Thứ năm 21/11/2024 22:38

Bắc Ninh: Đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh tăng trưởng tín dụng 5,8%, cao hơn mức tăng toàn quốc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, 8 tháng năm 2023, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với khó khăn, thách thức, do những vấn đề trong năm 2022 chưa xử lý được như: thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Thế giới tiếp tục đối mặt với sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Âu, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước. Mặc dù lạm phát đã qua đỉnh điểm nhưng các mức lãi suất của các nước vẫn ở mức cao và các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát, vì vậy mặt bằng lãi suất trên thế giới ở mức tương đối cao. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn nên tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là chú trọng vào 3 động lực để tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư.

“Liên quan đến đầu tư, lĩnh vực tín dụng ngân hàng là một vấn đề được đặc biệt quan tâm. Năm 2022, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 14,18% nhưng 8 tháng đầu năm nay mới tăng 5,56%. Tiếp cận tín dụng bị hạn chế do rất nhiều nguyên nhân, cần được phân tích cụ thể” - Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay.

Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, ông Hà cho biết, trong gần 9 tháng năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức 2 hội nghị, 5 cuộc họp với các bộ ngành, hiệp hội; Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 11 hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 2 hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Thống đốc, Bắc Ninh mang lợi thế là đô thị vệ tinh gần thủ đô Hà Nội nhất và nằm trong tam giác phát triển kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn của phía Bắc. Bắc Ninh là tỉnh trong nhiều năm lọt vào tốp đầu các tỉnh về tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, trong đó năm 2022, tăng trưởng GRDP đạt 7,39%. Trong 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Ninh có nhiều điểm sáng: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,24% so với tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 18,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 12,9% so với tháng trước, doanh nghiệp đăng ký mới tăng và quay trở lại hoạt động tăng 26,2%, vốn FDI đăng ký mới đạt 806,3 triệu USD (tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước),…

“Chúng ta đang bước vào tháng cuối cùng của quý III/2023 và chuẩn bị cho thời điểm 3 tháng cuối cùng của năm 2023, thời điểm mà nhu cầu vốn tín dụng tăng cao để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động của người dân, doanh nghiệp dịp cuối năm. Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Với những giải pháp của ngành Ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững” - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc 5,56%). Trong đó, tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất tăng 8,87%, chiếm 36,58% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh, tiếp theo là ngành thương mại dịch vụ, tăng 4,63%, chiếm tỷ trọng cao nhất 60,41% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 6,3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 9,78%. Tín dụng lĩnh vực bất động sản giảm 23,79%; trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm gần 53%, giảm 2,64%, dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm mạnh 38,59%.

Ngoài ra, một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng được các tổ chức tín dụng tập trung cung ứng tín dụng với tổng hạn mức cấp tín dụng là 3.193 tỷ đồng. Một số chương trình, chính sách tín dụng trên địa bàn đạt kết quả tích cực như: cho vay chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tín dụng chính sách ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31,... Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cho khách hàng trên địa bàn tỉnh là 294 tỷ đồng cho hơn 88 lượt khách hàng.

Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng

Mặc dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Bắc Ninh nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành Ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực, cụ thể:

Một là, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ.

Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...). Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.

Bốn là, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.

Năm là, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Sáu là, củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Bắc Ninh

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Vươn tầm trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội, thương mại trên địa bàn

Lai Châu: Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại

Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Lào Cai: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

Thừa Thiên Huế: Thuỷ điện Bình Điền giảm lưu lượng vận hành để cứu hộ vụ tai nạn ở cầu Bình Thành

Hải Phòng: Điều chỉnh vốn các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 1: Lực đẩy kinh tế Ninh Bình

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Bắc Ninh tiếp tục kiểm tra tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại thôn Mẫn Xá

Yên Bái: Công nhận 5 xã của huyện Lục Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024

Lai Châu: Kinh tế tăng trưởng ổn định, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

25 sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024

Cá tầm hồ Hòa Bình được đấu giá thành công 150 triệu đồng

Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí

Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường hoa ảm đạm trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sơn La: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là 'đầu tàu' trong tăng trưởng kinh tế

Cà Mau: Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Hội chợ Thương mại - Tiêu dùng ở thị trấn Sông Đốc