Xuất khẩu thủy sản chờ cơ hội bứt tốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2 tháng đầu năm nay đạt 1,2 tỷ USD. Sau khi tăng đột phá 64% trong tháng 1, xuất khẩu trong tháng 2 chững lại, vì trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và không khí sản xuất kinh doanh sau Tết cũng kém sôi động hơn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả lũy kế 2 tháng đầu năm vẫn cao hơn 13%. Trong đó, xuất khẩu nghiêng nhiều về thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Xuất khẩu thủy sản, chờ cơ hội bứt tốc |
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ tăng 22%, sang Trung Quốc tăng 44%. Nhật Bản mặc dù là thị trường đứng đầu, nhưng giá trị xuất khẩu sang đây chỉ tăng khiêm tốn hơn 5%. Thị trường lớn thứ 4 là Hàn Quốc cũng chỉ tương đương so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng lưu ý là Australia nằm trong Top 5 thị trường lớn nhất và mang lại kim ngạch cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhiều hơn 18%. Nằm trong Top 8 là Canada với mức tăng mạnh 59% so với cùng kỳ.
Sự bứt phá của tôm chân trắng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang 2 thị trường này. Trong đó, tôm sang Trung Quốc tăng gấp 3 lần, sang Mỹ tăng 16%.
Riêng xuất khẩu tôm hùm trong 2 tháng đầu năm tăng gấp hơn 18 lần, trong đó, thị trường Trung Quốc chi phối 97% và có giá trị xuất khẩu tăng gấp 28 lần so với cùng kỳ.
Ngoài tôm chân trắng, Mỹ còn tăng mạnh nhập khẩu nhiều loài khác của Việt Nam như: cá ngừ tăng 23%, cá tra tăng 25%, tôm sú tăng 115%, ghẹ tăng 70%...
Với chiều hướng tích cực của 2 thị trường chủ đạo, nhiều doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng vượt trội trong 2 tháng qua.
Trong đó, đứng đầu là Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng có doanh số cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 3,3 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đang tăng tốc trở lại với doanh số xuất khẩu của công ty tăng 14% và chiếm gần 2,9% tổng xuất khẩu thủy sản của cả nước. Đứng trong Top 3 còn có Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có kim ngạch xuất khẩu bứt phá cao gấp rưỡi so với cùng kỳ.
Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp tôm, cá tra, cá ngừ có kim ngạch cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, như: Minh Phú Hậu Giang, FIMEX Việt Nam, Công ty TNHH Cá ngừ Việt Nam, Công ty Thuận Phước, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam…
Dù vậy, theo VASEP, thị trường xuất khẩu chưa hẳn hoàn toàn có tín hiệu xanh, vì đâu đó vẫn còn những thách thức, rào cản và sức ép cạnh tranh với các nước khác, như là vấn đề “thẻ vàng” IUU của thị trường EU, thuế chống trợ cấp tại Hoa Kỳ, căng thẳng Biển Đỏ và xung đột thương mại dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn tại Mỹ, Trung Quốc…
Do vậy, doanh nghiệp luôn cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản, song cũng rất cần những cú huých để có thể hồi phục và bứt phá sớm hơn dự kiến. Ví dụ như việc tham gia vào các hội chợ, triển lãm thủy sản quốc tế kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội mở rộng lượng khách hàng và thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam.