Ăn canh thay uống nước, tác hại khôn lường
Thực tế, nhiều người vẫn tin rằng nếu trẻ lười uống nước thì có thể dùng canh, sữa, thậm chí nước ngọt... thay cho uống nước lọc. Vì "đều là nước cả"; thậm chí dùng nước canh hầm xương còn rất tốt cho sức khỏe. Về vấn đề này, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng đó là quan niệm sai lầm, đồng thời khuyến nghị nên bổ sung đầy đủ nước lọc cho trẻ.
Nước canh hầm không thay thế được nước lọc
TS. BS Trương Hồng Sơn – Phó Tổng Thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam – chia sẻ: Nước có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, bởi 70 - 80% cơ thể chúng ta là nước. Nước tham gia vào nhiều quá trình trong cơ thể như: Hấp thu, chuyển hóa, đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể.
Ăn canh thay uống nước, tác hại khôn lường |
Cơ thể nếu bị thiếu khoảng 2% nước sẽ thấy mệt mỏi, nếu thiếu khoảng 10% nước dẫn tới tình trạng nguy hiểm, nếu thiếu 20% lượng nước trong cơ thể có thể dẫn tới tử vong.
Ở một số trường hợp thực tế cho thấy, những người không ăn trong nhiều ngày vẫn có thể tồn tại được nhưng nếu thiếu nước chỉ trong 3- 4 ngày sẽ tử vong.
Trung bình mỗi người bình thường cần uống 40ml/1kg cân nặng/ngày. Ví dụ, người khoảng 60 kg thì lượng nước một ngày cần bổ sung là 2 - 2,4 lít.
Với trường hợp bé 12 tuổi ăn canh thay uống nước trong thời gian dài dẫn đến nồng độ axít uric trong máu tăng cao, các bác sĩ phân tích: 95% dinh dưỡng trong thịt vẫn là ở thịt, còn dinh dưỡng trong nước canh rất ít. Thực tế cho trẻ uống canh hầm xương không bổ sung quá nhiều dinh dưỡng mà là bổ sung purin và chất béo. Hàm lượng purin cao dễ dẫn đến bệnh goutvà béo phì. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trưởng thành của tuổi xương, dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo hai loại nước trẻ nên dùng nhiều, đó là: Nước đun sôi để nguội và sữa nguyên chất bổ sung đạm, canxi. Những loại nước khác chỉ là đồ uống kèm nên hạn chế dùng.
Những lưu ý khi uống nước
Nước lọc là loại nước rất tốt, không có tác dụng phụ và ai cũng có thể uống được, tuy nhiên, một số người có bệnh lý sẽ bổ sung nước theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cụ thể: Lưu ý lượng nước cần uống đối với phụ nữ mang thai và cho con bú: Ngoài nhu cầu 40 ml nước/cân nặng/người/ngày thì cần bổ sung thêm vào tổng số này khoảng 600 ml tới 700 ml/ngày mỗi người. Lượng nước cũng ảnh hưởng tới lượng sữa tiết ra với bà mẹ cho con bú. Mẹ ra ít sữa, thiếu sữa cũng có thể nguyên nhân do chưa uống đủ nước.
Với bệnh nhân tăng huyết áp: Cần kiểm soát lượng nước uống vào kể cả nước lọc. Bởi khi uống nhiều nước, trong vòng 10 phút, nước bắt đầu xuống ruột non và làm cho dung lượng của máu cao lên, gây áp lực thêm cho thành mạch.
Ngoài ra, cũng nên chú ý uống nước vào các thời điểm: Trước khi ăn hoặc trước khi chơi thể thao khoảng 30 phút – 60 phút. Uống nước trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng. Lưu ý, không uống số lượng quá nhiều nước một lúc.