Thứ bảy 28/12/2024 02:36

45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – New Zealand: Hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược

Năm 2020, Việt Nam và New Zealand sẽ kỷ niệm dấu mốc quan trọng, 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đang trên đà phát triển tốt đẹp, đặc biệt là khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai nước đều là thành viên có hiệu lực đầu năm 2019. Ông Keith Conway - Đại biện Lâm thời, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam - đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương về kết quả hợp tác giữa hai nước.

Thưa ông, trong suốt gần 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đâu là thành tựu nổi bật, đáng ghi nhận nhất?

Nền giáo dục New Zealand đang trở thành lựa chọn tốt nhất của sinh viên Việt Nam

Năm 2020 được coi là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương của hai nước, đó là kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 - 2020). Thật khó để chỉ ra đâu là thành tựu nổi bật nhất trong quan hệ hợp tác giữa hai bên bởi trong hơn 4 thập kỷ qua, quan hệ hai nước đã phát triển lớn mạnh trên nhiều lĩnh vực. Minh chứng cho tình cảm ngày càng sâu sắc đó là việc New Zealand và Việt Nam đang trong quá trình nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược. Nếu chọn 2 lĩnh vực để nói về thành tựu đạt được giữa hai nước, tôi nghĩ đó là thương mại và sự kết nối giao lưu nhân dân hai nước.

Ông Keith Conway - Đại biện Lâm thời, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam

Năm 2019, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đã tăng trưởng hơn 7%. Cả 2 quốc gia đều nằm trong danh sách Top 20 đối tác thương mại của nhau, với mức thương mại song phương đã tăng gấp 3 lần kể từ sau khi Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) được ký vào năm 2009.

Đối với kết nối con người, trong thời gian qua, lượng du học sinh Việt Nam và New Zealand ngày càng gia tăng. Nền giáo dục New Zealand đang trở thành lựa chọn tốt nhất của sinh viên Việt Nam. Theo đó, số lượng du học sinh Việt Nam ở New Zealand tăng 30% trong giai đoạn 2016-2018, đặc biệt năm 2018, có 2.772 du học sinh Việt Nam đang sinh sống và học tập tại New Zealand.

Bên cạnh đó, lượng khách du lịch từ hai nước cũng đang “nở rộ”, trung bình 40.000 người New Zealand đến Việt Nam mỗi năm để thưởng thức phong cảnh thiên nhiên và các món ăn tuyệt vời. Ngược lại, chúng tôi cũng nhận thấy sự tăng trưởng lớn lượng du khách Việt Nam tới khám phá New Zealand.

Mối quan hệ hợp tác thương mại giữa New Zealand và Việt Nam đã có sự thay đổi như thế nào sau khi CPTPP chính thức có hiệu lực? Theo ông, hai nước đã khai thác tốt các lợi thế của hiệp định này hay chưa?

New Zealand hoan nghênh việc Hiệp định CPTPP đã được phê chuẩn giữa Việt Nam và các đối tác trong năm nay. Đây là một bước đi quan trọng nhằm cải thiện các quy tắc thương mại, góp phần thúc đẩy đầu tư và kinh doanh giữa hai nước.

Trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp và khó dự đoán như hiện nay, điều quan trọng là New Zealand, Việt Nam và các đối tác tiếp tục hợp tác để hỗ trợ hệ thống thương mại, dựa trên quy tắc quốc tế thông qua những hiệp định như CPTPP nhằm đảm bảo tăng trưởng và thịnh vượng của các nước trong khu vực.

Hiện, cả hai quốc gia đang đạt được những tiến bộ tốt khi vận dụng tối đa Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, tôi nghĩ để khai thác tốt hiệu quả các cơ hội, doanh nghiệp hai nước cần nâng cao hơn nữa nhận thức về CPTPP, từ đó trang bị kiến thức tốt nhất. Ngoài ra, New Zealand cũng chủ động hỗ trợ các cơ quan Việt Nam đào tạo và tư vấn trong các lĩnh vực như mua sắm công và hải quan.

Theo quan sát của đại sứ, cộng đồng doanh nghiệp New Zealand có quan tâm đến việc tăng đầu tư vào Việt Nam sau khi CPTPP có hiệu lực không? và những lĩnh vực nào đang được quan tâm nhất?

Hiện, Hiệp định CPTPP đang có hiệu lực ở New Zealand và Việt Nam. Tôi tin rằng, có nhiều cơ hội rõ ràng để mở rộng thị trường thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm cao cấp, rượu, công nghệ nông nghiệp và thiết bị, giáo dục và du lịch.

New Zealand nổi tiếng tại Việt Nam về thực phẩm sạch, an toàn và chất lượng cao như sữa và trái cây. Ngoài ra, khi Việt Nam chuyển sang công nghiệp 4.0, đây cũng là cơ hội và thị trường tiềm năng để New Zealand xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ. Bởi công nghệ hiện là ngành xuất khẩu lớn thứ ba của New Zealand, theo đó, năm 2018, xuất khẩu ngành này tăng 11%, với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đô la New Zealand.

Bên cạnh đó, người dân New Zealand có truyền thống pha trộn sáng tạo với các giải pháp thực tế và chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm này với Việt Nam trong các lĩnh vực đa dạng như dự báo thời tiết, di truyền động vật và giải pháp thành phố thông minh.

Từ những nền tảng tốt đẹp đó, ông nhận định như thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian sắp tới và làm sao để mối quan hệ hợp tác này trở nên hiệu quả, toàn diện hơn, thưa ông?

Có thể khẳng định rằng, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và hai bên mong muốn nâng cấp mối quan hệ đối tác giữa hai nước lên một tầm cao mới vào năm 2020. New Zealand coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực và là một nền kinh tế năng động, mở rộng. Điều này tạo ra nhiều cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ trong tương lai. Đặc biệt, hai nền kinh tế Việt Nam và New Zealand có nhiều lợi thế, bổ sung lẫn nhau. New Zealand có thể cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, kỹ năng và kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Đơn cử như Việt Nam có lực lượng lao động ngày càng tăng, đòi hỏi kỹ năng cao, trong khi đó, New Zealand có hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới với nhiều trung tâm đào tạo chất lượng cao. Điều này sẽ là cơ hội tuyệt vời để New Zealand và Việt Nam trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo lao động.

Năm 2020 cũng là một năm quan trọng đối với cả hai nước. Nhiều sự kiện đáng ghi nhớ diễn ra như: Việt Nam sẽ chủ trì Năm ASEAN 2020, kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sẽ tham dự tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN-New Zealand tại Đà Nẵng.

Sự kiện này sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo thảo luận, từ đó đưa ra những phương pháp mở rộng hợp tác hơn nữa giữa hai nước, bao gồm lĩnh vực thương mại.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tuệ Minh - Nguyễn Hường
Bài viết cùng chủ đề: Quan hệ ngoại giao

Tin cùng chuyên mục

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông

Nga - Trung Quốc đạt bước tiến mới về hợp tác năng lượng

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria và Iraq)

Bản tin quân sự thế giới ngày 26/12/2024: Ukraine trang bị súng bắn đạn ghém chống UAV cho binh sĩ

Mời tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư toàn cầu tại bang Kerala, Ấn Độ

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 26/12: Lữ đoàn 'chuẩn NATO' rút lui; UAV Ukraine đánh sập căn cứ Nga

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/12/2024: Nga tập kích tên lửa Ukraine; Velyka Novosilka bị siết chặt

“Nội soi” khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt

Bản tin quân sự thế giới ngày 25/12/2024: Tại sao thiết bị siêu vượt âm Avanguard không có đối thủ?

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 25/12: Lính Ukraine đầu hàng ồ ạt ở Kursk; Kiev nhận lô viện trợ khủng

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 24/12/2024: Ukraine liên tục tấn công lãnh thổ Nga; Kursk bị vây hãm

EU tăng cường kiểm tra nông sản Việt Nam từ 8/1/2025

Bản tin quân sự thế giới ngày 24/12/2024: Anh phát triển vũ khí năng lượng 'sát thủ UAV'

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 24/12: Nga bắt giữ lính đánh thuê Ukraine; Lữ đoàn Kiev giành thắng lợi

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế “vượt khó” tạo đột phá, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại Hoa Kỳ

Bản tin quân sự thế giới ngày 23/12/2024: Mỹ và NATO có khả năng chặn được tên lửa Oreshnik?

Hội nhập thành công đưa Việt Nam trở thành 'mắt xích' quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu