Xử lý vi phạm chứng khoán: Vỏ quýt dày, móng tay chưa nhọn?
- Muôn màu vi phạm
Kết quả khảo sát 203 nhà đầu tư, nhân viên công ty chứng khoán, nhân viên Sở giao dịch chứng khoán... tại Hà Nội do Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tiến hành mới đây cho thấy: 49% các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán diễn ra phổ biến; 68,5% trong 139 nhà đầu tư và 62,1% trong 126 công ty chứng khoán thừa nhận có vi phạm.
Ông Quách Đức Pháp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)- cho rằng, vi phạm pháp luật trên TTCK mang tính nghiêm trọng thường thể hiện ở tình trạng gian lận hoặc “làm đẹp” báo cáo tài chính để dễ dàng trong huy động vốn, bán cổ phần theo giá ảo cho cổ đông nội bộ, tạo thành tích giả để tồn tại mặc dù doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ…
Ngoài ra, một số “cò” chứng khoán còn cấu kết với nhân viên công ty chứng khoán (có trường hợp còn cấu kết với cả ban quản trị doanh nghiệp) để làm giá chứng khoán. Đối với công ty chứng khoán là việc triển khai hoặc trợ giúp triển khai những sản phẩm chứng khoán mà pháp luật chưa quy định và chưa có những chế tài cụ thể như: cho nhà đầu tư trực tiếp vay tiền mua chứng khoán với tỷ lệ tiền vay có thời điểm gấp 5 lần vốn tự có của nhà đầu tư.
Ông Pháp cũng khẳng định VAFI và báo chí đã nói nhiều đến tác hại của việc chơi chứng khoán từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Hiện tượng này không những làm cho người đi vay bị thua lỗ, phá sản mà còn làm cho TTCK trở nên bất ổn, hàng vạn nhà đầu tư khác cũng bị vạ lây mà thua lỗ mặc dù họ không đi vay mượn; làm hủy hoại xu hướng đầu tư lâu dài và kích thích phong trào đầu tư ngắn hạn và chụp giật. Những vi phạm pháp luật nói trên đã trở thành”chuyện thường ngày”, tất cả thị trường đều biết và dường như đã trở thành bình thường?! Trong khi đó, UBCK Nhà nước chưa có nhiều động thái tích cực cũng như đưa ra những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này.
Cần có chế tài mạnh hơn
Nguyên nhân chính của việc vi phạm trên TTCK là do chế tài pháp luật chưa đủ mạnh, nếu bị phạt thì quyền lợi không bị ảnh hưởng nhiều đã dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. Việc ban hành các sản phẩm chứng khoán từ UBCK Nhà nước còn rất chậm chạp, 10 năm qua không có sản phẩm mới. Do đó, những sản phẩm vốn có của TTCK tự phát hoạt động.
Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBCK cũng cho biết thêm, hệ thống pháp lý hiện hành chưa phân định rõ các loại tội danh, kèm theo chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trên TTCK. Ranh giới phân định giữa vi phạm hình sự và dân sự cũng chưa rõ ràng. Việc hình sự hoá các vi phạm dân sự dễ gây tác dụng ngược, bởi với một số hành vi vi phạm, nếu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thì có tác dụng răn đe kịp thời, trong khi xử lý hình sự tốn nhiều thời gian điều tra, nhưng nếu đi đến kết luận không có tội thì tác dụng răn đe rất hạn chế.
Theo khuyến nghị của VAFI, UBCK Nhà nước cần phải nhanh chóng ban hành những giải pháp mới hữu hiệu; hình thành những sản phẩm chứng khoán mang tính thông lệ và thuộc về bản chất tồn tại của TTCK để ngăn chặn tình trạng sử dụng đòn bẩy tài chính, bán khống bừa bãi như hiện nay… Định tội danh cụ thể, tương ứng với từng tội danh là những hình phạt thích đáng. Đổi mới cơ chế phạt như: người vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho thị trường thì phải bị tịch thu các khoản lời bất chính, bồi thường cho những người bị hại và bị phạt hoặc bị xử lý hình sự. Định danh những tội danh nguy hiểm đối với hoạt động của TTCK để từ đó có những chế tài mạnh nhằm ngăn chặn những vi phạm nguy hiểm xảy ra với TTCK.
Được biết, từ 10/5/2011, Thông tư số 37/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán sẽ chính thức có hiệu lực. Hy vọng đây sẽ là hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần tăng cường và tính “răn đe” việc giám sát thị trường.
Bài và ảnh: Nhật Quang