Người lao động vẫn tiếp tục chờ đợi
Trước đây, chị Nguyễn Thu Hà trú tại xã Nam Lộc (Nam Đàn, Nghệ An) có ý định đi Xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hàn Quốc. Thế nhưng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cùng với đó 1 số nước đã bổ sung thêm chính sách có lợi cho người lao động. Vì thế sau khi tìm hiểu chị quyết định lựa chọn Nhật Bản để làm việc. Để hoàn thiện thủ tục đi XKLĐ ở Nhật Bản, gia đình chị Hà đã phải vay Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 100 triệu đồng. Theo lịch của công ty, chị Hà sẽ được xuất cảnh vào cuối tháng 12/2020, tuy nhiên vì lý do dịch COVID-19 mà lịch bay đã hoãn lại. Giờ đã sang tháng 4/2021 nhưng chị Hà cũng không biết chính xác lúc nào thì có thể xuất cảnh bởi dịch COVID-19 không những diễn biến phức tạp bên phía Nhật Bản mà tại Việt Nam làn sóng dịch cũng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong lúc chờ đợi các nước ‘mở cửa” lại thị trường lao động, trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An liên tục mở các lớp học ngoại ngữ chuẩn bị nguồn lao động sẵn sàng |
Theo lời chị Hà, thì học xong THPT thi không đỗ đại học, mong muốn có cuộc sống khấm khá hơn nên gia đình quyết định vay mượn cho chị đi lao động có thời hạn ở Nhật Bản với nghề điện tử. “Để tham gia được vào đơn hàng này, tôi đã vượt qua các vòng thi tay nghề, thi tiếng. Gia đình tôi phải vay hơn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mới đủ kinh phí. Mọi thứ đã sẵn sàng, tuy nhiên ngày bay thì vẫn chưa biết đến khi nào... Gia đình tôi rất sốt ruột vì chưa thể đi được, mà tiền lãi ngân hàng hàng tháng thì không thể chậm trễ ...”, chị Hà chia sẻ.
Trước đây đi XKLĐ ở các nước Châu Âu phần lớn người lao động đi theo hình thức bất hợp pháp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, nhiều đơn vị tuyển dụng XKLĐ đã chuyển hướng đến những thị trường đảm bảo an toàn, môi trường lao động chuẩn xác, lành mạnh. Đơn cử như một công ty XKLĐ ở Phường Quán bàu (TP Vinh- Nghệ An), từ tháng 3/2020 đến nay, đã đưa được gần 600 lao động sang Đài Loan và Rumani.
“Nhiều đơn hàng đã bị huỷ dù đã đầy đủ thủ tục, nhưng đợt dịch diễn biến phức tạp từ tháng 2/2020 dẫn đến các nước không cho nhập cảnh. Năm nay sẽ tiếp tục khó khăn nếu một số nước chưa được tổ chức tiêm vắc-xin rộng rãi. Bởi các thị trường hấp dẫn như Nhật Bản, Australia chưa có thông báo cho toàn dân tiêm vắc-xin đồng nghĩa với việc nhập cảnh sẽ rất dè dặt…” ông Nguyễn Chiến Thắng- Giám đốc công ty cho biết.
Hiện, ngoài 2 nước Đài Loan và Rumani đã lên kế hoạch tiêm vắc-xin rộng rãi nhưng một số thị trường hấp dẫn lương cao khác vẫn chưa có kế hoạch tuyển lao động nước ngoài. “thế nên dù các em đã học tiếng và định hướng những vẫn phải chờ đợi dịch êm thêm chút đã…” ôngThắng bộc bạch.
Phụ thuộc hoàn toàn từ phía tiếp nhận
Theo ông Lê Hải Dương - Phó giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An, hầu như việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng từ nước bạn. Chẳng hạn như thị trường Nhật Bản, một số doanh nghiệp vẫn có nhu cầu, cuối năm 2020 khi dịch tạm thời lắng xuống, một số lao động đã được nhập cảnh. Hay như thị trường Đài Loan, do chính sách kiểm soát dịch bệnh tốt nên vùng lãnh thổ này vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam. Tập trung ở các lĩnh vực, nông nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, chế biến suất ăn, thực phẩm…dù không còn nhiều như trước nhưng mỗi tháng vẫn đưa được vài nghìn lao động.
Thời điểm này, tại TT giao dịch việc làm tỉnh Nghệ An vẫn tiếp nhận được khá nhiều đơn đăng ký đi XKLĐ |
Bà Đặng Phương Thuỷ - Phó phòng ATLĐ- việc làm sở LĐ-TB&XH Nghệ An cũng cho biết, hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19. Do tác động của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp của nước tiếp nhận phải điều chỉnh quy mô hoạt động, thu hẹp và sản xuất, cắt giảm số lượng lao động đang làm việc cũng như giảm hoặc hủy bỏ nhu cầu tiếp nhận lao động mới từ nước ngoài.
“Bên cạnh thực hiện kế hoạch được UBND tỉnh và sở LĐ-TB&XH giao đưa 12.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2021, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Vấn đề cần quan tâm trước mắt là chính quyền địa phương cũng như từ phía doanh nghiệp làm tốt công tác dự nguồn tập trung vào thị trường Nhật Bản và Đài Loan, bởi những thị trường này cơ bản là ổn định, cho thu nhập cao. Do vậy thời gian có dịch chúng ta làm tốt công tác tạo nguồn để khi dịch tạm ổn ở các nước bạn thì Bộ LĐ- TB&XH sẽ công bố và cho tiếp cận những thị trường nay, lúc đó chúng ta sẵn nguồn và chỉ cần thực hiện các thủ tục xuất cảnh cho lao động.”, bà Thuỷ cho biết.
Theo ông Lê Hải Dương, lao động khi muốn đi làm tại các thị trường lao động chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan đều phải qua quá trình đào tạo hơn 6 tháng. Sau đào tạo còn phải chờ đợi đơn hàng từ doanh nghiệp ở nước bạn rồi mới đưa được lao động xuất cảnh. Thế nên thời gian qua Trung tâm luôn chú trọng việc đào tạo, để khi tình hình dịch bệnh ổn định, thì nguồn lao động xuất cảnhcũng sẵn sàng. Do đó, người lao động muốn đi XKLĐ thì cần chủ động học nghề, ngoại ngữ để có đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia dự thi và trúng tuyển vào các đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao.
Các địa phương ở Nghệ An như tại huyện Yên Thành, đã chủ động liên kết với các đơn vị tư vấn XKLĐ để tạo nguồn, đây được xem là biện pháp căn cơ. Ông Hoàng Danh Truyền - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành – Nghệ An cho biết, hiện nay 1 số quốc gia đã mở lại thị trường lao động, huyện chủ động phối hợp với các công ty XKLĐ uy tín để tư vấn cho người lao động. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để lao động được học nghề, học tiếng và cho vay vốn….phấn đấu trong năm nay đưa từ 1400- 1600 người đi hợp đồng lao động tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…tránh tình trạng người lao động tin lời “cò xuất khẩu” rồi tiền mất mà người vẫn không “bay” được.