Xóa “vùng lõi nghèo”: Cần sự chung tay toàn xã hội
Đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững
Sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam là một trong những điểm sáng của thế giới về xóa đói, giảm nghèo.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo nước ta đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn dưới 3%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.
Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là “vùng lõi nghèo" của cả nước. Ảnh minh họa |
Đối với chương trình giai đoạn 2021 – 2025, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo được ban hành đồng bộ, toàn diện. Các chính sách giảm nghèo thường xuyên đã góp phần hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; chính sách tín dụng xã hội đã hỗ trợ người dân vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế; nguồn lực xã hội hóa góp phần hỗ trợ người dân giải quyết một số nhu cầu cấp thiết như nhà ở, sinh kế, cải thiện đời sống.
Ước tính, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 sẽ còn khoảng 2,93%, giảm 1,37% so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự kiến cuối năm 2023, có thêm 9 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song không ít ý kiến lo ngại công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta còn nhiều thách thức: Giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, đặc biệt tại các vùng “lõi nghèo”.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trung du và miền núi phía Bắc vẫn là “vùng lõi nghèo" của cả nước khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022 là 22%, gấp gần 3 lần bình quân cả nước.
Trong bài viết: “Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta hiện nay”, TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ ra một số nguyên nhân của những hạn chế, bất cập như: Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thiếu ổn định; một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu kinh nghiệm, hạn chế trong nhận thức và thực hiện chính sách; chưa có cách tiếp cận hiệu quả với vấn đề mới nảy sinh.
Nhận thức, trách nhiệm và nỗ lực vì sự nghiệp giảm nghèo bền vững ở các ngành, các cấp chưa đồng đều; công tác phối hợp, thực hiện trách nhiệm của các ngành ở Trung ương và địa phương trong xây dựng và thực hiện các chính sách giảm nghèo có lúc còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý các vấn đề liên ngành. Vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại, chưa quyết tâm tự vươn lên thoát nghèo…
Cùng bàn về vấn đề này, một số ý kiến cho hay, vướng mắc đầu tiên phải kể đến khó khăn về chính sách. Các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, hướng dẫn tiêu chí phân bổ vốn chậm ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình. Nguồn lực thực hiện chương trình chưa đủ để đáp ứng nên không theo kịp với thực tiễn, gây khó khăn trong triển khai thực hiện…
Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số đạt hiệu quả chưa cao. Phần lớn lao động sau khi học nghề xong không tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng doanh nghiệp phải đào tạo lại. Việc đầu tư còn dàn trải, suất đầu tư quá thấp, nhiều khi số tiền chỉ mang tính hỗ trợ, rất khó để đầu tư cho một công trình xây dựng, nên việc đầu tư trở nên manh mún…
Rà soát cơ chế, chính sách để điều chỉnh hợp lý
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Thời gian qua, vùng trung du và miền núi phía Bắc đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước song quy mô còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 8 - 9% GRDP cả nước, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, phát triển vùng ở nhiều lĩnh vực còn thấp hơn mức trung bình cả nước; liên kết, hợp tác giữa các địa phương chưa thực chất, hiệu quả thấp, đặc biệt là phát triển hợp tác với các địa phương ngoài vùng và với các tỉnh của Lào, Trung Quốc, giải quyết các vấn đề mang tính toàn vùng như lao động, việc làm, thị trường tiêu thụ, môi trường, hệ thống kết nối giao thông, nhất là kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ trong vùng…
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối Vùng trung du và miền núi phía Bắc, vừa diễn ra tại tỉnh Hòa Bình, các đại biểu đã nêu một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững với kinh tế cửa khẩu; phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ gắn với các liên kết vùng; phát triển bền vững du lịch hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường sống xanh; định hướng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử cách mạng tiêu biểu đặc trưng vùng trung du và miền núi phía Bắc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng…
Chia sẻ những khó khăn cùng các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình - đề nghị Trung ương hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông; nghiên cứu cơ chế, chính sách cho người dân sống nhờ rừng; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh…
Dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, các tỉnh cần quan tâm đến công tác quy hoạch; tích cực tham gia ý kiến vào quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia; có trách nhiệm tham gia ý kiến đối với các ngành, lĩnh vực trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước cần phối hợp trong quá trình lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Các địa phương nghiên cứu, rà soát cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, đề xuất bổ sung về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc, thúc đẩy liên kết vùng bảo đảm quy định, thực hiện đồng bộ, nhất quán; tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực; sử dụng nguồn vốn đầu tư công để dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước thực hiện chương trình, dự án quan trọng của vùng, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, liên vùng không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng...
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ các tỉnh trong vùng phải xây dựng nguyên tắc, ứng xử chung cho khu vực để giải quyết vướng mắc trên cơ sở đảm bảo tính khả thi, xác định nguồn lực, đầu tư có lựa chọn, phù hợp với các dự án trong quy mô liên kết vùng.
Các địa phương xây dựng lộ trình theo thứ tự ưu tiên, với nguyên tắc ưu tiên phát triển giao thông và nghiên cứu chính sách cho người dân sống được nhờ rừng, đồng thời, tính toán đến những tác động không mong muốn của biến đổi khí hậu...
Vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. |