Xuất khẩu 7 tháng đầu năm: Động lực từ khu vực kinh tế trong nước
Trong 7 tháng, có đến 23 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch XK. Chẳng hạn, điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản; sắt thép…
Gạo được giá, 7 tháng đầu năm 2020, khối lượng giảm 1,4% nhưng kim ngạch tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo XK bình quân 487,6 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tháng 8, giá gạo Việt Nam xuất dao động 478 - 482 USD/tấn, cao hơn giá gạo Thái Lan bán khoảng 15 - 20 USD/ tấn và cao hơn giá gạo Ấn Độ đến cả 100 USD/tấn, cao nhất thế giới.
XK tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng khá ổn định. Với lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong cả năm 2020 có thể vẫn tăng khoảng 20% so với năm 2019.
Nhiều đặc sản vùng miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đăk Lăk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc… chẳng những đã khai mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước mà đã lên đường xuất ngoại.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân đưa hàng lên sàn giao dịch thương mại điện tử Amazon để kết nối các nhà phân phối và người tiêu dùng khắp thế giới, minh chứng doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm mô hình hoạt động linh hoạt, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực, nhanh chóng thâm nhập và mở rộng thị trường XK. Nhiều tập đoàn công nghệ cao chuyển sang Việt Nam như LG, Panasonic hay Foxconn - nhà cung ứng của Apple..., trong đó, LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Các địa phương đang sẵn sàng đón “làn sóng” đầu tư mới hậu Covid-19...
Những động thái trên nhanh chóng truyền sức mạnh, lan tỏa cảm hứng vào nền kinh tế nước nhà. Từ đó, có thể khẳng định, khả năng chống chịu, sức vươn tới của XK nói riêng, kinh tế nói chung; vững vàng vượt qua thách thức, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu được giao. |