Thứ hai 23/12/2024 03:36

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới-Bài 2: Cộng đồng 'hạt nhân' bảo tồn di sản

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới đã thực sự là của cộng đồng và cộng đồng là 'hạt nhân' bảo tồn di sản, hưởng lợi từ di sản.

Cộng đồng - trung tâm bảo tồn di sản

Có mặt tại Tràng An (tỉnh Ninh Bình) vào cao điểm khách quốc tế, đứng trước nơi được ví như vùng đất "thần tiên chốn hạ giới", chúng tôi cũng như những du khách khác đều cảm thấy rất đỗi nhẹ nhàng, bình an.

Háo hức mua vé và tập trung tại bến thuyền Tràng An để chuẩn bị cho một hành trình khoảng 1,5 - 3 giờ đồng hồ chiêm ngưỡng, khám phá di sản, tuy nhiên, một cơn mưa rào bất chợt đến khiến hành trình bị trì hoãn so với kế hoạch. Tranh thủ thời gian chuyến đò bị “delay”, chúng tôi đã có cơ hội được trò chuyện với các lái đò - những “đại sứ” du lịch của Tràng An.

Người lái đò - những “đại sứ” du lịch của Tràng An. Ảnh: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Sinh ra trong gia đình thuần nông tại xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tuổi thơ gắn với vùng sông nước nên từ nhỏ, chị Đinh Thị Cúc (sinh năm 1975, tại xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) đã biết bơi lội, chèo đò. Năm 2009, chị Cúc đã xin làm lái đò tại khu du lịch Tràng An, thời điểm đó, thu nhập trung bình của chị đã là 5-6 triệu đồng/tháng. “Đây là một khoản thu nhập lớn so với làm nông, chị có thêm điều kiện để chăm lo cho gia đình, công việc lái đò lại đỡ vất vả hơn” - chị Cúc chia sẻ.

Còn với bà Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1960), một trong những người chèo đò lâu năm nhất tại bến Trang An, dù hiện không được nhanh nhẹn như thanh niên nhưng bà vẫn có công việc ổn định, thu nhập đều đặn, được đóng bảo hiểm cũng như hưởng các chế độ an sinh. Vì thế, bà mong du lịch địa phương ngày càng phát triển, được quảng bá thật nhiều để có thêm du khách, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Theo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, số lao động trực tiếp tại Di sản Tràng An hiện có hơn 10.000 người, số lao động gián tiếp là hơn 20.000 người, với mức thu nhập ngày càng ổn định. Trong số 10.000 lao động trực tiếp kể trên, không thể không nhắc đến khoảng 2.000 người lái đò. Nhiều trường hợp cả vợ, chồng cùng làm lái đò. Hiện nay, những người lái đò ở Tràng An được đánh giá là không kém gì một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, họ đã làm cho hành trình của du khách thêm thú vị, khó quên bởi sự chân tình, cởi mở và mến khách.

Bên cạnh công việc chèo đò kiêm hướng dẫn viên du lịch, những lái đò như chị Đinh Thị Cúc, bà Nguyễn Thị Huệ cùng những người lái đò tại Tràng An luôn tuyên truyền, vận động mọi người không vứt rác bừa bãi, không tàn phá thiên nhiên, làm hư hại di sản và thực hiện tốt nếp sống văn minh. Những người lái đò ở đây luôn quan niệm rằng, lái đò không chỉ là công việc, mà đó còn là sứ mệnh; sứ mệnh bảo vệ, bảo tồn di sản và phát triển bền vững giá trị của di sản.

Cộng đồng cùng chung tay làm sạch môi trường, bảo tồn di sản. Ảnh: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Sau 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An ghi danh là di sản thế giới, chia sẻ với Báo Công Thương, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (AIT) - chỉ rõ, cộng đồng địa phương đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bởi, cộng đồng là những người trực tiếp sinh sống và gắn bó với di sản. Họ nắm giữ kiến thức, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa mà họ đã gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Ngoài ra, theo ông Phạm Hải Quỳnh, cộng đồng đã tham gia các hoạt động quản lý di sản thông qua hội nhóm bảo tồn, cung cấp thông tin và ý kiến về những vấn đề liên quan đến di sản. Họ cũng là những người đầu tiên phát hiện và báo cáo các vấn đề môi trường, văn hóa cần được xử lý. Việc tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch đã tạo ra cơ hội giao lưu, kết nối giữa các thành viên trong cộng đồng và giữa cộng đồng với khách du lịch, làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Vì vậy, cộng đồng chính là hạt nhân của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tràng An”- ông Quỳnh đánh giá.

Nêu bật thêm vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tràng An với Báo Công Thương, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - cũng nhấn mạnh, cộng đồng địa phương là những chủ nhân của vùng đất, là bộ phận không thể tách rời di sản. Vì vậ,y cộng đồng “sống chết” với di sản, họ bảo tồn và hưởng lợi từ di sản. Đặc biệt, khi cộng đồng nâng niu, tự hào về các giá trị của di sản, có sự gắn bó với di sản, họ đã biến di sản thành sức hút từ hiếu khách, lối sống và văn hoá. “Cộng đồng làm cho di sản thăng hoa, vượt tầm giá trị và họ là chủ thể thúc đẩy phát triển kinh tế di sản bền vững” - ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Mô hình mẫu mực, tiêu biểu phát triển du lịch bền vững

Những thành tựu đạt được sau 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản thế giới đã tạo nên giá trị cốt lõi cho thương hiệu điểm đến du lịch của tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, di sản Tràng An đã được UNESCO đánh giá là hình mẫu trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, trở thành biểu tượng, nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy khát vọng vươn lên của các thế hệ người dân tỉnh Ninh Bình.

Cộng đồng được sống trong di sản, gìn giữ, bảo vệ và hưởng lợi từ di sản. Nhờ vậy, nhận thức của cộng đồng được nâng cao, giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường di sản. Ảnh: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Nhận định về những thành tựu này với Báo Công Thương, ông Nguyễn Cao Tấn - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình - khẳng định là nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển bền vững. Thời gian qua, theo ông Nguyễn Cao Tấn, các yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới được Ninh Bình thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm.

Cùng với đó, ông Nguyễn Cao Tấn cho hay, các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được tôn trọng và gìn giữ, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của di sản được nâng lên rõ rệt. Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; xúc tiến, quảng bá, diễn giải các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch thường xuyên được đổi mới. “Đây là những giải pháp, hành động cụ thể, là cam kết mạnh mẽ của tỉnh Ninh Bình nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực và các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản” - ông Nguyễn Cao Tấn nhấn mạnh.

Đặc biệt, ngay sau khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, ngoài công tác quản lý nhà nước, định hướng về quy hoạch, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị của di sản, Ninh Bình luôn coi cộng đồng là yếu tố quan trọng, trung tâm trong việc bảo vệ di sản. Với định hướng đó, theo lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình, các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương luôn tích cực tuyên truyền, đào tạo và hỗ trợ người dân địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ di sản và kỹ năng nghề nghiệp liên quan đến kinh doanh dịch vụ du lịch “Cộng đồng được sống trong di sản, gìn giữ, bảo vệ và hưởng lợi từ di sản. Nhờ vậy, nhận thức của cộng đồng được nâng cao, giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường di sản” - ông Tấn cho hay.

Nhờ có sự phát triển của Tràng An, cộng đồng dân cư sinh sống trong di sản đã có công việc ổn định, thu nhập cao, góp phần nâng cao đời sống. Ảnh: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Bên cạnh đó, để phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thời gian qua, ông Nguyễn Cao Tấn cho biết, Ninh Bình đã vận dụng linh hoạt mô hình hợp tác công - tư, để đảm bảo lợi ích hài hoà giữa chính quyền - doanh nghiệp và cộng đồng. Theo đó, hợp tác công - tư không chỉ đơn thuần là huy động nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, nguồn lực văn hóa, xã hội, tài nguyên tự nhiên, kinh nghiệm quản trị, mà cao hơn là cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy di sản gắn với bảo tồn bền vững, lâu dài, có khả năng thích ứng và hướng tới tăng trưởng xanh.

Các doanh nghiệp du lịch lớn tại Ninh Bình không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn đóng góp công sức trong việc nghiên cứu khoa học, xúc tiến, quảng bá, tổ chức sự kiện và nâng cấp hạ tầng du lịch. Điều này giúp tăng tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ cũng như trải nghiệm du lịch cho du khách” - ông Nguyễn Cao Tấn nói.

Tại lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tháng 6/2024, ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình - đã nêu rõ, các giá trị của di sản đến được với mọi người dân, đem lại giá trị tinh thần, gắn kết xã hội, duy trì sinh kế truyền thống và tạo sinh kế mới, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Di sản Tràng An đã thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ, gìn giữ và hưởng lợi từ di sản.

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 - bà Simona Mirela Miculescu cũng đã khẳng định: Nhờ cách tiếp cận đa bên và hợp tác sáng tạo, Tràng An đã trở thành một hình mẫu trong bối cảnh năng động về phát triển bền vững - mô hình nơi các cộng đồng địa phương không chỉ đơn thuần là người hưởng lợi, mà còn là nhân vật chính trong câu chuyện cân đối hài hòa giữa du lịch bền vững và bảo tồn di sản.

Bài 3: Khơi thông nguồn lực phát triển

Hoa Quỳnh - Quốc Huy
Bài viết cùng chủ đề: Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái: Sắp diễn ra Festival khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ dày tại huyện Mù Cang Chải

Du khách Mỹ: Tôi cảm thấy như ở nhà khi đón Giáng sinh tại Hà Nội

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khảo sát các sản phẩm du lịch của đồng bào dân tộc tại Hà Giang

Đà Nẵng: Hàng nghìn du khách bạn trẻ hào hứng cùng thắp sáng Cây thông Ánh sáng

Lần đầu triển khai chiến dịch Đà Nẵng Food Tour với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn

Du lịch Đà Nẵng 2024 phá kỷ lục, tăng trưởng vượt kỳ vọng

Làng rau Trà Quế được công nhận 'Làng Du lịch tốt nhất năm 2024'

Chính thức khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất

Du lịch Sầm Sơn đặt mục tiêu đón 9,68 triệu lượt khách năm 2025, doanh thu 21 nghìn tỷ đồng

Du lịch xanh bắt đầu từ hành động của mỗi doanh nghiệp

Du lịch Quảng Bình vượt con số 5 triệu lượt khách trong năm 2024

Đà Lạt đẹp lung linh và huyền ảo bởi lễ hội carnaval đường phố "Hoa và Di sản"

Hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng năm 2024

Tuần lễ du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu 2024 có gì đặc sắc?

Có gì hấp dẫn trong lễ hội hoa hướng dương mang phong cách Cowboy lớn nhất năm tại Van Phuc City?

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình dự Lễ khai mạc Festival hoa Đà Lạt năm 2024

Tuần lễ Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2024 có gì mới và đặc sắc?

Cát Bà chọn đúng nhà đầu tư tâm huyết phát triển du lịch bền vững

Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn: Cơ hội ‘vàng’ quảng bá du lịch Việt Nam

Săn đồ cũ trở thành xu hướng du lịch của người Việt năm 2025