3 giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước
Mặc dù có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, song hoạt động của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) quản lý vẫn còn một số tồn tại, chưa đáp ứng được mục tiêu, kỳ vọng đặt ra. Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này, đóng góp cho nền kinh tế - xã hội là vấn đề được cộng đồng quan tâm. Để có thêm ý kiến đóng góp, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong về vấn đề này.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong |
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC)- tính đến 31/12/2018, vốn và tài sản của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do CMSC tiếp nhận, gồm có 13 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ; 6 tập đoàn, tổng công ty là công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Tổng tài sản công ty mẹ là 1,64 triệu tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước; tổng vốn chủ sở hữu công ty mẹ là 911.350 tỷ đồng. Đến năm 2020, tổng tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là 2,39 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2016, chiếm 65,3% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước; Tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1,08 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2016, chiếm gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước. Giai đoạn 2018-2021, đối với công ty mẹ, 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng doanh thu đạt 3,35 triệu tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 204.606 tỷ đồng, thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách đạt 278.514 tỷ đồng. Còn đối với báo cáo hợp nhất, tổng doanh thu đạt trên 5,46 triệu tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 378.100 tỷ đồng, thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt trên 839.500 tỷ đồng…
Nhìn chung, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con tuy chỉ chiếm 15% về số lượng, nhưng nắm tới 92% tổng tài sản và 89% vốn chủ sở hữu của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước và hiện diện chủ yếu trong 6 lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế là nông nghiệp, năng lượng, tài chính-ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp chế biến chế tạo). Đây là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định an ninh, chính trị…
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước còn bất cập, nổi bật là việc tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước; công tác cán bộ, chính sách tiền lương; cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu nhà nước. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty khu vực doanh nghiệp nhà nước không cao và chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Một số doanh nghiệp nhà nước yếu kém, làm ăn thua lỗ, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và hình thành “nhóm lợi ích”, thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong quản lý đất đai và hoạt động đầu tư xây dựng, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước, gây bức xúc cho xã hội. Tiến trình cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra…
Để đẩy mạnh phân cấp quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và hội nhập với thị trường khu vực và toàn cầu, bảo đảm cho các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước hoàn thành tốt sứ mệnh và nhiệm vụ cả về kinh tế, an ninh, chính trị, an sinh xã hội đất nước trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện thể chế quản lý theo hướng:
Thứ nhất, thúc đẩy các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước hoạt động phải theo nguyên tắc thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Đặc biệt, tách bạch nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích, phi lợi nhuận; Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước thống nhất sở hữu các công trình hạ tầng có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; việc lựa chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp nhận quyền khai thác chúng phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, công khai, minh bạch và thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Quan hệ kinh tế, tài chính giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện đầy đủ, minh bạch theo quy định của pháp luật, phù hợp với cơ chế thị trường; Xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội do Nhà nước giao thực hiện theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, lựa chọn cạnh tranh... Hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh khép kín, cục bộ, không minh bạch trong doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là trong các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
Thứ hai, Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp cổ phần thuộc các ngành, lĩnh vực đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; Áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch, đồng thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản. Xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế và khuyến khích áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại một số tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu với quy mô lớn; kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước có tính chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt; thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp. Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chức danh quản lý trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm trách nhiệm đi đôi với quyền hạn. Nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm của thành viên độc lập trong hội đồng quản trị. Tổng giám đốc và các thành viên ban điều hành doanh nghiệp nhà nước do hội đồng thành viên, hội đồng quản trị bổ nhiệm, thuê và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và hợp đồng lao động.
Thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý doanh nghiệp nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh cao trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh. Áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả lao động đối với từng vị trí việc làm để xác định mức độ hoàn thành, năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc, làm cơ sở trả lương, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí và đề bạt cán bộ. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp. Hoàn thiện chế độ kế toán, kiểm toán và hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế.
Thứ ba, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước; Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán về kết quả thanh tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện hệ thống giám sát, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp nhà nước và người đại diện chủ sở hữu cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, đồng bộ về doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp. Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhà nước. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về doanh nghiệp nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp nhà nước.
Thứ tư, trước mắt, tập trung rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai... và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn. Hoàn thiện quy định về việc Nhà nước đặt hàng, lựa chọn cạnh tranh doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội; Tổng kết, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật bảo đảm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ được giao; đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát quyền lực, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được phê duyệt. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty/Chủ tịch Hội đồng quản trị/người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với việc phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án được duyệt. Nâng cao hiệu quả và vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Phân định rõ giữa lãnh đạo quản lý và điều hành doanh nghiệp. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm.