Thứ tư 27/11/2024 08:42

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 3: Khơi thông nguồn lực phát triển

Quần thể danh thắng Tràng An được xem là nguồn lực phát triển du lịch của Ninh Bình, nhưng ngành kinh tế xanh này vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Nhận diện điểm nghẽn phát triển kinh tế xanh

Với bề dày lịch sử, Ninh Bình đang lưu giữ hệ thống di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Địa phương này coi đây chính là tiềm năng sẵn có để đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình du lịch. Vì vậy, trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình đều có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực đã có, trong đó du lịch luôn được xác định là lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, năm 2001, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 3 ngày 18/12/2001 về phát triển du lịch đến năm 2010. Đây được coi là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển du lịch, trong đó xác định chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh", chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch.

Ninh Bình chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh", chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch. Ảnh: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Đặc biệt, kể từ khi được vinh danh di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong tỉnh, khẳng định được vị trí du lịch Ninh Bình trên bản đồ thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, theo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh chung của quá trình phát triển ngành kinh tế xanh này của địa phương vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Tài – CEO VietSense Travel cho rằng, dù đã có bước phát triển đột phá, xong so với một điểm đến toàn cầu, du lịch Ninh Bình vẫn còn nhiều điểm hạn chế, như: Việc phân luồng, kết nối tour tuyến từ TP Ninh Bình đến các di sản chưa thuận tiện. Tại khu di sản Tràng An mùa cao điểm khách du lịch thường chật chội; hệ thống dịch vụ ăn uống lưu trú… tồn tại nhiều vấn đề; cơ sở lưu trú nguồn cung chưa đủ so với nhu cầu; thiếu các dịch vụ giải trí để móc hầu bao và khiến du khách chi tiêu nhiều hơn.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Văn Tài, hiện hệ thống dịch vụ du lịch Ninh Bình phát triển chậm so với tốc độ phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình, trong khi đáng lẽ dịch vụ phải đi trước thương hiệu. Mặt khác, hệ thống nhà hàng, khu vui chơi giải trí trung tâm mua sắm sản phẩm OCOP còn hạn chế; đặc biệt chưa có show thực cảnh trong khi địa phương sỡ hữu kho tàng các giá trị văn hóa rất phong phú. Vì vậy, “Du lịch Ninh Bình chưa mang lại cảm giác phải đến, và cảm nhận rõ nét sự thú vị từ du khách”- ông Tài chia sẻ.

Đến nay, dù lượng khách đến với Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch (AIT) – ông Phạm Hải Quỳnh cũng chỉ ra rằng, chất lượng dịch vụ du lịch vẫn chưa đồng đều, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Ninh Bình có nhiều điểm đến hấp dẫn, nhưng sản phẩm du lịch còn thiếu đa dạng, chủ yếu tập trung vào các tour tham quan Tràng An và Tam Cốc, chưa phát triển các tour trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, hay sinh thái. Việc thiếu liên kết giữa các điểm du lịch trong khu vực cũng dẫn đến việc du khách không thể trải nghiệm hết những gì Ninh Bình có thể cung cấp.

Ninh Bình có nhiều điểm đến hấp dẫn, nhưng sản phẩm du lịch còn chưa đa dạng, thiếu liên kết. Ảnh: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Một trong các nguyên nhân khiến cho du lịch chưa phát triển xứng tầm tiềm năng, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình - Nguyễn Cao Tấn là do thiếu cơ chế chính sách quy định quản lý di sản hỗn hợp thế giới, quản lý đất đai, xây dựng; chưa có các cơ chế chính sách đặc thù, riêng có của Trung ương cũng như địa phương nhằm giải quyết mâu thuẫn, xung đột giữa bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản với giải quyết sinh kế người dân trong khu vực vùng di sản, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ngoài ra, ở một vài nơi còn tình trạng xâm hại, làm sai lệch di sản; vấn đề khai thác các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn giữ được bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc và địa phương còn gặp khó khăn; tình trạng thương mại hóa quá mức, làm mất đi giá trị gốc của di sản, di tích. “Ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên thiếu các sản phẩm dịch vụ du lịch đa dạng, khác biệt, đẳng cấp theo định hướng công nghiệp văn hóa để khẳng định vị thế, tính chất trung tâm du lịch quốc gia, giá trị toàn cầu của di sản. Chưa phát huy đầy đủ nền tảng Cố đô Hoa Lư, vị trí địa lý, các giá trị độc đáo, khác biệt về tự nhiên, văn hóa, xã hội, con người”- theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.

Chú trọng bảo tồn, giảm tác động tiêu cực đến di sản

Ninh Bình định hướng phát triển trở thành Trung tâm du lịch quốc gia, trong đó công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản là trọng tâm để xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phục vụ sự phát triển của cộng đồng cư dân địa phương và của đất nước. Như vậy, để thực hiện mục tiêu này, việc tháo gỡ sớm các hạn chế đang hết sức quan trọng đối với địa phương.

Cộng đồng dân cư là "hạt nhân" trong bảo tồn và phát huy di sản. Ảnh: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Hiến kế cho phát triển kinh tế xanh Ninh Bình, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, Ninh Bình cần khắc phục những điểm nghẽn nêu trên thông qua việc cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, và tăng cường ý thức bảo vệ môi trường. Sự phối hợp giữa chính quyền, cộng đồng và doanh nghiệp là rất cần thiết để góp phần xây dựng một ngành du lịch bền vững và hiệu quả. Trong đó, địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp du lịch áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu chất thải và tối ưu hóa tài nguyên, từ đó tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường.

Còn theo CEO VietSense Travel - ông Nguyễn Văn Tài, địa phương cần phải cải thiện các bất cập, thu hút nhà đầu tư, kích thích người làm du lịch chuyên nghiệp, bài bản. Đặc biệt, để giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đối với di sản, đòi hỏi phải có cách làm du lịch chuyên nghiệp từ khâu quản lý, tuyên truyền nhận thức về du lịch bền vững tới du khách qua bộ tiêu chí, ứng xử ở các điểm di sản. “Và để làm được điều này, cách hiệu quả chính là kết nối các doanh nghiệp lữ hành. Thông qua doanh nghiệp, họ sẽ hướng dẫn du khách thực hiện theo bộ tiêu chí tới du khách trước chuyến đi, có hệ thống quan sát, đôn đốc trong quá trình du khách tham quan”- ông Tài cho hay.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Tài, thời gian cũng khiến cho cảnh quan bị xuống cấp, do đó cần hỗ trợ phục hồi, hoàn trả cho thiên nhiên những gì đã mang lại cộng đồng. Do vậy, chính quyền địa phương cần cân đối nguồn thu từ du khách để phục vụ công tác bảo tồn di sản cũng như bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Tràng An cần có quy hoạch theo lộ trình, để sớm trở thành khu du lịch có tầm vóc. Ảnh: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Chia sẻ thêm với Báo Công Thương, nhấn mạnh Tràng An là bộ phận không thể tách rời, đóng góp quan trọng cho kinh tế, xã hội của Ninh Bình, ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia nêu khuyến nghị, thời gian tới, đối với di sản có tầm vóc như Tràng An cần có quy hoạch theo lộ trình, để sớm trở thành khu du lịch có tầm vóc. “Về sản phẩm du lịch, ngoài du lịch di sản, cần thúc đẩy thúc đẩy sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa địa phương, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo) để bổ trợ, phát huy được các giá trị của di sản”- ông Siêu nêu ý kiến.

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu cam kết

Trong tương lai, tỉnh Ninh Bình xác định, di sản Tràng An có vai trò hết sức quan trọng để xây dựng Ninh Bình trở thành “Đô thị Di sản thiên niên kỷ” và kết nối với các thành phố di sản khác trên thế giới. Vì vậy, ông Nguyễn Cao Tấn – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, với ý thức, trách nhiệm trước một di sản vô giá của quốc gia và của nhân loại, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để thực hiện cam kết với mục tiêu cao nhất là quản lý, bảo tồn và giữ gìn khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trao truyền nguyên vẹn cho các thế hệ mai sau, đồng thời phát huy bền vững và khai thác hiệu quả các giá trị của khu di sản phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Di sản Tràng An có vai trò hết sức quan trọng để xây dựng Ninh Bình trở thành “Đô thị Di sản thiên niên kỷ” và kết nối với các thành phố di sản khác trên thế giới. Ảnh: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Nguyễn Cao Tấn nêu một số vấn đề Ninh Bình cần triển khai, đó là cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển hạ tầng du lịch, bảo tồn di sản và đảm bảo sinh kế cho người dân để hướng tới xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư, cụ thể như sau: Thực hiện đánh giá tác động di sản, tác động môi trường chiến lược, sức tải của di sản trước khi có các quy hoạch, công trình xây mới. Đảm bảo phát triển hạ tầng mà vẫn tôn trọng, gìn giữ, phát huy được các giá trị riêng có về văn hóa, lịch sử, đặc biệt là các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, đảm bảo tính chân xác của di sản.

Trong quy hoạch chung cần phải lồng ghép các nội dung liên quan tới quy hoạch điểm dân cư trong vùng đệm, vùng lõi di sản - làm cơ sở quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý di sản và quy hoạch xây dựng, hình thành khu, điểm du lịch cộng đồng. Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình xác định con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển bền vững, tăng cường sinh kế bền vững cho người dân trong vùng Đô thị Cố đô - Di sản. Bên cạnh việc tạo điều kiện, khuyến khích cộng đồng vận dụng những kinh nghiệm, tri thức truyền thống mà họ tích lũy được trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản.

Đồng thời, theo ông Nguyễn Cao Tấn đó là tạo cơ chế, quyền lợi phù hợp để phát triển mô hình hợp tác công - tư, hướng tới xây dựng trở thành mô hình mẫu về hợp tác công - tư trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch văn hóa, không gian sáng tạo với quy hoạch mang tầm nhìn xa bao gồm tổng hòa giữa mặt nước, cây xanh, sinh thái là điều kiện, là một trong những tiêu chí để Ninh Bình xây dựng đô thị/thành phố di sản trực thuộc Trung ương.

Ninh Bình cần trú trọng trong việc tạo cơ chế cho xây dựng, phát triển cả hạ tầng giao thông kết nối các không gian văn hóa, các khu điểm du lịch. Ảnh: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Ngoài ra, cần cơ chế cho xây dựng, phát triển cả hạ tầng giao thông kết nối các không gian văn hóa, các khu điểm du lịch; phát triển hạ tầng giao thông đường thuỷ, hình thành các sản phẩm du lịch, các tour, chuyến du lịch đường thuỷ tái hiện các giá trị văn hóa như tại các sông Hoàng Long, sông Vân Sàng, sông Đáy, sông Sào Khê… Tiếp tục khẳng định vị trí của Cố đô Hoa Lư: Núi là thành, sông là đường đi, hang động là cung điện. Cơ chế phát triển kinh tế ban đêm, cơ chế ưu đãi thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, tổ hợp nhà hàng, cơ sở lưu trú…

Bên cạnh đó, trên cơ sở các giá trị nổi bật của Quần thể danh thắng Tràng An, nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị của di sản, tạo nên đặc trưng của đô thị cố đô di sản thiên niên kỷ Hoa Lư, Ninh Bình cũng kỳ vọng có những quy định được điều chỉnh để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tham gia vào công tác bảo tồn di sản.

Đối với các di sản có giá trị lớn, mang tính đặc thù của địa phương như Quần thể danh thắng Tràng An, chúng tôi kỳ vọng được trao quyền tự chủ cao hơn trong việc quản lý và khai thác. Điều này giúp địa phương linh hoạt trong việc áp dụng các giải pháp phù hợp, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh và khai thác bền vững nguồn lực di sản”- ông Nguyễn Cao Tấn nêu kiến nghị.

Trước tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa và thách thức của biến đổi khí hậu, cùng các vấn đề xã hội khác, Ninh Bình luôn xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng các tiềm năng, thế mạnh, giá trị nổi trội, riêng có của tỉnh, nhất là về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO.

Bài 4: Hướng tới “trái tim” đô thị di sản thiên niên kỷ

Hoa Quỳnh - Quốc Huy
Bài viết cùng chủ đề: UNESCO

Tin cùng chuyên mục

Lai Châu: Khai mạc Lễ hội PuTaLeng “Về miền Đỗ Quyên”

Xúc tiến, liên kết phát triển du lịch Đà Nẵng - Lai Châu

TP. Hồ Chí Minh: Đón hơn 39,3 triệu lượt khách du lịch, thu gần 174.000 tỷ đồng

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới-Bài 2: Cộng đồng 'hạt nhân' bảo tồn di sản

Sôi động các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Quảng Ninh

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 1: Lực đẩy kinh tế Ninh Bình

Tàu biển tuyến Bắc Hải (Trung Quốc) - Hạ Long tiếp tục đưa 400 du khách đến với Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Du lịch âm nhạc 'hút' khách

Làng rau Trà Quế - Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2024

Tiếp cận thị trường, thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam

Thêm đường bay thẳng từ Singapore: Phú Quốc ngày càng hấp dẫn với khách quốc tế và chuyên gia nước ngoài

Lai Châu: Sắp diễn ra Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường “Về miền đỗ quyên”

Quảng Ninh và hành trình khôi phục du lịch 'thần tốc' dịp cuối năm

Thành phố Đà Lạt ‘chạy nước rút’ chỉnh trang đô thị, chào mừng Festival Hoa lần thứ X – năm 2024

Nhiều vấn đề cần cải thiện để ngành Du lịch tỉnh Khánh Hoà phát triển

Lào Cai: Sắp diễn ra Festival Bắc Hà 'Nghiêng say mùa Đông'

Ninh Bình lên kế hoạch đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán 2025

Hoàng Kim Group ra mắt mảng dịch vụ du lịch gia đình

Bay dù lượn: Cần được kiểm soát chặt, phòng tránh các rủi ro

Du khách nô nức ‘check-in’ thiên đường hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya, Gia Lai