Bắc Ninh bảo đảm cung cấp hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
Nguồn cung hàng hóa dồi dào
Theo quy luật, các tháng cuối năm và cận Tết là thời điểm hàng hóa lưu thông lớn, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, hàng hóa sẽ được cung ứng qua kênh bán hàng truyền thống (3 trung tâm thương mại, trên 350 cửa hàng tiện ích và hệ thống cửa hàng tạp hóa, siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh…); các kênh bán hàng đa phương tiện (sàn thương mại điện tử, website, ứng dụng mua hàng, mạng xã hội…).
Nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khá dồi dào. Ảnh: Bacninh.gov.vn |
Nhằm góp phần cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán 2025, nhất là các mặt hàng thiết yếu, Sở Công Thương Bắc Ninh vừa ban hành Kế hoạch số 1702/KH-SCT thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Theo đó, Sở Công Thương Bắc Ninh yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, tổ chức bán hàng thường xuyên, liên tục, đa dạng hóa hình thức bán hàng.
Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; các đơn vị tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát thị trường, hàng hóa trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên theo đánh giá sơ bộ, hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển, nguồn cung hàng hóa dịch vụ dồi dào, phong phú, an sinh xã hội được đảm bảo.
Cụ thể: Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 101.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 103,1% kế hoạch; hoạt động ngoại thương duy trì ổn định, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước 75,9 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch; trong đó, xuất khẩu ước 41,5 tỷ USD, tăng 2%, đạt 100% kế hoạch.
Sở Công Thương cũng xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp Tết như: Gạo; thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm; thủy hải sản; thực phẩm chế biến; đường trắng, dầu ăn, bánh mứt kẹo, nước giải khát; rau củ quả; xăng dầu.
Thúc đẩy sự lan tỏa của hàng Việt
Để công tác bình ổn thị trường đạt hiệu quả cao nhất, Sở Công Thương Bắc Ninh yêu cầu Phòng Quản lý thương mại thường xuyên theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá, để chủ động có phương án hoặc đề xuất với cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị số lượng hàng hóa phục vụ Tết của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối và nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn, sản phẩn đặc trưng của tỉnh, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc vận động, khuyến khích doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn đưa hàng phục vụ khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng nông thôn nhằm giới thiệu và cung ứng các mặt hàng sản xuất trong nước với chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý…
Chia sẻ về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn, ông Lưu Bảo Trung – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh - cho biết: “Cuộc vận động đã và đang có sức lan tỏa, tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức... nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Từ đó, tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt; coi việc sử dụng hàng Việt là thể hiện tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, quan tâm cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu…”.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, hơn 80% người dân trong tỉnh Bắc Ninh ưu tiên sử dụng hàng Việt; gần 80% số hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất được bày bán trên thị trường.
Nhằm nhằm tăng khả năng tiếp cận cho các đối tượng, Sở Công Thương Bắc Ninh cũng yêu cầu doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi tổ chức dự trữ đầy đủ mặt hàng thiết yếu, nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, không tăng giá bất hợp lý; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa nhất là khu vực nông thôn, khu, cụm công nghiệp...
Đối với tiểu thương kinh doanh tại các chợ, chủ động mua vào các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo nguồn cung ổn định và phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân; không đầu cơ, tích trữ hoặc tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết; tuân thủ quy định kinh doanh về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; không kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc hoặc không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm…
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20/11/2024 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trọng tâm là giao Sở Công Thương theo dõi tình hình diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá trên địa bàn để chủ động phương án hoặc đề xuất với cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hoá gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Những tháng cuối năm cũng là thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, kém chất lượng diễn biến phức tạp và gia tăng. Để bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, cử cán bộ thường xuyên trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về thị trường thông qua đường dây nóng nhằm kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, sản xuất kinh doanh hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng. Chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.