Cụ thể, tháng 4/2020, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 16,9% so với tháng 4/2019 và giảm 18,9% so với tháng 3/2020; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính đạt gần 1,47 tỷ USD (giảm 14,7%), lâm sản chính khoảng 683 triệu USD (giảm 24,0%), thủy sản đạt 563 triệu USD (giảm 10,8%) và chăn nuôi đạt 41 triệu USD (giảm 27,7%),… Trong đó, giá trị XK quả đạt 312 triệu USD (giảm 22,7%), cá tra đạt 126 triệu USD (giảm 11,2%), tôm đạt 213 triệu USD (giảm 7,9%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 647 triệu USD (giảm 24,0%).
Tính chung 4 tháng, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 11,9 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 5,8 tỷ USD, giảm 4,5%; lâm sản chính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 3,9%; thủy sản ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 10,0%; chăn nuôi ước đạt 150 triệu USD, giảm 23,8%.
Sơ chế chuối xuất khẩu |
Hầu hết các mặt hàng XK đều giảm kim ngạch, trừ cà phê, hạt điều, rau, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre,... Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê đạt 1,1 tỷ USD (tăng 1,5%); hạt điều đạt 948 triệu USD (tăng 4,2%); rau đạt 203 triệu USD (tăng 5,0%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,22 tỷ USD (tăng 3,5%); mây, tre, cói thảm đạt 162 triệu USD (tăng 11,8%).
Những mặt hàng giảm nhiều, như: Cao su đạt 383 triệu USD (giảm 31,1%), chè đạt 53 triệu USD (giảm 14,1%), hồ tiêu đạt 249 triệu USD (giảm 12%), quả đạt 952 triệu USD (giảm 19,6%), cá tra đạt 420 triệu USD (giảm 31,9%), tôm đạt 748 triệu USD (giảm 11,8%)…
Về thị trường xuất khẩu, tính chung 4 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch XK đạt gần 2,8 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ và chiếm 23,4% thị phần; tiếp đến là Hoa Kỳ ước đạt 2,78 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ và chiếm 23,33% thị phần; thị trường EU ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 1,9% và chiếm 10,75% thị phần; XK sang Nhật Bản đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 2,9%, chiếm 9,0% thị phần; XK sang các nước ASEAN đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 7,1% và chiếm 10,49% thị phần.
Ở chiều ngược lại, tính chung 4 tháng, kim ngạch NK các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 9,17 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 7,4 tỷ USD, giảm 9,1%.
Ngoại trừ các mặt hàng dầu mỡ động thực vật, lúa mì, cao su và chăn nuôi có giá trị NK tăng (lần lượt là +8,0%, +47,0%, +4,2% và +17,6%), các mặt hàng khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, phân bón giảm tới 21,0% (phân URE giảm 82,0%, DAP giảm 15,0%), thuốc trừ sâu giảm 18,3%, thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 19,7%, ngô giảm 33,1%, hạt điều giảm 13,9%, rau quả giảm 42,3%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,3%, thủy sản giảm 2,9%.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước (lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, đường, muối) để cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó. Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; làm việc với phía bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, kiểm soát tốt dịch bệnh; thúc đẩy tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng bền vững.
Xây dựng các phương án, kịch bản xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc hết dịch. Tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hoa Kỳ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập Xê út;
Xây dựng chương trình đoàn công tác Bộ làm việc tại Trung Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Úc. Tiếp tục triển khai đăng ký nhãn hiệu gạo Việt Nam; cập nhật thông tin về tình hình xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang Trung Quốc; chuẩn bị tổ chức Hội nghị họp nhóm công tác ASEAN về sắn.
Tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO, phối hợp với các đơn vị liên quan trong mạng lưới phản hồi các góp ý đối với dự thảo biện pháp SPS mới của Việt Nam đã thông báo với WTO.