Xây dựng phương án mới trong tuần tới để giảm chênh lệch giá vàng
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu |
Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cảm ơn ý kiến phát biểu của các đại biểu đã quan tâm đến hoạt động ngân hàng. Những vấn đề đại biểu nêu là những vấn đề Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đang quyết liệt chỉ đạo.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, về bối cảnh chung, vẫn đang rất khó khăn. Tuy nhiên, là thành viên của Chính phủ, chúng tôi đã chứng kiến được sự chỉ đạo rất quyết liệt và toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được những kết quả đã được các đại biểu nêu.
"Đối với các nước khi thực hiện kiểm soát lạm phát thì phải hy sinh tăng trưởng nhưng đối với Việt Nam, nước ta đã đạt được cả 2, mặc dù kết quả không đạt được như mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng so với các nước ở trên khu vực và thế giới, đây là mức khá cao và lạm phát của chúng ta đã kiểm soát được rất tốt. Đó là một điểm sáng được quốc tế đánh giá cao" - bà Hồng nhấn mạnh.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, có thể nói rằng kinh tế vĩ mô và tiền tệ tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, có một số diễn biến mà Chính phủ đang rất quyết liệt để quan tâm chỉ đạo.
Về tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá ở mức độ tương đối cao.
Thứ nhất, về tỷ giá. Đây là một diễn biến chung của các nước trên thế giới và nhiều đồng tiền trong khu vực đang mất giá ở mức độ tương đối cao. Đối với Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cho rằng ở trong một môi trường kinh tế thế giới biến động như vậy thì tỷ giá lúc tăng, lúc giảm là một điều hết sức bình thường.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là phải ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cũng đã theo dõi rất sát và vừa qua thực hiện phối hợp đồng bộ các giải pháp, chính sách để có thể điều tiết tiền tệ và thực hiện can thiệp để đảm bảo được nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước.
Chúng tôi cũng thấy rằng trong thời gian vừa qua, nguồn ngoại tệ cung ứng chủ yếu là cho những nhu cầu nhập khẩu, sản xuất trong nước. Trong thời gian tới, sự phát triển quay trở lại của sản xuất cũng như tăng xuất khẩu sẽ hỗ trợ cho cung, cầu ngoại tệ. Nhiều dự báo cho thấy, tỷ giá vào cuối năm sẽ được hạ nhiệt. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, để cho các doanh nghiệp yên tâm về vấn đề điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đối với vấn đề tín dụng thấp, đây cũng là một vấn đề được đề cập ở nhiều kỳ họp trước. Xu hướng tăng trưởng tín dụng thấp này không chỉ riêng ở Việt Nam mà đây là xu hướng chung của thế giới khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt các thành viên của Chính phủ, trong đó có Ngân hàng Nhà nước thực hiện rất nhiều các giải pháp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt chúng tôi thấy hiện nay tín dụng tăng thấp cũng do rất nhiều nguyên nhân mà nhiều đại biểu đã chỉ ra, đó là vấn đề đầu ra.
Đầu ra là cả vấn đề xuất khẩu cũng như là đầu ra ở trong nước, các lĩnh vực có vốn vay lớn như thị trường bất động sản thì hiện nay cũng đang có những khó khăn về yếu tố pháp lý và Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập các tổ công tác đến tận các địa phương để giải quyết.
Từ góc độ của điều hành chính sách tiền tệ, chúng tôi thấy Chính phủ vừa qua đã tăng cường chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở đường cao tốc. Đây là một điều rất đúng và trúng bởi vì khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu thì ta đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp, từ đó sẽ kích hoạt lại tín dụng từ hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần báo cáo và cũng kiến nghị là với 95% doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho nên cũng cần phải có những giải pháp tăng cường. Ví dụ như bảo lãnh các doanh nghiệp để vay vốn tại ngân hàng có thể sẽ thúc đẩy tín dụng cao hơn.
Đối với thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, giá vàng tăng cao và biến động phức tạp cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Ở trong nước giá vàng diễn biến phức tạp và cũng diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới, tuy nhiên chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng, đặc biệt là vàng SJC.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt cả Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành phải thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định 24 để có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng.
"Để thu hẹp chênh lệch giá vàng cũng là một nhiệm vụ rất thách thức, bởi vì chúng ta thực hiện nhưng trong điều kiện giá vàng quốc tế vẫn liên tục biến động cao và rất phức tạp" - bà Hồng nói.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường và thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu, cũng kế thừa cách làm từ năm 2013 với kỳ vọng là tăng cung vàng ra thị trường và giá sẽ giảm dần.
Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu chúng tôi thấy chênh lệch giá giảm không được như kỳ vọng, cho nên chúng tôi đã dừng đấu thầu. "Chúng tôi đã đánh giá tình hình và tìm ra các nguyên nhân, xây dựng một phương án mới để bắt đầu triển khai trong tuần tới để giảm được chênh lệch giá vàng trong thời gian tới, đặc biệt là đi đôi với biện pháp minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng" - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành phải phối hợp từ tất cả các khâu để tăng cường minh bạch các giao dịch thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện về mọi mặt từ hóa đơn, chứng từ, từ các giao dịch về phòng, chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch vàng để thấy rằng trong thời gian vừa qua những biến động trên thị trường vàng cũng không ngoại trừ những hành vi vi phạm pháp luật để đầu cơ, găm giữ, đẩy giá.
Tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp nêu, về việc quản lý thị trường vàng có nhiều bất cập. Trong báo cáo thẩm tra nêu, vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực tới việc bình ổn kinh tế vĩ mô, cho nên việc cần phải có giải pháp dài hạn để quản lý, ổn định thị trường vàng.
Đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước chỉ là giải pháp tạm thời, giá vàng vẫn không giảm mà có xu hướng tăng, nên chăng đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng nhập khẩu. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Có như thế, thị trường vàng sẽ ổn định chứ không phải lên xuống hằng ngày như hiện nay. Lãi suất tín dụng thấp và hấp dẫn cũng không hấp dẫn cho người dân lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng hay mua vàng để dự trữ. Sở dĩ vàng tăng giá do nhu cầu quá lớn, người dân rút tiền ở ngân hàng để mua vàng. |