Bạc Liêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,74%
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5,74%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và xếp thứ 8/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,15%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 3,95% và khu vực dịch vụ tăng 6,11% so với cùng kỳ năm ngoái.
6 tháng đầu năm, Bạc Liêu chỉ đạt 37,29% kế hoạch sản xuất nông nghiệp và 46,67% kế hoạch thương mại - dịch vụ. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3,84% so với cùng kỳ. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng cường sản xuất, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ.
Mức tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu trong 6 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng (Ảnh minh hoạ). |
Cụ thể, thủy sản đông lạnh ước đạt 63.889 tấn, đạt 45,76% kế hoạch; điện gió ước đạt 736,57 triệu kWh, đạt 54,24% kế hoạch, tăng 13,65%; dệt may ước đạt 9,07 triệu sản phẩm, đạt 40,86% kế hoạch; xay xát lúa gạo ước đạt hơn 323.000 tấn, đạt 51,29% kế hoạch…
Riêng hoạt động thương mại và dịch vụ nội địa tăng khá, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 40.045 tỷ đồng nhưng cũng chỉ đạt 46,67% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu ước hơn 463 triệu USD và đạt 40,05% so với kế hoạch.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm, Bạc Liêu vẫn đặt quyết tâm cao hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 9-10% cho năm 2024. UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành chỉ đạo yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm sau để bứt phá kinh tế - xã hội; Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Đồng thời, tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao. Hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp, xây dựng lịch thời vụ chi tiết cho từng địa bàn cụ thể. Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; tăng cường thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm và xử lý nghiêm hành vi bơm chích tạp chất vào tôm. Tiếp tục củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển và các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh và đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đặc biệt, cần tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là thị trường xuất khẩu yến. Tích cực tranh thủ các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa…