Trong thư gửi doanh nghiệp, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - nhấn mạnh: “Thời gian qua, công tác thực thi, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền tác giả đối với chương trình máy tính nói riêng đã từng bước đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả chương trình máy tính còn diễn ra với các hình thức và mức độ vi phạm khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng chương trình máy tính còn nhiều hạn chế”.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự cho các tội xâm phạm do doanh nghiệp thực hiện. Pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự về hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan, xâm phạm nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
Theo Điều 225 BLHS 2015 về tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cá nhân phạm tội này bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù tới 5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt từ 300 triệu - 1 tỷ đồng. Trường hợp phạm tội 2 lần trở lên, hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu trở lên có thể bị phạt tới 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động đến 2 năm. Ngoài ra, có thể áp dụng thêm nhiều hình phạt cho một pháp nhân thương mại như đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn.
Ngoài ra, BLHS sửa đổi cũng quy định rõ về các dấu hiệu của các tội xâm phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài dấu hiệu “trên quy mô thương mại”, BLHS sửa đổi còn sử dụng các dấu hiệu khác để giải quyết các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như lợi ích bất hợp pháp, tổn thất/thiệt hại của chủ thể/chủ sở hữu quyền tác giả. Thêm vào đó, lịch sử vi phạm hình sự hoặc vi phạm hành chính của doanh nghiệp vi phạm cũng sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết vi phạm. Số lượng các dấu hiệu này đã được chỉ rõ nên chủ sở hữu cũng như các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ dễ dàng giải quyết hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Bùi Nguyên Hùng cho biết, hàng năm, Cục Bản quyền tác giả đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp về việc sử dụng chương trình máy tính có bản quyền và cảnh báo về nguyên nhân chính dẫn tới các sự cố hệ thống thông tin của nhiều doanh nghiệp là do việc sử dụng chương trình máy tính có nguồn gốc không rõ ràng, dẫn tới máy tính bị lây nhiễm mã độc.
Theo thông tin từ Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2017, đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành thanh tra 63 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1 tỷ 560 triệu đồng. Ông Phạm Cao Thái - Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - chia sẻ: “Hàng năm, Thanh tra Bộ đã gửi hàng nghìn khuyến cáo đến các doanh nghiệp yêu cầu chủ động rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin và chuẩn bị các tài liệu phù hợp chứng minh quyền sở hữu giấy phép đối với tất cả các phần mềm đang sử dụng hoặc phân phối và khuyến nghị tới các doanh nghiệp việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả quyền liên quan sẽ chịu trách nghiệm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời khiến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam kém hơn so với các doanh nghiệp trong khu vực”.
Bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng nhiều các tiêu chuẩn toàn cầu được đặt ra đòi hỏi các nhà sản xuất, nhà cung cấp phải chứng minh doanh nghiệp của mình sử dụng đúng và đủ chương trình phần mềm máy tính có bản quyền chính hãng của bên thứ ba, đảm bảo tính hợp pháp, sự tin tưởng và an ninh của thương mại toàn cầu. Có thể nói, việc sửa đổi BLHS 2015, nâng cao hình phạt cho những tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có bản quyền phần mềm máy tính, đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ đối với nạn xâm phạm bản quyền tại Việt Nam.