam. Nếu chúng ta không có cơ chế, chính sách thì không thể nào có nhà đầu tư. Đây là một thách thức rất lớn.

Tại phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chiều 26/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng, năng lượng - một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, đột phá đối với sự phá triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tổng Bí thư cho rằng, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu điện, điều này có thể ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, sửa đổi Luật Điện lực mang tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Báo cáo giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến công tác bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống. Đồng thời, đã đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đã ban hành cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách về điện rác, điện sinh khối… Hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên; tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII.

Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng kinh tế, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao. Tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng. Tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện. Rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý và bảo đảm định giá đúng, đủ, hợp lý để khuyến khích phát triển các nguồn điện. Đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.

Thủ tướng khẳng định, về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi... Đồng thời, đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.

"Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua tại Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Sửa đổi, bổ sung những vấn đề lớn, căn cốt

Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực trong thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội

Cụ thể gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Về 6 nhóm chính sách trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đã quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định và những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và một số nguồn điện nền như điện khí, điện hạt nhân, kể cả điện hydro xanh nhằm khai thác được tiềm năng năng lượng tái tạo ở các địa phương, nhất là điện mặt trời và điện gió trên bờ.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cơ chế, chính sách chủ đạo để xây dựng, phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhất là vấn đề sản xuất, kinh doanh điện. Đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về cơ chế để có thể quyết định chủ trương đầu tư đối với những công trình điện khẩn cấp (cho phép chỉ định thầu) và xử lý nghiêm các công trình, dự án điện chậm tiến độ… để bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia; bổ sung quy định về giao thẩm quyền cho Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan quy định chi tiết về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; về bảo vệ an toàn công trình nguồn điện, về an toàn điện và an toàn theo đặc thù trong lĩnh vực thủy điện mà Luật hiện hành chưa quy định.

“Các quy định này được bổ sung trên nguyên tắc vừa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật vừa giải quyết được hiệu quả những vấn đề đặc thù của các dự án điện. Việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) đã gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quá trình sửa đổi các Luật trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu đang trình Quốc hội xem xét, thông qua” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một trong những điểm được quan tâm nhất tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đó là dự thảo đã đưa ra các quy định khung về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án điện gió ngoài khơi từ khâu khảo sát, giao khu vực biển, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư,thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra, chấp thuận đưa công trình vào khai thác sử dụng, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi, điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi.

Dự thảo cũng đưa ra các quy định khung như Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển hệ thống lưu trữ của dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với phát triển điện gió ngoài khơi như bên mua điện và bên bán điện được quyền thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu hàng năm, miễn tiền thuê khu vực biển, miễn tiền sử dụng đất trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng đến thời điểm nhà máy vận hành phát điện, hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại mức cao nhất, các chính sách hỗ trợ cho điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, các chính sách ưu đãi cho điện năng lượng mới…

Một vấn đề khác cũng được chú ý đó là chính sách giá điện tại dự thảo Luật đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, cụ thể: Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh; giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền; giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.

Ngoài các loại hình điện truyền thống, dự thảo Luật quy định thẩm quyền liên quan quy định phương pháp xác định giá của dịch vụ về điện đối với hệ thống lưu trữ điện, nhà máy thủy điện tích năng để đảm bảo có cơ chế phù hợp trong phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả trong việc cung cấp điện, an ninh hệ thống điện…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Luật Điện lực đã ban hành được 20 năm, có 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (trong đó lần sửa đổi gần nhất là tháng 9/2023) và đã giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Song lần này, đòi hỏi phải xem xét để sửa đổi một cách toàn diện, bởi lẽ Việt Nam đã hội nhập với thế giới, nên chúng ta phải có trách nhiệm nội luật hóa luật của mình để phù hợp, tương thích với điều ước, công ước quốc tế, tương thích với luật trong lĩnh vực năng lượng nói chung, đặc biệt là điện giữa Việt Nam với thế giới và khu vực.

“Đã đến lúc phải luật hóa, thể chế các chủ trương, chính sách của Đảng và luật hóa những quy định dưới luật về phát triển năng lượng mà chúng ta đã vận hành trong nhiều năm qua dưới hình thức Nghị định, Thông tư” - Tư lệnh ngành Công Thương nêu rõ.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ điện năng trong nước đang tăng khá mạnh; trong khi Việt Nam phải đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết với quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc nước ta phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới; chuyển đổi mạnh mẽ những nguồn điện có nguồn gốc hóa thạch (trước hết là điện than). Từ đó, đặt ra yêu cầu rất cao về hoàn thiện thể chế một cách đồng bộ, thông thoáng để có thể huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển ngành điện.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công Thương liên tục phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán. Các cơ quan chức năng này đã chỉ ra nhiều vướng mắc, vi phạm liên quan đến triển khai các dự án điện lực và khuyến nghị những vấn đề phải sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới. Bộ Công Thương đã đưa những nội dung này vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) để cùng với Cơ quan chủ trì thẩm tra trình Quốc hội.

Ngoài ra, khi giám sát hoạt động điện lực và thực hiện Luật Điện lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH ngày 13/12/2023, trong đó yêu cầu Chính phủ và Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành có liên quan phải sửa căn bản Luật Điện lực để khắc phục căn bản được những điều đã nêu ra.

“Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật đều là những vấn đề lớn, căn cốt, vấn đề mà nếu không có thì sẽ không thể giải quyết được những ách tắc hiện nay trong lĩnh vực điện lực” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Luật Điện lực lần này sửa đổi căn bản những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tế, kể cả vấn đề chế tài đối với các nhà đầu tư chậm tiến độ.

Quỳnh Nga - Đình Dũng
Bài viết cùng chủ đề: Luật Điện lực (sửa đổi)

Tin cùng chuyên mục

Công ty Điện lực Bạc Liêu tập trung đầu tư vào hạ tầng lưới điện

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Lai Châu chấp thuận chủ trương đầu tư Trạm biến áp 220kV gần 430 tỷ đồng

Nga và OPEC hợp tác nhằm ổn định thị trường dầu mỏ

5 trụ cột giúp Việt Nam chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện

Hai doanh nghiệp lớn bắt tay hợp tác phát triển hệ thống trạm sạc xe điện toàn quốc

Cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ được quy định ra sao?

Tổng Giám đốc EVNNPC làm việc với UBND tỉnh và PC Sơn La

Quy định thương nhân phân phối không mua bán xăng dầu lẫn nhau: Không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường

Công ty Thủy điện Quảng Trị: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho EU lần đầu kể từ năm 2022

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Vì sao châu Âu vẫn quan tâm đến khí đốt Nga?