Hạ dự báo tăng trưởng
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS, TS Phạm Thế Anh – chuyên gia kinh tế vĩ mô thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng: Năm 2021, triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam được đánh giá sáng hơn năm 2020. Trong đó, động lực tăng trưởng kinh tế thế giới rơi vào những nền kinh tế lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh.
Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP quý I, quý II và 6 tháng đầu năm 2021 cũng có những tín hiệu khá tích cực do được tiếp tục đà tăng trưởng từ quý III/2020. Trong đó, tăng trưởng quý II đạt 6,61%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 với 0,36% và tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,64%. Đây cũng là mức tăng trưởng cao hơn so với rất nhiều nền kinh tế trong khu vực và thế giới.
Diễn biến dịch Covid-19 đang tác động bất lợi đến tăng trưởng GDP năm 2021 |
Tuy vậy, mức tăng trưởng của thế giới và Việt Nam trong năm 2021 vẫn được đánh giá thiếu sự ổn định, nhất là khi chủng virut mới delta đang diễn biến phức tạp và có tốc độ lây lan rất nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chủng virut mới này cũng đang diễn biến mạnh tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước, gây ra những khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, khi nhiều địa phương đang phải thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa hay giãn cách xã hội.
Trước tình hình trên, báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2021 của VEPR đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng trong năm 2021. Trong đó, kịch bản cơ sở là khi dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định thì tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 4,5-5,1%; kịch bản thuận lợi, khi dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vắc-xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định thì tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4-6,1%. Kịch bản bất lợi, dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý IV/2021, quá trình tiêm chủng vắc-xin được triển khai chậm, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số, thương mại, đầu tư được phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng 3,5-4%.
Tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam đang rất thấp |
Đồng tình với báo cáo của VEPR, cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những tháng cuối năm 2021 đang gặp rất nhiều khó khăn, PGS,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Trưởng khoa Tài chính – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm: Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước, trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp gần 1/3 tăng trưởng GDP của cả nước, nên sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm và tăng trưởng cả năm 2021.
Đẩy mạnh tiêm chủng, tạo miễn dịch cộng đồng
Khó khăn nền kinh tế phải đối mặt là rất lớn, tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng chúng ta vẫn phải thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, vì nếu chỉ tập trung chống dịch mà không quan tâm đến phát triển kinh tế thì người dân, doanh nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn lực cho rằng, kiên định với “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế là cần thiết. Song vẫn phải tùy từng địa phương, tùy từng thời điểm để thực hiện cái gì trước, cái gì sau.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua đẩy nhanh việc thực hiện các gói hỗ trợ, nhất là gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng vừa được Chính phủ thông qua, đẩy nhanh vốn đầu tư công nhất là khi 6 tháng giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt chưa đến 30% kế hoạch, thì giải pháp quan trọng nhất để vực lại nền kinh tế lúc này là phải thúc đẩy nhanh hơn nữa chiến lược tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng, tạo miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang đi sau nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực về mức độ tiêm chủng vắc-xin.
Cụ thể, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu: Tiêm chủng của Việt Nam đang quá chậm, hiện tại số người được tiêm chủng 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19 mới chiếm khoảng 3% dân số, còn tiêm được 2 mũi mới đạt tỷ lệ 0,3-0,5% tổng dân số. Vì thế, khả năng đạt miễn dịch cộng đồng khi đạt tỷ lệ tiêm chủng khoảng 70-80% trong năm 2021 là hoàn toàn bất khả thi.
Theo đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tạo cơ hội cho nền kinh tế bình thường trở lại, tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng GDP những tháng cuối năm thì vấn đề đẩy mạnh tiêm chủng cần được đặt lên hàng đầu. Vì nếu dịch bệnh không được sớm kiểm soát, thì nền kinh tế khó mà vận hành trở lại, mọi hoạt động của người dân và doanh nghiệp còn đối mặt với rất nhiều khó khăn.