Xuất khẩu điều đối diện thách thức mới, ứng phó ra sao?
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ ngày 1/1 đến 15/1/2024, xuất khẩu điều của cả nước đạt 29,9 ngàn tấn với trị giá 161,7 triệu USD; so với cùng kỳ tăng lần lượt 38% về lượng và 32% về giá trị.
Việc xuất khẩu điều tăng trưởng ở mức cao, theo Hiệp hội điều Việt Nam, do nhu cầu sử dụng sản phẩm này của thế giới tăng và thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027.
Xuất khẩu điều của Việt Nam trong nửa tháng đầu năm 2024 đạt kết quả khả quan |
Cũng theo Hiệp hội điều Việt Nam, năm 2023 vừa qua ngành điều Việt Nam đã tận dụng được cơ hội khi đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 3,63 tỷ USD, sản lượng đạt 641.000 tấn, tăng 17% về trị giá và tăng hơn 23% về sản lượng so với năm 2022. Trong số các thị trường nhập khẩu điều của Việt Nam, Mỹ là thị trường lớn nhất chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Thị trường thứ 2 là Trung Quốc chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều cả nước.
Về thị trường năm 2024, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Long Sơn cho biết, so với cùng kỳ năm 2023, năm nay đơn hàng xuất khẩu điều tăng hơn khoảng 20%, chủ yếu đến từ các thị trường châu Âu, Mỹ…
“Triển vọng xuất khẩu điều năm 2024 rất khả quan do nhu cầu của thị trường khá tích cực và chúng tôi đã nhận nhiều đơn hàng từ các đối tác Nhật Bản, EU cho những tháng tới” - ông Sơn thông tin và cho biết, hiện nay xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao; trong đó có hạt điều. Đây sẽ là cơ hội cho các sản phẩm từ hạt điều của Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy vậy, ông Sơn cũng chỉ ra một số thách thức mà ngành điều Việt Nam đang phải đối mặt. Các thách thức này gồm nguồn nguyên liệu và làn sóng dịch chuyển sang sản xuất xanh theo xu thế toàn cầu.
Trong đó về nguyên liệu, theo ông Sơn diện tích điều ngày càng thu hẹp bởi người dân chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn. Do đó, trong năm 2024 ngành điều sẽ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi. “Năm 2023 vừa qua doanh nghiệp ngành điều đã phải mua nguyên liệu với giá cao, sau đó lại bán với giá thấp, dẫn đến việc thua lỗ. Do đó, trong năm 2024 chúng ta phải đồng lòng, đoàn kết để điều tiết giá nhập khẩu nguyên liệu điều thô theo hướng có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, như vậy mới tránh được tình trạng như năm 2023”- ông Sơn nói.
Đối với vấn chuyển đổi xanh, theo ông Sơn, các thị trường ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn về những tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội… “Nếu như trước đây các thông số trên bao bì có thể in thì nay đối tác yêu cầu phải khắc laser và doanh nghiệp cũng phải chứng minh cho đối tác thấy được các trách nhiệm xã hội, môi trường. Nếu chúng ta không làm được theo yêu cầu thì đối tác sẽ không lựa chọn, như vậy sẽ mất cơ hội”- ông Sơn cho biết.
Một thách thức nữa, theo ông Sơn là tình hình mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ trong thời gian qua đã và đang tác động mạnh tới giá cước vận tải biển, khiến doanh nghiệp điều phải chịu cước phí tăng gấp đôi, gấp ba so với cuối năm 2023. Đáng lo ngại hơn, không chỉ tuyến đi qua khu vực Biển Đỏ tăng giá mà nhiều cung đường khác (cụ thể là đi bờ Tây nước Mỹ) cũng bị “đội giá” theo gấp đôi.
“Mặc dù doanh nghiệp khi chọn nhà vận chuyển tránh rủi ro bằng cách chọn nhiều hãng tàu. Tuy vậy, thời điểm hiện tại các hãng đồng loạt tăng giá gấp 3 nên doanh nghiệp không có sự lựa chọn khác bởi các đơn hàng đã ký buộc phải giao để giữ chữ tín với khách hàng. Riêng với đơn hàng mới, doanh nghiệp sẽ cố gắng chào theo giá cước mới để giảm thiệt hại”- ông Sơn chia sẻ.