Thứ tư 25/12/2024 09:21

6 tháng đầu năm 2023: Dư nợ tín dụng trên 12,49 triệu tỷ đồng, lãi suất cho vay giảm 3%

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023,dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng tăng 4,73%. Đáng chú ý, lãi suất cho vay giảm 3%

Sáng nay (15/7), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

4 lần điều chỉnh lãi suất

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngành Ngân hàng nửa đầu năm nay đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, khiến mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng cao, cuộc chiến Nga - Ukraina chưa có hồi kết, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đầu năm.

Trong nước thị trường trái phiếu, bất động sản gặp nhiều khó khăn càng đặt áp lực, rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân suy giảm, nợ xấu tăng cao trong khi yêu cầu thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vẫn được đặt ra.

Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng được giao các nhiệm vụ tại Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội làm thế nào điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Song song với đó, điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo có thể giảm lãi suất trong khi phải ổn định tỷ giá, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Đặc biệt, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ để cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, tỷ giá và lãi suất, chính sách tiền tệ và tài khoá, giữa tình hình bên trong và bên ngoài, theo Thống đốc, đây là yêu cầu vô cùng khó, nhất là khi dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp, tín dụng/GDP đã ở mức cảnh bảo, thị trường tiền tệ, ngoại hối thường chịu tác động của tâm lý kỳ vọng...

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Ngân hàng Nhà nước đã xác định các vấn đề, chủ trương lớn, quan trọng, nhạy cảm để chỉ đạo, điều hành trong 6 tháng đầu năm

Ngân hàng Nhà nước đã xác định các vấn đề, chủ trương lớn, quan trọng, nhạy cảm để chỉ đạo, điều hành. Nửa đầu năm nay, chính sách tiền tệ đã giúp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhất là các ngân hàng yếu kém tiếp tục được triển khai quyết liệt.

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng cũng tồn tại những khó khăn do nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan như nợ xấu gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp.

Báo cáo cụ thể hơn về kết quả điều hành chính sách tiền tệ nửa đầu năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, nửa đầu năm nay, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng.

Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022; các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.

Về điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Ngân hàng Nhà nước mua được ngoại tệ từ tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng…

Nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết nửa đầu năm nay đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ nhất, nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng. Đây là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp hơn dự kiến, các nguồn vốn trung dài hạn trong nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn;

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay giảm 3% trong 6 tháng đầu năm 2023

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, sửa đổi quy định pháp lý về cho vay của tổ chức tín dụng: Ngày 28/6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng; trong đó có bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân và doanh nghiệp như bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn; cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống để trả nợ trước hạn khoản vay tại tổ chức tín dụng khác; vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm,...

Thư ba, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP và Nghị quyết 59/NQ-CP. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Thứ tư, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23 tháng 4 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp;

Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ;

Thứ sáu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Đề án 689)…

Tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

Về nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào các giải pháp chính: Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra; nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô. Trong đó, tập trung triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2023; tiếp tục giám sát toàn diện hoạt động của các tổ chức tín dụng để kịp thời phát hiện, cảnh báo các rủi ro tiềm ẩn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là việc phân tích, xử lý các báo cáo giao dịch đáng ngờ. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau đánh giá đa phương đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Việt Nam.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ Căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ dịch vụ công, nghiệp vụ thông tin tín dụng và phòng chống rửa tiền; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong ngành ngân hàng...

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

VNDirect: Nhu cầu tín dụng tăng tốc, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động dịp cuối năm

Cổ phiếu CTC đứng trước nguy cơ 'xóa sổ'

Cổ phiếu HHV: Nhiều triển vọng bứt phá năm 2025

Sang tuần, UPCoM đón thêm 'tân binh' là công ty hóa chất 45 năm tuổi

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm 2025

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024