Bắc Kạn: Mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản đặc trưng
Kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ
Những năm qua, các ngành, chức năng tỉnh /chu-de/tinh-bac-kan.topic đã rất quan tâm, triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong đó có lĩnh vực thương mại. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công Thương triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại như: Hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu nhằm đưa các sản phẩm, hàng hóa Việt và các nông sản đặc trưng, đặc hữu của tỉnh tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Từ món quà quê bình dị, người phụ nữ dân tộc Tày - Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan (xã Côn Minh, huyện Na Rì) đã đưa sản phẩm miến dong Tài Hoan trở thành sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị và các sàn thương mại điện tử lớn trên cả nước. Chị Nguyễn Thị Hoan cho biết, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu do Bộ Công Thương, tỉnh Bắc Kạn, Sở Công Thương tổ chức, sản phẩm miến dong Tài Hoan của hợp tác xã đã có đầu ra ổn định, được thị trường, khách hàng đón nhận. Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã đã được tiêu thụ trên cả nước: Các chợ đầu mối, siêu thị Big C toàn miền Bắc, một số công ty, chuỗi cung ứng nông sản, chuỗi bán lẻ,…
“Với sản phẩm miến dong OCOP hạng 5 sao, trong thời gian qua, hợp tác xã cũng được các ngành chức năng hỗ trợ quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử và được hướng dẫn, hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất và thông tin dinh dưỡng của sản phẩm. Qua đó, tạo thuận lợi cho hợp tác xã trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, từng bước tạo dựng uy tín trên thị trường”, chị Nguyễn Thị Hoan cho hay.
Chị Ma Thị Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương cho biết, tại xã Yến Dương (huyện Ba Bể), cây bí thơm được người dân gìn giữ và phát triển theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường cùng sự hỗ trợ về xúc tiến thương mại của các cấp chính quyền, đến nay, sản phẩm bí xanh của hợp tác xã đã được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn cả nước. Sản lượng trung bình hằng năm tiêu thụ từ 500 - 700 tấn.
“Từ sản phẩm bí xanh thơm, hợp tác xã đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để chế biến, chế biến sâu tạo ra các sản phẩm mới như trà bí xanh thơm, bí thái lát, bột bí, mứt bí.... Nhờ đó, sản phẩm bảo quản được lâu hơn, tiêu thụ xa hơn và gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm”, chị Ma Thị Ninh cho biết.
Bắc Kạn kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng Việt và các sản phẩm đặc trưng đến gần hơn với người tiêu dùng |
Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Kạn, thời gian qua, các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa Việt Nam nói chung và của tỉnh Bắc Kạn nói riêng được quan tâm thực hiện thường xuyên hơn dưới nhiều hình thức. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, Bắc Kạn đã tổ chức 4 sự kiện xúc tiến thương mại quy mô cấp tỉnh, với số lượng 293 gian hàng, trưng bày 500 mặt hàng là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; tổ chức gian hàng của Bắc Kạn tham gia 21 hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong nước; tổ chức 4 sự kiện, hội nghị trưng bày giới thiệu, kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của Bắc Kạn,… qua đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và các đơn vị sản xuất, tiêu thụ ngoài tỉnh ký kết 35 biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối tiêu thụ, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia hội nghị kết nối giao thương tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Song song đó, tỉnh Bắc Kạn cũng đã hỗ trợ 13 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia đề án chương trình phát triển thương mại điện tử địa phương, trong đó hỗ trợ các đơn vị tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước như: Lazada, Shopee, Backanmarket; đưa 104 sản phẩm OCOP, nông sản hàng hóa lên sàn PostMart; hỗ trợ 12 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia đề án chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, trong đó đã hỗ trợ xây dựng 8 website bán hàng, tiếp thị sản phẩm; hỗ trợ 2 đơn vị đưa 21 sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế Alibaba và 50 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử uy tín trong nước là Sendo, Shopee; hỗ trợ 2 đơn vị được tư vấn mở gian hàng và chăm sóc gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, Sendo, Lazada, Backanmarket, đồng thời được kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử “Sanviet”...
Thị phần hàng Việt chiếm 85% tại các kênh phân phối
Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cho biết, thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025, Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước” ngành Công Thương Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng; đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn.
Hiện nay, thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã chiếm trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử…; và trên 80% các kênh phân phối truyền thống như: chợ, cửa hàng tạp hóa,…; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn biết đến Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phong trào này.
Một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 2 siêu thị, 1 trung tâm thương mại và 64 chợ truyền thống, cùng với đó, tỉnh đã phát triển, mở rộng được 18 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nông sản tại các huyện, thành phố. Đặc biệt, năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam” tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Na Rì.
“Điểm bán hàng này đã kết nối được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh có các sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng Việt đưa vào trưng bày, quảng cáo và tiêu thụ; thực hiện đúng theo cam kết 100% hàng hóa do Việt Nam sản xuất, xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của tỉnh”, ông Đinh Lâm Sáng thông tin.
Cùng với việc phát triển, mở rộng thị trường, Sở Công Thương Bắc Kạn đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá cả, chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh trái phép, nhất là việc kiểm tra chống buôn, bán hàng ngoại nhập lậu và các hành vi gian lận thương mại, tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển, từng bước chiếm lĩnh thị trường. Từ năm 2021 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 1.454 vụ, xử lý 573 vụ vi phạm chủ yếu về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 3,5 tỷ đồng.
“Việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nhận được sự hưởng ứng của đa số người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng hàng Việt. Giờ đây, người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã từng bước thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng hàng hóa, ngày càng tin tưởng và lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam, hàng do các doanh nghiệp, hợp tác xã Bắc Kạn sản xuất; các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn ngày càng nâng cao trách nhiệm trong việc mở rộng thị trường, sản xuất và cung ứng các mặt hàng do Việt Nam sản xuất có chất lượng”, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Kạn khẳng định.
Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt, Bắc Kạn tiếp tục tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại về hàng hóa của địa phương sản xuất, chế biến nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm và tạo điều kiện để các tổ chức, hộ kinh doanh có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các nhà phân phối lớn để từng bước cải tiến sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng, giữ vững được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của địa phương.