Thị trường Trung Quốc giảm mạnh
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, trị giá XK hàng rau, quả đạt 1,76 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trái cây có nhiều lợi thế xuất khẩu |
Trong khi, XK sang Trung Quốc đạt 1,04 tỷ USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019, thì XK sang các thị trường khác lại tăng rất mạnh. Cụ thể, XK hàng rau, quả tới thị trường Hàn Quốc đạt 81,7 triệu USD, tăng 25,2%; Thái Lan đạt 79,4 triệu USD, tăng 234,2%; Nhật Bản đạt 68,2 triệu USD, tăng 13,1%; Đài Loan đạt 43 triệu USD, tăng 86,8%...
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, dù tỷ trọng XK sang các thị trường khác có tăng nhưng chỉ chiếm 40,6% tổng trị giá XK hàng rau, quả; chưa bù đắp được mức giảm từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu khả quan cho mặt hàng rau, quả của Việt Nam.
Thái Lan là thị trường XK hàng rau, quả lớn, nhưng cũng là trung tâm chế biến của khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Thái Lan rất lớn để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến, trong đó có Việt Nam. Một tín hiệu tích cực khác, tháng 6/2020, quả vải thiều của Việt Nam đã được xuất khẩu thành công sang Singapore, Nhật Bản…, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu không chỉ cho vải thiều mà còn nhiều loại rau, quả tươi của Việt Nam sang nhiều thị trường khác trên thế giới.
Vẫn chủ yếu là xuất tươi
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - nhận xét, về chất, trái cây Việt Nam không thua kém Trung Quốc hay Thái Lan, nhưng lại yếu hơn về sản xuất, chế biến và quảng bá tiêu thụ. “Thái Lan đã cách xa Việt Nam một khoảng dài về nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp, chú trọng khâu chế biến trái cây, đa dạng hóa sản phẩm với thời gian bảo quản lâu hơn” - ông Hòa nói. Trong khi đó, cái khó của ngành rau, quả là sản phẩm tươi XK có thời gian bảo quản sau thu hoạch ngắn, trong khi cước vận chuyển bằng đường hàng không thì quá đắt. Việc vận chuyển bằng container bằng đường biển, công tác bảo quản sau thu hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đẩy mạnh sản phẩm chế biến đối với ngành hàng rau, quả Việt rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ từ nhà nước trong việc nghiên cứu chi phí vận chuyển nhanh bằng đường hàng không.
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản - đánh giá, quả vải Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh hơn quả vải từ Trung Quốc về mẫu mã, hương vị nên được người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa chuộng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đa dạng hình thức bán hàng để “ăn sâu, bám rễ” vào thị trường Nhật Bản.
Một vấn đề nữa được các chuyên gia đưa ra đó là, Việt Nam đang tìm kiếm những thị trường XK trái cây mới như Ấn Độ. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho hay, thị trường Ấn Độ còn tương đối dễ tính, với các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật chưa cao, doanh nghiệp Việt hãy coi đây là cơ hội. Hay, EU là thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả tươi, chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau, quả toàn cầu. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Đây sẽ là thế mạnh cho nhà XK từ các quốc gia có khí hậu phù hợp, trong đó có Việt Nam.Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, quy mô rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, họ thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong khu vực chiến lược để có thể cung cấp trái cây và rau, quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm. Tiềm năng XK rau, quả của Việt Nam còn khá lớn, tuy nhiên, tuân thủ các quy định về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường XK là việc phải làm. Việc này sẽ mất nhiều công sức nhưng sẽ được đền đáp xứng đáng về giá trị thu về.
PGS.TS Đào Ngọc Tiến - Chuyên gia Thương mại Quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương): Trong xuất khẩu rau, quả, vấn đề chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc, xuất xứ là yêu cầu quan trọng, đây là yêu cầu tiên quyết khi Việt Nam đã tham gia các FTA thế hệ mới. Đáp ứng được điều này, rau, quả Việt Nam sẽ gia tăng giá trị hơn. |