Bộ trưởng Thương Mại Vũ Khoan và bà C. Barshefsky - Đại diện Thương mại Hoa Kỳ tại lễ ký BTA ngày 14/7/2000
CôngThương - Những mốc lịch sử đáng ghi nhớ
Đại thắng mùa Xuân tháng 4/1975 đất nước hoàn toàn thống nhất. Nhưng những năm sau đó là vô vàn khó khăn, thử thách ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc (1979), cấm vận bao vây toàn diện (1979-1989), khối Liên Xô-Đông Âu tan rã (1989-1992)…
Tháng 7/1993, lần đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố bãi bỏ cấm vận các khoản vay song phương, đa phương đối với Việt Nam. Tháng 12/1994, thêm một bước nữa, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Đúng 2 năm sau, tháng 7/1995 Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chính thức tuyên bố “bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao” với Việt Nam, nâng cấp các “Văn phòng đại diện” thành các Đại sứ quán ở Thủ đô hai nước từ tháng 8/1995.
Tiếp đó, tháng 3/1998, Tổng thống B.Clinton quyết định bãi bỏ việc áp dụng “Tu chính án Jackson-Vanik”, mà hàng năm vẫn được Quốc hội Hoa Kỳ sử dụng để “xem xét các quan hệ thương mại bình thường với Việt Nam", tiền đề cho việc Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định dành cho Việt Nam “Qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) vào tháng 1/2007.
Đặc biệt, từ tháng 10/1995 đến giữa năm 1996 đã diễn ra các cuộc gặp gỡ, thảo luận, chuẩn bị cho việc đàm phán, ký hiệp định thương mại đầu tiên giữa hai nước từng là “đối thủ” trong quá khứ. Đáng kể nhất là việc Việt Nam cung cấp thông tin, tài liệu và trả lời hàng ngàn câu hỏi của Hoa Kỳ về luật lệ, cơ chế, chính sách liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ…
Vòng đàm phán đầu tiên giữa hai bên được bắt đầu vào cuối tháng 9/1996 tại Hà Nội, mở đầu cho các vòng tiếp theo lần lượt ở Thủ đô mỗi nước. Vòng cuối cùng (vòng thứ 11) kết thúc tại Washington tháng 7/2000, với việc ký chính thức Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa kỳ (BTA) ngày 14/7/2000. Trước đó, Hiệp định đã được ký tắt và Tổng thống B.Clinton đã long trọng thông báo tại cuộc họp báo ở Vườn hồng - Nhà trắng vào hồi 16h ngày 13/7/2000, cách đây vừa tròn 11 năm. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2001.
Một sự kiện quan trọng trong thời gian này là chuyến thăm của Tổng thống B.Clinton, vị nguyên thủ đầu tiên của Hoa Kỳ đến Việt Nam vào tháng 11/2000, sau 25 năm chấm dứt chiến tranh và sau 5 năm “bình thường hóa” quan hệ hai nước.
Nét đặc biệt của BTA
Trước đó, Việt Nam quen đàm phán hiệp định với đối tác nước ngoài trên cơ sở thuần túy về thương mại, trao đổi hàng hóa. Đàm phán BTA với Hoa Kỳ, lần đầu tiên, Việt Nam đối mặt với một hiệp định thương mại (FTA) toàn diện, không chỉ về hàng hóa mà cả về dịch vụ, cũng như liên quan đến các khía cạnh sở hữu trí tuệ, đầu tư..., toàn bộ nội dung chủ yếu các hiệp định trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo các chuyên gia đàm phán FTA đa phương và song phương, đây có thể coi là một Hiệp định “WTO trừ”, bởi sau này trong đàm phán gia nhập WTO, các đối tác thành viên đều lấy BTA Việt Nam - Hoa Kỳ làm “sàn tối thiểu” cần đạt và đưa ra những đòi hỏi cao hơn. Hơn nữa, khi đàm phán song phương với Việt Nam, trong khuôn khổ WTO, phía Hoa Kỳ cũng đã đưa ra những yêu cầu cao hơn BTA, cả về thương mại hàng hóa (gần chục ngàn dòng thuế, so với vài trăm dòng), cũng như về thương mại dịch vụ (11 ngành với hơn 100 phân ngành, so với chỉ 8 ngành với 65 phân ngành)…
Hoa Kỳ là đối tác song phương “rắn” nhất, chiếm kỷ lục về số phiên đàm phán nhiều nhất (17), kết thúc muộn nhất (tháng 5/2006, chỉ vài tháng trước khi WTO nhất trí kết nạp VN là thành viên thứ 150, tháng 11/2006).
Dù sao, đây cũng có thể coi là “khúc dạo đầu”, là “cuộc tổng tập dượt” cho đàm phán của Việt Nam gia nhập WTO sau này. Đàm phán BTA tuy được bắt đầu từ tháng 1/1995, song giai đoạn “đàm phán thực chất” chỉ được bắt đầu từ Phiên thứ IV, tháng 4/2002, cho đến khi kết thúc vào tháng 11/2006, còn các năm trước đó mới là giai đoạn “minh bạch hóa chính sách".
Một là, về tổ chức Đoàn đàm phán. Có thể nói, trước khi đàm phán FTA này, chúng ta đã tiến hành rất nhiều cuộc đàm phán đa phương, song phương với các đối tác nước ngoài. Nhưng đây là lần đầu tiên ta phải huy động lực lượng khá đông các cán bộ, chuyên gia của hơn 20 cơ quan Nhà nước, các bộ, ngành, trong đó, Bộ Thương mại đóng vai trò kết nối, chịu trách nhiệm chính trong báo cáo, xin chỉ đạo của các cấp lãnh đạo suốt quá trình đàm phán.
Sau này khi đàm phán gia nhập WTO, ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức, phối kết hợp hài hòa, nhịp nhàng trong nội bộ Đoàn đàm phán Chính phủ, cũng như trong quan hệ với các cấp lãnh đạo, các cơ quan, đơn vị trong nước… Ông L.Y.Tu, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc từng phát biểu, đàm phán trong nội bộ để có được sự thống nhất còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với đàm phán với các đối tác thành viên WTO.
Hai là, trong thời gian đàm phán. Từ trước đến nay, không kể đàm phán gia nhập WTO kéo dài gần 12 năm, đàm phán các FTA khác thường chỉ khoảng 2 năm, song đây là lần đầu tiên đàm phán một FTA kéo dài trong 6 năm (1995-2000), với 11 vòng chính thức và nhiều cuộc thảo luận, tham vấn “không chính thức” khác.
Ba là, sự trưởng thành vượt bậc của các nhà đàm phán Việt Nam. Qua các cuộc đàm phán, qua những đánh giá thực tâm từ phía “đối phương” mới thấy một cách đầy đủ, đúng đắn nhất tài thao lược của các nhà đàm phán như các nguyên Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan, Trương Đình Tuyển, nguyên Trợ lý Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán Nguyễn Đình Lương… Cũng cần nói thêm, về phía đối tác Hoa Kỳ, nhiều thành viên cũng đã “trưởng thành” từ quá trình đàm phán đầy cam go này với Việt Nam.
Bốn là, tác động tích cực trên nhiều phương diện của Hiệp định BTA. Năm 2000, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ mới chỉ là 451 triệu USD, đến năm 2010 đã lên tới gần 17,9 tỷ USD, gấp tới gần 40 lần. Trong đó, Việt Nam đã xuất khẩu 14,2 tỷ USD và NK hơn 3,7 tỷ USD, xuất siêu tới 10,45 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam liên tục xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ. Nếu cộng dồn số liệu 6 năm từ 2005 đến 2010, Việt Nam đã XK khoảng 61,24 tỷ USD (chiếm tới từ 18,3-20,8% tổng kim ngạch XK hàng năm của cả nước), NK 12,90 tỷ USD (chỉ chiếm từ 2,2-4,4% tổng kim ngạch NK cả nước) và xuất siêu tới 48,34 tỷ USD, tính trung bình đạt khoảng 8,4 tỷ USD/năm.
Những năm gần đây, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam, kể cả trực tiếp và gián tiếp. Năm 2009 - 34 năm sau chiến tranh, đã có hơn 350 ngàn khách du lịch Hoa Kỳ tới VN, trong đó có không ít cựu quân nhân, những người Hoa Kỳ gốc Việt đã ra đi kể từ sau 30/4/1975.
Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, Hiệp định Thương mại BTA, đã góp phần giúp VN liên tục trong nhiều năm xuất siêu sang Hoa Kỳ - một “hiện tượng” đáng được ghi nhận. Điều mà không phải nhiều hiệp định đa phương, song phương khác cũng làm được. Ý nghĩa thực tiễn và bài học lớn nhất, phải chăng cần được rút ra từ đây...?