1 năm thực thi hiệp định EVFTA: Việt Nam cần tận dụng ưu thế “người đi trước”
Báo cáo “Đánh giá một năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Tác động đến kinh tế Việt Nam và sự thay đổi chính sách”, của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố tại Hà Nội, đã cung cấp một cái nhìn đa chiều trong đó nhấn mạnh năm đầu tiên khi EVFTA có hiệu lực cho thấy Việt Nam còn nhiều việc phải làm hơn là quá “ngủ yên” với những “quả ngọt” do bản hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này mang lại.
Báo cáo của VEPR nhìn nhận một thực tế là chi phí thương mại của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN. Các biện pháp phi thuế quan và thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và gây cản trở cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.
Đặc biệt, báo cáo của VEPR lưu ý, mặc dù Việt Nam đang là nước dẫn đầu trong thương mại hai chiều với EU, có thể coi như một cửa ngõ (gateway) của EU vào Đông Nam Á và có thể là cả Trung Quốc, nhưng EU cũng đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippine và Indonesia.
“Đây đều là các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang khu vực EU. Do đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của người đi trước để duy trì và phát huy lợi thế sẵn có trong quan hệ thương mại với EU so với các khu vực”- báo cáo của VEPR viết.
Tuy nhiên, “cần ý thức một thực tế rằng, cải cách của Việt Nam nhằm đáp ứng đòi hỏi của EVFTA sẽ ngày càng khó và chậm hơn, trong khi đó lợi thế tương đối của hiệp định này cho Việt Nam đối với các nước trong khu vực sẽ ngày càng giảm đi nhanh hơn”.
Một trong những thách thức lớn nhất của EVFTA đối với kinh tế Việt Nam tới đây là EU trước sau rồi cũng sẽ đúc kết FTA với các nước trong khu vực ASEAN. Bởi vậy, câu chuyện hoá giải những thách thức dù muốn hay không Việt Nam vẫn phải tiến hành bởi nếu làm tốt sẽ là một mũi tên trúng hai đích: vừa tận dụng tối đa cơ hội của EVFTA, vừa tạo thêm động lực góp phần nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phân tích sâu hơn câu chuyện này, TS. Lê Quốc Phương- nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, câu chuyện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng sau năm đầu tiên EVFTA có hiệu lực “không quan trọng” bằng chất lượng của kim ngạch đó.
Nói khác đi, câu chuyện ở đây là nếu phân tích giá trị gia tăng mà Việt Nam có được thì chắc chắc đó hãy còn là khiêm tốn. “Việt Nam hiện xếp thứ 31/240 các nền kinh tế về vị thế xuất khẩu thì điều cần quan tâm hơn là Việt Nam phải là cường quốc về chất lượng xuất khẩu”- TS. Phương nói.
Để làm được điều này, theo ông Phương, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách dài hạn. Công nghiệp hỗ trợ không chỉ là chuyện chế tạo linh phụ kiện mà còn cả chuyện chế biến nông sản.
Phân tích một khía cạnh còn ít được quan tâm sau 1 năm thực thi EVFTA, TS. Vũ Thanh Hương, Đại học Kinh tế thuộc Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng: phòng vệ thương mại dù muốn hay không cũng sẽ gia tăng những năm tới đây của EVFTA. Theo nữ chuyên gia này, những gì được gọi là “quả ngọt” trong năm đầu tiên của EVFTA phần lớn mới chỉ là quả dưới gốc trong khi quả trên cây còn chưa hái được. Xuất khẩu của Việt Nam tuy có tăng song chủ yếu tập trung ở thương mại hàng hoá.
“Việt Nam cần lấp lỗ hổng về sở hữu trí tuệ để phát triển thương mại dịch vụ cũng như phát triển những hình thức thương mại mới”- TS. Hương nhìn nhận.
Ở góc độ người trong cuộc ông, Frauke Schmitz Bauerdick - Giám đốc Cục xúc tiến thương mại và Đầu tư Đức tại Việt Nam nêu quan điểm: EU là một đối tác lớn hơn ở trong Hiệp định EVFTA so với Việt Nam, chính vì thế, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là không nhỏ.
Vị chuyên gia này gợi ý, Việt Nam nên “khoanh vùng" lại những thách thức đang đặt ra do EVFTA mang lại, đặc biệt là các hiểu biết của doanh nghiệp về EVFTA. Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách cần “đẩy mạnh hơn nữa việc công bố và chia sẻ thông tin với cộng đồng, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp họ có thể khai thác được tối đa hiệp định này”- ông Frauke Schmitz Bauerdick nói.
Ở góc độ của mình, TS. Nguyễn Thường Lạng- Đại học Kinh tế quốc dân, có một nhận xét đáng chú ý là trong khi EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì cách thức tiếp cận rồi tận dụng hiệp định này của doanh nghiệp Việt Nam có cái gì đó không ổn, đó vẫn là những phương cách cũ.
Điều mà TS. Lạng băn khoăn là trong 3 trạng thái cơ bản của thương mại: thương mại bổ sung – thương mại cạnh tranh – thương mại điện tử thì dường như có điều “hơi buồn” là doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn quá mê mải với trạng thái đầu tiên.
“Việt Nam cứ mãi bằng lòng với trạng thái bổ sung thì không biết bao giờ mới "ngoi" lên được, mới cải thiện được trạng thái của mình”- ông Lạng băn khoăn. Ngay cả những mặt hàng mũi nhọn của Việt Nam- trên thực tế lại có kim ngạch giảm trong năm đầu tiên EVFTA có hiệu lực- cũng cần được xem kỹ là có phải thế mạnh thật không, có bền vững hay không.