Bạc Liêu chú trọng phát triển tôm theo mô hình công nghệ cao
Đó là đánh giá của ông Nguyễn Quang Dương - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - khi dẫn đoàn khảo sát của tỉnh đến kiểm tra thực địa về tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu ngày 17/3.
Tại buổi khảo sát, ông Phạm Hoàng Minh - Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã báo cáo với đoàn khảo sát về tiến độ thực hiện các gói thầu thuộc hạ tầng kỹ thuật của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo thiết kế xây dựng hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn I), Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được chia thành 5 gói thầu gồm Hệ thống kênh thủy lợi có tuyến kênh dẫn chứa nước và kênh thải nước, với tổng chiều dài hơn 4.500m; hệ thống đường giao thông nội bộ với tổng chiều dài 7.961m; xây dựng hệ thống điện gồm đường đây điện trung thế 3 pha và các đường dây hạ thế, hệ thống điện chiếu sáng và 8 trạm biến áp, xây dựng 4 cống thoát nước ngang đường và xây dựng hàng rào bao quanh…
Tất cả các hạng mục trên được xây dựng trên diện tích hơn 102 ha, với tổng vốn đầu tư là 175 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ các hạng mục trong giai đoạn I của dự án vẫn đang được triển khai nước rút, nhằm sớm hoàn thành và chuẩn bị các điều kiện giao đất cho nhà đầu tư vào sản xuất tại khu này. Đồng thời, sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiếp tục thi công các hạng mục công trình, thuộc giai đoạn II của dự án.
Ông Nguyễn Quang Dương (thứ nhất từ phải sang) - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung (thứ hai từ phải sang) kiểm tra thực địa |
Qua khảo sát thực tế, Bí thư Nguyễn Quang Dương đánh giá: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu là dự án có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững của tỉnh. Đây dự án trọng điểm, nằm liền kề với dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu đang được đưa vào khai thác. “Khi dự án này hoàn thành, không chỉ tạo ra nguồn lực đặc biệt quan trọng, góp phần vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mà còn kết hợp với Dự án Nhà máy điện gió tạo ra điểm nhấn, mở ra hướng đi mới đặc trưng cho lĩnh vực du lịch của tỉnh Bạc Liêu phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Dương nhấn mạnh.
Cũng tại buổi khảo sát, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - đã đề nghị Ban quản lí Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và các đơn vị thi công tập trung nhân lực phương tiện đẩy nhanh tiến độ các hạng mục để sớm hoàn thành theo kế hoạch.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khảo đi sát tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu |
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã đến khảo sát tình hình sản xuất tại Công ty Nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu. Đây là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, có tổng diện tích đất 52 ha, nằm liền kề Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, bắt đầu hoạt động sản xuất vào tháng 9/2019. Công ty hoạt động chủ yếu nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao mô hình nuôi tôm tiên tiến, công nghệ hiện đại, phù hợp với tiềm lực của nhiều người nuôi tôm hiện nay, có thể lan tỏa chuyển giao rộng rãi cho người dân, do vốn đầu tư ban đầu thấp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hiện tỉnh có hơn 135 ngàn ha diện tích nuôi tôm, đứng thứ 2 cả nước, với sản lượng tôm năm sau luôn cao hơn năm trước, sản lượng năm 2019 ước đạt 155 ngàn tấn. Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 23 nhà máy chế biến thủy sản tổng công suất thiết kế gần 135 ngàn tấn và cho sản lượng xuất khẩu gần 60 ngàn tấn/năm, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 600 triệu USD/năm.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 188 cơ sở sản xuất tôm giống và 108 cơ sở ương dưỡng tôm giống, hàng năm sản xuất khoảng 30 tỷ con giống, trong đó Tập đoàn Việt Úc là doanh nghiệp lớn nhất ngành tôm giống Việt Nam. Đặc biệt, Bạc Liêu có nhiều mô hình tôm đa dạng, hiệu quả cao, nhất là các mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tiên tiến hàng đầu thế giới.
Do đó, Bạc Liêu thực sự hội đủ các điều kiện để trở thành “trung tâm ngành công nghệ tôm cả nước” như kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo việc liên kết, kết nối các hoạt động từ khâu cung ứng nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi cung ứng tôm Việt Nam.