Bài 1: Vị thế người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định
Tăng cơ hội cho phụ nữ
Thông tin được bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện cương lĩnh hành động Bắc Kinh vừa diễn ra tại Băng Cốc – Thái Lan vào tháng 11/2024 cho thấy, công tác bình đẳng giới tại Việt Nam những năm qua đã đạt được những tiến bộ tích cực, mang lại nhiều cơ hội cho phụ nữ.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh TH |
Theo thống kê, hiện có tới 59% các bộ, cơ quan ngang bộ tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt là nữ giới. 74,6% chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tại khóa XV đạt 30,26%, cao hơn mức trung bình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo các chuyên gia, việc đảm bảo tỷ lệ nữ khá cao trong các cơ quan dân cử không chỉ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu đại biểu mà sẽ đảm bảo cho việc phụ nữ tham gia quyết định các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và các vấn đề xã hội.
Đặc biệt, nhiều nữ đại biểu Quốc hội đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm công tác, dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội, tích cực tham gia ý kiến trên các lĩnh vực y tế, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, nhất là vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tại khóa XV đạt 30,26%, cao hơn mức trung bình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương - Ảnh: QH |
Trong khi đó, theo số liệu được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, hiện phụ nữ Việt Nam chiếm 46,8% lực lượng lao động cả nước, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ tại Việt Nam chiếm 62,4%. Qua đó cho thấy, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội Việt Nam.
Hiện Việt Nam có khoảng hơn 110.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tại Việt Nam chiếm 28,2% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đáng chú ý, mặc dù số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam vẫn đang chiếm một tỷ lệ nhỏ, nhưng theo bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam hiện đang được đánh giá đứng thứ hạng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam hiện ngang bằng với các quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Singapore (24%); Thái Lan (23%), Indonesia (21%) và đồng thời cũng ngang bằng với các nền kinh tế phát triển nhất toàn cầu, ví dụ: Pháp 24%; Thụy Điển 20%... Đặc biệt hơn, có khoảng 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ nằm trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Các nữ doanh nhân Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí trong xã hội. Nhiều gương mặt doanh nhân, nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh. Điển hình trong số đó phải kể đến bà Nguyễn Phương Thảo – Chủ tịch Hãng hàng không Vietjet; bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank; bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk…
Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam đã được ghi nhận, theo thông tin từ Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2024, Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 72/146 quốc gia trên thế giới, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027 với sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Theo đó, kể từ tháng 1/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên Hợp Quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024. Ảnh TH |
Chung tay thúc đẩy bình đẳng giới
Để có được kết quả trên, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Điển hình là Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ VIII Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới đã xác định, chính sách xã hội là chính sách chăm lo con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực để phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết cũng đặc biệt quan tâm đến hoàn thiện hệ thống giáo dục và y tế công bằng, bình đẳng. Trong đó, chú trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ em.
Đánh giá về 30 năm thực hiện cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị Thế giới lần thứ 4 về phụ nữ tại Bắc Kinh năm 1995 với sự tham gia của 189 quốc gia nhằm cam kết thực hiện các mối quan tâm và quyền lợi của phụ nữ toàn thế giới vào cuối thế kỷ XX, bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Trong 30 năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2019-2024, Việt Nam đã quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu trong Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới. Nổi bật là việc xây dựng và củng cố luật pháp, chính sách của quốc gia. Việt Nam nghiêm túc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật và chính sách, nhằm xóa bỏ những quy định mang tính chất phân biệt đối xử với phụ nữ và nam giới.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được ban hành với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp, nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, các chương trình về truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã được Chính phủ ban hành, triển khai trên toàn quốc.
Sự tham gia tích cực của chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội từ trung ương đến địa phương trong việc thực thi pháp luật, chính sách đã đem lại nhiều kết quả quan trọng.
Lực lượng công an tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. Ảnh TH |
Hàng năm, Việt Nam cũng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11-15/12 với sự tham gia của 100% các địa phương và nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hơn 6.000 hoạt động truyền thông với hơn 950.000 người tham gia, gần 480.000 sản phẩm truyền thông được phát hành cùng gần 3.800 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm nói chuyện chuyên đề được tổ chức; 57.683 lượt tin, bài được sản xuất, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng… ước tính có hơn 10 triệu lượt người tham gia, tiếp cận với các thông điệp truyền thông.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia năm 2024 cũng được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phát động vào ngày 15/11 với chủ đề: "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.
Để hưởng ứng Tháng hành động và thúc đẩy bình đẳng giới, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; UN Women và Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới thông qua vai trò của báo chí, truyền thông.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết, để thúc đẩy bình đẳng giới, những năm qua, Bộ Công an luôn quan tâm, chỉ đạo lực lượng công an các cấp, chủ động phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức phát hiện sớm, can thiệp và xử lý kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới, môi trường hôn nhân bất hợp pháp và bảo vệ nạn nhân, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người.
Đặc biệt, Bộ Công an cũng phối hợp tổ chức ký kết và thực hiện các Quy chế phối hợp liên ngành liên quan đến công tác phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. “Những nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được triển khai trong lực lượng Công an nhân dân trong thời gian tới” – Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cho biết thêm.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, ngành trong suốt những năm qua, công tác bình đẳng giới tại Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, công tác bình đẳng giới vẫn còn những tồn tại, những định kiến giới trong xã hội vẫn là trở ngại lớn của công tác bình đẳng giới; tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao; phụ nữ vẫn phải đảm đương nhiều công việc nội trợ và chăm sóc gia đình hơn so với nam giới… Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Việc ban hành các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới phải đi đôi với trách nhiệm và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc triển khai để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn cả, bản thân mỗi người phụ nữ cũng phải chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại, đồng thời phải được trang bị kiến thức kỹ năng để phòng chống bạo lực, xâm hại.
Bài 2: Khi phụ nữ được trao quyền "dẫn dắt" doanh nghiệp