Thứ năm 26/12/2024 23:25

Xung đột Nga-Ukraine: Tìm kiếm ‘lối thoát’ cho thế giới

Ngoài Hội nghị hòa bình Ukraine, giới quan sát cho rằng vẫn còn những con đường khả thi hơn để tìm hòa bình cho Ukraine.

Theo tạp chí National Interests, việc tìm kiếm hòa bình cho xung đột ở Ukraine vào thời điểm hiện tại là rất khó vì cả 2 bên vẫn giữ quan điểm, lập trường cứng rắn. Tuy nhiên, vẫn có một số giải pháp khả thi để thúc đẩy hai bên đàm phán và chấm dứt xung đột.

Các bên đều có quan điểm riêng

Mặc dù Ukraine có thể không có năng lực quân sự để đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ, nhưng nước này đã đạt được một số thành tựu quân sự trong việc giải phóng các khu vực từng bị Nga kiểm soát. Giờ đây, họ có nhiều vũ khí hơn, bao gồm cả vũ khí có khả năng tấn công lãnh thổ Nga và được các đồng minh “bật đèn xanh” để triển khai những vũ khí đó. Ngoài ra, Kiev cũng tăng cường sản xuất vũ khí trong nước và có các cam kết kinh tế cũng như an ninh với một số quốc gia, trong đó có Mỹ. Ukraine, với sự hỗ trợ từ các đối tác, có thể tiếp tục cuộc chiến trong tương lai gần.

Dù chuẩn bị bước sang năm thứ ba, song cuộc xung đột Nga-Ukraine chẳng những chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm” mà thậm chí ngày càng bế tắc và có nguy cơ trở thành cuộc chiến kéo dài. Ảnh: Sputnik

Trong khi đó, Nga có những lợi thế quan trọng trong cuộc chiến, nhưng đối với họ, cái giá phải trả cho cuộc xung đột đang diễn ra cũng lớn. Thiết bị bay không người lái của Ukraine đã tấn công cơ sở hạ tầng của Nga. Chiến sự cũng đã gây tổn hại đến mối quan hệ của Nga với phần lớn cộng đồng quốc tế và cái giá phải trả cho các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với nước này là rất lớn, bao gồm cả việc Nga mất đi một phần lớn thị trường năng lượng sinh lời trước đây.

Chiến sự cũng đã tăng cường, thay vì làm suy yếu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Liên minh này đã được mở rộng trong 2 năm qua và đang chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Nếu ông Trump tái đắc cử, thì các đồng minh của Mỹ sẽ chịu sức ép phải chi tiêu nhiều hơn nữa. Triển vọng Nga “giành lợi thế” trước Ukraine trong tương lai gần là điều không chắc chắn.

Nga sẽ phải đối mặt với rủi ro đáng kể nữa nếu ông Trump tái đắc cử. Nếu Tổng thống Putin không phản ứng tích cực với sáng kiến hòa bình do Tổng thống Mỹ mới đắc cử đưa ra, thì ông ấy có thể sẽ làm suy yếu triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai nước. Điều này cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường, chẳng hạn như xóa bỏ mọi hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ và gây tổn hại đến lợi ích của Nga ở các khu vực khác.

Điều tương tự cũng xảy ra với Ukraine. Vì sự hỗ trợ của Mỹ về mặt ngoại giao và vật chất là rất quan trọng đối với cuộc xung đột, nên bất cứ điều gì được Mỹ ủng hộ đều sẽ có sức nặng đáng kể. Nếu Tổng thống Zelensky cản trở sáng kiến đàm phán của ông Trump, thì Washington có thể đảo ngược quyết định được Chính quyền ông Biden.

Cần một giải pháp khả thi

Liệu những yếu tố trên có tạo ra cơ hội cho một giải pháp hòa bình hay không? Câu trả lời là “Có”, nhưng việc đó sẽ không dễ dàng và thành công là điều không được đảm bảo. Bất kỳ sáng kiến hòa bình nào cũng sẽ phải giải quyết 4 vấn đề quan trọng và khắc phục một số khác biệt lớn giữa các bên liên quan.

This browser does not support the video element.

Thứ nhất, vấn đề lãnh thổ. Lãnh thổ rõ ràng là vấn đề quan trọng và hai bên có quan điểm rất khác nhau về vấn đề này. Ukraine muốn giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát kể từ năm 2014, trong đó có Crimea và Donbass. Dựa trên đề xuất hòa bình gần đây, Tổng thống Putin công khai yêu cầu Ukraine trao cho Nga nhiều lãnh thổ hơn so với những gì họ đang kiểm soát.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đa số người dân Ukraine (khoảng 83%) phản đối việc rút quân Ukraine khỏi các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, theo yêu cầu của ông Putin.

Tuy nhiên, các phương án mà một số chuyên gia cho rằng khả thi là: Một là, lực lượng Nga rút về các khu vực mà Moscow kiểm soát trước khi bắt đầu cuộc chiến, tức là Crimea cũng như một phần của Donetsk và Luhansk. Hai là, Ukraine đồng ý không sử dụng vũ lực để giải phóng các khu vực này mà chỉ tìm kiếm giải pháp cho tương lai của họ thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình. Ba là, các khu vực còn lại của Ukraine hiện do Nga kiểm soát sẽ được quản lý bởi một cơ quan hành chính được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủy quyền ít nhất trong 10 năm. Bốn là, một cuộc trưng cầu ý dân do quốc tế quản lý sẽ xác định liệu người dân ở những khu vực này chọn trở lại Ukraine, gia nhập Nga hay có một lựa chọn khác.

Thứ hai, bảo đảm an ninh vững chắc cho Ukraine. Câu hỏi chính đáng của giới lãnh đạo Ukraine là khi thỏa thuận đạt được và lệnh ngừng bắn hết hạn, điều gì sẽ ngăn cản ông Putin sau đó ít nhất 2 năm tiến vào các khu vực do Liên Hợp Quốc quản lý và phần còn lại của Ukraine để tiếp tục mục tiêu chinh phục sau khi đã tái tập hợp lực lượng và tăng cường năng lực quân sự? Mối lo ngại này của Ukraine không phải là không có căn cứ.

Trong cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga tại Istanbul vào năm 2022, phương án được xem xét là Ukraine duy trì vĩnh viễn lập trường trung lập và các quốc gia bảo lãnh gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết đảm bảo an ninh.

Kể từ đó, Ukraine đã tìm kiếm tư cách thành viên NATO và sự đảm bảo của liên minh này. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây ở Washington, liên minh này tuyên bố con đường đưa Ukraine gia nhập NATO là không thể đảo ngược.

Trong khi đó, Nga coi tư cách thành viên của Ukraine là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Ukraine và liên minh này có thể sẵn sàng xem xét một số vùng đệm và khoảng cách đã được xác định mà lực lượng chiến đấu của NATO và Nga sẽ duy trì từ biên giới Ukraine-Nga.

Con đường hòa bình cho Ukraine vẫn còn rất dài và gian nan nhưng cần dựa trên cơ sở là Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ảnh: RIA

Tuy nhiên, một phương án khác có thể có sức hút đối với Chính quyền ông Trump trong tương lai là, EU cung cấp đảm bảo bằng cách ký hiệp ước an ninh với Ukraine. Do năng lực an ninh của EU còn hạn chế, nên cam kết đó đối với an ninh Ukraine có thể được bổ sung bằng cam kết của hai cường quốc hạt nhân châu Âu là Pháp và Anh. Nói cách khác, cả hai quốc gia sẽ cam kết coi một cuộc tấn công vào lãnh thổ sau hòa giải của Ukraine là cuộc tấn công vào chính họ và do đó sẽ đáp trả tương ứng.

Ngoài ra còn có lựa chọn là Mỹ và Ukraine ký kết hiệp ước phòng thủ. Năm nay, Mỹ đã ký một thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng, chứ không phải một hiệp ước phòng thủ. Chính quyền ông Biden được cho chưa chuẩn bị sẵn sàng để đi xa đến vậy và với những tuyên bố của cựu Tổng thống Trump, một hiệp ước phòng thủ song phương kiểu đó có lẽ chưa nằm trong kế hoạch.

Thứ ba, tái thiết Ukraine. Ukraine đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Xét tới địa lý và triển vọng Ukraine trở thành thành viên EU, có thể nói châu Âu là đầu tàu cho nỗ lực tái thiết quy mô lớn cần thiết. Mặc dù khu vực tư nhân Mỹ đã thể hiện các dấu hiệu quan tâm, nhưng vấn đề thương lượng then chốt sẽ là sự đóng góp của Nga vào quá trình tái thiết Ukraine, khi xét tới mức độ thiệt hại mà họ gây ra. Một phần tài sản bị phong tỏa của Nga có thể được sử dụng vào việc tái thiết Ukraine và đây được xem là một phần của phương án giải quyết xung đột trong cuộc thảo luận về tương lai của các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: Nga

Tin cùng chuyên mục

Thương mại Nga-Việt Nam tăng mạnh: Cơ hội vàng cho hợp tác công nghiệp song phương

Nga luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân

Bản tin quân sự thế giới ngày 26/12/2024: Ukraine trang bị súng bắn đạn ghém chống UAV cho binh sĩ

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 26/12/2024: Hướng đi mới cho hòa bình ở Ukraine; Moldova vô tình thành tâm điểm

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/12/2024: Nga tập kích tên lửa Ukraine; Velyka Novosilka bị siết chặt

Chiến sự Nga-Ukraine tối 25/12: Nga đối mặt nguy cơ 'chảy máu' thiết giáp; Ukraine thất thủ trên toàn chiến tuyến?

Truyền hình Mỹ: Việt Nam đang hưởng lợi lớn từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI

Rơi máy bay chở khách ở Kazakhstan, chưa rõ thương vong

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 25/12: Nga hé lộ thời gian Kurakhovo thất thủ; phòng tuyến Ukraine bên bờ sụp đổ

Báo Nga: Sẽ có nhiều 'bất ngờ lớn' trong quá trình đàm phán hòa bình Nga - Ukraine

Châu Âu rút khí đốt dự trữ với tốc độ chưa từng thấy

Chiến sự Nga-Ukraine 25/12/2024: Nga chiếm thế chủ động trên toàn chiến tuyến; hé lộ điều kiện chấm dứt xung đột Ukraine

Bản tin quân sự thế giới ngày 25/12/2024: Tại sao thiết bị siêu vượt âm Avanguard không có đối thủ?

Hé lộ nguyên nhân vụ cháy tại tháp Eiffel

Chiến sự Nga-Ukraine tối 24/12: Nga sắp tấn công vào Orekhov; Ukraine tung đòn hiểm vào “trái tim” phòng thủ Nga

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 24/12/2024: Ukraine liên tục tấn công lãnh thổ Nga; Kursk bị vây hãm

Tàu chở hàng Nga gặp nạn tại Địa Trung Hải, 2 thủy thủ mất tích

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 24/12: Nga dội 'bão lửa' ở Kursk, Ukraine muốn hòa bình vào năm 2025?

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 24/12/2024: Xung đột ở Ukraine sẽ chấm dứt khi Kiev hiểu được nhu cầu hòa bình

Bản tin quân sự thế giới ngày 24/12/2024: Anh phát triển vũ khí năng lượng 'sát thủ UAV'