Xót xa những rừng thông ở Tây Nguyên đang bị hạ độc
Những cây thông ba lá hàng chục năm tuổi ở Lâm Đồng bị hạ độc. Ảnh: Khánh Phúc |
Hạ độc rừng thông không thương tiếc
Điển hình, vào đầu tháng 10, nhiều mảnh rừng thông xanh tốt ở khu vực giáp ranh giữa xã Mê Linh và thị trấn Nam Ban, thuộc huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã bị kẻ gian hạ độc, chết đứng một cách đầy xót xa. Vị trí rừng thông bị đầu độc cách đường ĐT 725 khoảng 500m, cách Cụm quản lý và bảo vệ rừng Nam Ban khoảng 1,5km.
Theo người dân địa phương, cách đây khoảng 2 tháng, kẻ gian đã ra tay thực hiện việc hạ độc rừng thông. Tất cả những cây thông trúng độc giờ đã chết khô, lá ngả sang màu vàng, rất khó có cách cứu chữa. Hầu hết các cây thông xuất hiện một số lỗ tròn, nghi bị kẻ gian khoan lỗ rồi đổ hóa chất vào tiêu diệt cây thông.
Sau khi phát hiện sự việc, Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà đã phối hợp với Công an huyện và Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà đã tiến hành kiểm đếm, thống kê số lâm sản bị thiệt hại, đồng thời xác minh, khẩn trương truy tìm đối tượng đã đầu độc rừng thông trên.
Nhận định ban đầu của lực lượng chức năng, mục đích của việc phá hoại rừng thông là để lấn chiếm đất rừng sản xuất nông nghiệp. Đây là một hình thức phá rừng xảy ra rất phổ biến trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng những năm qua.
Trước đó, vào tháng 7, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) phát hiện một vụ phá thông rừng già. Hàng loạt cây thông từ 30 đến 40 năm tuổi bị đầu độc. Vụ đầu độc thông già xảy ra tại khoảnh 6, tiểu khu 614 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), lâm phần quản lý thuộc Công ty CP Hà Phong.
Tại khu vực nói trên, 42 cây thông ba lá đang có dấu hiệu vàng lá, dưới mỗi gốc cây đều có dấu vết cưa. Trên thân các cây thông đã chết đều có lỗ khoan rộng khoảng 2cm, sâu 10cm. Từ các lỗ khoan, mùi hóa chất vẫn còn nồng nặc.
Các cấp, ngành tỉnh Đắk Nông đang quyết tâm trả lại màu xanh cho rừng. Ảnh: Khánh Phúc |
Nỗ lực tái sinh rừng thông
Trước đây, khu vực rừng thông cảnh quan ở Quốc lộ 28, ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) rất đẹp. Tuy nhiên, do công tác giao đất, giao rừng thiếu hiệu quả nên đã có nhiều diện tích bị người dân lấn chiếm để dựng nhà, sản xuất nông nghiệp.
Cuối năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định thu hồi 162,88ha đất rừng của Công ty Nguyên Vũ giao Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý, bảo vệ trong đó, có 35,41ha đã bị 133 trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép.
Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND huyện Đắk Glong đã kiên quyết lập lại kỷ cương việc sử dụng đất rừng ven Quốc lộ 28.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn cho hay, đã nhận bàn giao thực địa 125 vị trí với tổng diện tích đã nhận bàn giao là 24,48ha đất trống. Năm 2022, Công ty đã thực hiện trồng lại rừng 16,77ha, còn 7,71ha chưa thực hiện.
Theo ông Đinh Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, nguyên nhân còn 7,71ha đơn vị chưa trồng lại rừng thông là ở các vị trí trên đang có người dân kiện các Quyết định xử lý của cơ quan chức năng. Do đó, khi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn tiến hành trồng rừng thì bà con ra cản trở không cho trồng. Hiện đơn vị đang tiếp tục triển khai thực hiện công tác trồng rừng trong năm 2023.
Tuy nhiên, ở những diện tích đã trồng rừng thông việc chăm sóc, bảo vệ cũng không hề đơn giản. Cụ thể, trong năm 2022 số cây thông con bị nhổ là 3 vụ với 940 cây thông. Đến 2023 số cây thông con bị nhổ đã lên đến 10 vụ với số 5.400 cây.
Đối với các vị trí rừng thông bị nhổ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn đã tiến hành trồng dặm, trồng bổ sung đảm bảo mật độ theo hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, hiện trên diện tích đã giải tỏa còn 20 lán bạt, chưa thể di dời gây khó khăn trong công tác trồng và chăm sóc rừng trồng.
Liên quan đến công tác tái sinh rừng thông, ông Trần Nam Thuần - Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, mặc dù gặp phải không ít khó khăn nhưng địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân, thậm chí sẽ có biện pháp mạnh như cưỡng chế các trường hợp vi phạm với quyết tâm tái sinh những cánh rừng thông cảnh quan vốn có trên Quốc lộ 28.