AgroViet 2023: Kết nối chuỗi giá trị nông sản bền vững
Sản phẩm OCOP “chiếm sóng” tại Hội chợ
Diễn ra từ ngày 14 đến 17/9/2023 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và Thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 - AgroViet 2023 chính thức khai mạc sáng 14/9.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ |
Hội chợ có hơn 200 gian hàng và hơn 1.000 m2 sàn trưng bày sản phẩm của trên 100 đơn vị trong và ngoài nước. Trong đó, khu gian hàng doanh nghiệp quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Nga và 45 địa phương trong nước tham gia: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình; các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc và các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên cả nước.
Các sản phẩm OCOP, nông sản tỉnh Vĩnh Long tham dự Hội chợ |
Đến với Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 - AgroViet 2023, tỉnh Vĩnh Long mang đến nhiều nhiều sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao của địa phương như bưởi năm roi Mỹ Hòa, bưởi năm roi Vinagreenco, cam sành của Hợp tác xã Cam sành Khánh Nhân, gạo Tân Tiến, trứng vịt muối,… và các sản phẩm trái cây sấy của Công ty TNHH Đông Phát Food,…
Bà Hồ Ngọc Yến – Trưởng phòng Tư vấn Dịch vụ và Xúc tiến thương mại - Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp Vĩnh Long cho biết, hiện toàn Vĩnh Long có 32 sản phẩm OCOP 4 sao và 66 sản phẩm OCOP 3 sao. Tham gia sự kiện AgroViet 2023 lần này, tỉnh Vĩnh Long kỳ vọng các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản phẩm OCOP có thể tìm kiếm và mở rộng thị trường tại khu vực miền Bắc nhiều hơn nữa.
“Chúng tôi mang nhiều sản phẩm khoai lang trồng nhiều ở huyện Bình Tân và nhiều các sản phẩm chế biến từ khoai lang như khoai lang sấy, bột khoai lang, khoai lang đóng gói đạt chuẩn OCOP… để giới thiệu đến người tiêu dùng miền Bắc”, bà Hồ Ngọc Yến chia sẻ.
Cùng với việc giới thiệu sản phẩm, Vĩnh Long cũng kỳ vọng các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP sẽ có được những hợp đồng hợp tác lâu dài với các đối tác khách hàng trong và ngoài nước.
Các sản phẩm của Vĩnh Long cũng đã có mã số vùng trồng và trồng theo các tiêu chuẩn đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tiếp cận với thị trường miền Bắc đối với các sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương phía Nam vẫn là vấn đề khi phí vận chuyển, chi phí logistics cao và tỷ lệ hao hụt sản phẩm nhiều.
“Sau hội chợ, tỉnh Vĩnh Long vẫn sẽ duy trì gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp để làm cầu nối cho các doanh nghiệp, chủ thể OCOP, hợp tác xã để mở rộng thị trường tại khu vực phía Bắc nói chung và thị trường Hà Nội nói riêng”, đại diện Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp Vĩnh Long cho biết.
Hội chợ thu hút khách hàng trong nước và quốc tế tham quan gian hàng |
Cùng với Vĩnh Long, gian hàng của Tiền Giang tại AgroViet 2023 quy tụ phần lớn các sản phẩm trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, tỉnh đã xây dựng và thẩm định 211 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, có quyết định công nhận 194 sản phẩm OCOP, trong đó có 95 sản phẩm 4 sao và 96 sản phẩm 3 sao.
Ông Trần Nam Dư – Chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đánh giá, Hà Nội là thị trường lớn, chúng tôi mang các sản phẩm trái cây, nông đặc sản tiếp thị đến người tiêu dùng Thủ đô và được người tiêu dùng đánh giá cao, nhất là trái thanh long, sầu riêng.
Dù có sản phẩm rất tốt, nhưng theo ông Trần Nam Dư, các thị trường ngày càng đòi hỏi yêu cầu rất cao. Do đó, để sản phẩm có đầu ra ổn định thì vai trò của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Về phía cơ quan chức năng, để hỗ trợ hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, bên cạnh các hình thức quảng bá trực tiếp, tham gia hội chợ thì Sở cũng đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm lên trên kênh thương mại điện tử.
AgroViet 2023: Kết nối chuỗi giá trị nông sản bền vững |
“Hộ nông dân, hợp tác xã, chủ thể OCOP mới chỉ tập trung khâu sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản xuất của thị trường. Tuy nhiên, khâu chuyển đổi số đối với họ còn hơi yếu, do đó, chúng tôi đang tập trung hỗ trợ họ trong cách làm, tập huấn, để có thể bán được sản phẩm trên sàn thương mại điện tử”, ông Trần Nam Dư chia sẻ.
Công nghệ tiến tiến của các nước hội tụ tại AgroViet 2023
Về phía gian hàng của các doanh nghiệp quốc tế, ông Xu Xin - đại diện thương mại Công ty UREC, Tập đoàn Đầu tư năng lượng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, gian hàng của đơn vị trưng bày, giới thiệu các sản phẩm lan hồ điệp, hoa hồng và cẩm tú cầu đặc trưng của Vân Nam tới người tiêu dùng Hà Nội và Việt Nam.
“Công ty nói riêng và Tập đoàn nói chung mong muốn được hợp tác ngày càng nhiều với các đối tác Việt Nam cũng như phát triển, cung ứng các sản phẩm đặc trưng ở cả kênh bán hàng trực tiếp và thương mại điện tử để lan tỏa, quảng bá và tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất tới đông đảo khách hàng, người tiêu dùng quốc tế, trong đó có Việt Nam”, ông Xu Xin cho biết.
Đáng chú ý, tại AgroViet 2023 trưng bày, giới thiệu dây chuyền công nghệ cảm biến của Hàn Quốc như máy đo hàm lượng đường, phát hiện bất thường bên trong rau củ quả không cần cắt thử; sử dụng công nghệ cảm biến hình ảnh để phân loại màu sắc và hình dạng trái cây và rau củ quả.
Bên cạnh đó, nhiều thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp từ Trung Quốc như: Thiết bị lạnh và cách nhiệt, thiết bị máy sấy gia súc, gia cầm, xe điện ba bánh, xe nâng, máy xúc, máy phát điện, máy phun điện… cũng được giới thiệu tới các đối tác, khách hàng, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.
Ông Park Ki Woo – Tổng giám đốc Công ty TNHH GAIA International Vina – cho biết: “Chúng tôi mong muốn giới thiệu đến người dân Việt Nam biết đến các công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc. Ưu tiên trước mắt là chúng tôi muốn tìm kiếm được đối tác xây dựng khu phân loại, chế biến nông sản để từ đó nâng cao chất lượng, cũng như giúp người nông dân nâng cao giá trị cũng như giảm thiểu sức lao động”.
AgroViet 2023 |
Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế - AgroViet là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, được tổ chức thường niên vào tháng 9.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023 Hội chợ được tổ chức với chủ đề “Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững”, được tổ chức trong 4 ngày từ ngày 14 đến 17/9/2023, nhằm thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế quốc tế, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, giao dịch thương mại, tôn vinh những sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP, nông đặc sản chất lượng cao của các địa phương trong cả nước. Đây đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã củng cố và khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ |
“Với mục tiêu tăng cường, đa dạng hóa phương thức tiếp cận thị trường, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP quảng bá các sản phẩm nông đặc sản tại Hội chợ, chúng tôi đã xây dựng và vận hành 1 kênh TikTok quảng bá theo chuyên đề về Hội chợ và sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ; tổ chức các hoạt động livestream quảng bá, bán sản phẩm, dịch vụ, trực tiếp tại Hội chợ thông qua nền tảng các mạng xã hội; hướng dẫn kỹ thuật cho doanh nghiệp, chủ thể mở kênh và bán sản phẩm chuyển giao cách thức vận hành giúp doanh nghiệp tiếp cận và hòa nhập với thời kì công nghệ 4.0”, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết thêm.