19 tập đoàn, tổng công ty giữ vai trò nòng cốt, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Chiều 29/9/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động 5 năm. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự, phát biểu chỉ đạo cho phương hướng hoạt động thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị |
Dấu ấn “siêu ủy ban”
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) cho biết, Ủy ban được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật. Đến năm 2022, so với thời điểm bắt đầu chuyển về Ủy ban năm 2018, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty tăng 9% và chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước; tổng tài sản hợp nhất tăng 6% và chiếm tỷ lệ khoảng 65% tổng tài sản của oanh nghiệp Nhà nước trong cả nước; doanh thu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty tăng từ 19,4% lên 20% so với GDP của cả nước.
Theo đó, sau 05 năm thành lập, Ủy ban đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty; tổ chức xây dựng bộ máy hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị và quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ.
Đáng chu ý, đến năm 2023, ước tính về thị phần, các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu chiếm khoảng 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất; về khối vận chuyển đạt 126 triệu lượt hành khách, 114,5 triệu tấn hàng hóa.
Trong giai đoạn 2018-2023, Ủy ban đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt 769 nghìn 969 tỷ đồng.
Sau 5 năm, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1 triệu 55 nghìn tỷ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 360 nghìn tỷ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước).
Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng. Năm 2022, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227 nghìn 990 tỷ đồng (năm 2021 đạt 217 nghìn 781 tỷ đồng).
Nói về nhiệm vụ, giải pháp phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Ủy ban đã đề ra loạt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tặng hoa chúc mừng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhân 5 năm thành lập |
Hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; các tập đoàn, tổng công ty có thế mạnh, điều kiện thuận lợi phải phấn đấu vượt kế hoạch được giao để góp phần đạt kết quả cao nhất. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, bám sát ba đột phá chiến lược, ba động lực tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Chủ động đầu tư theo chiến lược, kế hoạch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Đẩy mạnh tiết kiệm trong các khâu sản xuất; nghiên cứu phương án kỹ thuật, công tác cải tiến sử dụng nguyên phụ liệu thay thế phù hợp vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đảm bảo hạ giá thành.
Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - nhìn lại và hướng tới
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhạnh mạnh, giải pháp ưu tiên trong những năm tiếp theo của Ủy ban để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đó là cần tiếp tục hoàn thiện mô hình; giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho phù hợp hơn.
Đồng thời, phát huy vai trò của Ủy ban trong các ngành quan trọng của nền kinh tế, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả hoạt động quản lý vốn Nhà nước
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, mô hình đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, thông qua Ủy ban Quản lý vốn, là một cách làm mới, nhưng đã từng bước chứng tỏ tính đúng đắn trong thực tế. “Sự thành lập của Ủy ban đã nêu bật vai trò chủ đạo, dẫn dắt của Nhà nước tại 19 tập đoàn và 16 ngành kinh tế quan trọng"- Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Trong cơ chế thị trường hiện tại, doanh nghiệp rất cần sự điều chỉnh chính sách nhanh chóng, kịp thời, phù hợp với từng điều kiện cụ thể, theo Phó Thủ tướng.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tạo môi trường để các 19 tập đoàn, tổng công ty tạo ra những tập thể mạnh mẽ, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn cho cơ chế vận hành của doanh nghiệp vốn nhà nước trong cơ chế thị trường.
Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tặng hoa chúc mừng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhân 5 năm thành lập |
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cam kết tạo mọi điều kiện để 19 tập đoàn, tổng công ty tiếp tục kiện toàn, củng cố để chuyển mạnh sang chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đồng thời cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển doanh nghiệp Nhà nước.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tặng cờ thi đua của Chính phủ cho Ủy ban. Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khen thưởng cho các cá nhân, tập thể xuất sắc.