Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh: Nhiều chỉ tiêu vượt trội hơn so với cả nước
Khai thông khó khăn, tạo thành tựu vượt trội…
Ông Vũ Thành Long - Trưởng ban Ban xây dựng NTM Quảng Ninh - cho biết, trong 111 xã trên địa bàn triển khai Chương trình xây dựng NTM, có tới 92 xã miền núi, biên giới hải đảo, bãi ngang, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống khó khăn thấp kém. Việc thay đổi việc nhận thức của người dân vô cùng nan giải, kể cả cán bộ lúc đầu cũng chưa nhận thức được đúng chương trình NTM.
Hơn nữa, Quảng Ninh lại có đặc thù, trong số 92 xã thuộc diện miền núi, dân tộc, biên giới, hải đảo, trong đó có 17 xã và 54 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Nếu tính cả số thôn trong 17 xã, thì cả tỉnh có 208 thôn ĐBKK, điều kiện tập tục sản xuất hết sức thấp kém, thu nhập bình quân đầu người rất thấp (năm 2010 chỉ mới 10,98 triệu đồng/người/năm)…
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh luôn được sự quan tâm của khách hàng |
Mặc dù với đặc thù khó khăn và xuất phát điểm thấp như vậy, nhưng chỉ sau gần 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, đến nay Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu, về đích trước 1 năm so với yêu cầu đặt ra, với nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với bình quân chung cả nước. Ví như: đã có 3 đơn vị cấp huyện (thị xã Đông Triều, TP. Cẩm Phả và huyện đảo Cô Tô) đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và có 2 đơn vị là TP. Móng Cái, Uông Bí đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định, đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Dự kiến đến cuối năm 2019 có ít nhất 90 xã đạt chuẩn NTM, bằng 81,1% (bình quân cả nước là 50,26%). Số tiêu chí bình quân đạt 18,03 tiêu chí (bình quân cả nước: 15,26 tiêu chí (cao hơn gần 3 tiêu chí). Thu nhập của người dân khu vực nông thôn dự kiến cuối năm 2019 đạt 41,1 triệu đồng/người/năm (tăng 30,12 triệu đồng so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 1% (so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước là 4,5%). Đặc biệt trong năm 2018, đã có 400 hộ dân trên địa bàn tỉnh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Toàn tỉnh có 6 xã và 2 thôn thoát khỏi diện ĐBKK; 5 xã và 190 thôn đạt chiêu chí ra khỏi diện ĐBKK (đang trình Trung ương xét công nhận).
Đáng chú ý, thị xã Đông Triều là đơn vị cấp huyện đầu tiên của miền Bắc hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Huyện huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên hoàn thành chương trình xây dựng NTM của cả nước. Xã Việt Dân (thị xã Đông Triều) là xã đầu tiên của cả nước đạt tiêu chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của cả nước. Đây có thể khẳng định là những thành tựu nổi trội so với cả nước.
…Và những giải pháp đột phá khác biệt
Sở dĩ chương trình nông thôn mới ở Quảng Ninh có nhiều kết quả vượt trội, bởi Quảng Ninh có nhiều giải pháp sáng tạo về tuyên truyền vận động, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ của cán bộ và đồng thuận của cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM, đặc biệt là người dân. Nhưng điều cốt lõi, là Quảng Ninh có giải pháp tạo đột phá về sản xuất và thu nhập từ những chương trình sáng tạo khác biệt.
Trước hết, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) với những cách làm sáng tạo riêng biệt. Chương trình OCOP đến nay đã đi qua 6 năm triển khai và đã đạt được kết quả to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng ĐBKK.
Toàn tỉnh hiện có 167 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia chương trình OCOP (tăng trên 100 doanh nghiệp và HTX và tăng 354 sản phẩm so với năm 2014), trong đó có 196 sản phẩm đạt sao (8 sản phẩm 5 sao, 62 sản phẩm 4 sao và 126 sản phẩm 3 sao). Từ “bội thu” của chương trình OCOP, hiện nay Quảng Ninh đã thực hiện quy hoạch 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung để phát triển các sản phẩm chủ lực và hình thành chuỗi sản phẩm OCOP để sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng tập trung tại các địa phương, khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký trao cờ cho các đơn vị hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2010- 2020 và xã đầu tiên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu |
Đặc biệt, từ thành công Chương trình OCOP Quảng Ninh, Chính phủ đã quyết định nhân rộng OCOP thành chương trình quốc gia. Chương trình OCOP có thể khẳng định là “phép màu” giải nhóm tiêu chí quan trọng nhất về Chương trình MTQG về xây dựng NTM, chính là nhóm tổ chức sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, Quảng Ninh thực hiện đồng thời rất nhiều giải pháp về tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhưng chương trình OCOP được xác định là chương trình đột phá để thực hiện tiêu chí sản xuất và thu nhập. Thực tế, kết quả thu nhập hiện tại đạt trên 41 triệu đồng, tăng hơn 30 triệu đồng so với năm đầu xây dựng NTM.
Điều riêng biệt khác nữa, là Quảng Ninh cũng đã xây dựng đề án riêng (gọi tắt là Đề án 196) đặt mục tiêu xóa các xã và thôn bản khỏi diện ĐBKK vào năm 2020. Tuy nhiên, với việc triển khai các giải đồng bộ và sáng tạo, Quảng Ninh đang quyết tâm đưa toàn bộ các xã và các thôn ĐBKK, hoàn thành chương trình 135 trong năm 2019 và khẳng định điểm sáng Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình 135.
“Nếu cứ cách làm đều đều, không có giải pháp đột phá khác biệt như chương trình OCOP và Đề án 196, thì không thể tạo được sản xuất hiệu quả và thu nhập tăng nhanh cho người dân” - ông Vũ Thành Long khẳng định
Xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc!
Phát biểu tại "Hội nghị tổng kết phong trào thi đua cả nước chung tay xây dựng NTM” vừa diễn ra mới đây tại Hạ Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Nguyễn Văn Thắng - cho biết: Mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 3 - 5% trong GRDP của tỉnh, nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và chiến lược lâu dài, vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, để tiến tới xây dựng không gian vùng quê với phong cảnh yên bình của làng quê Việt đó là mục đích của điểm đến xây dựng NTM kiểu mẫu.
Theo định hướng đó, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để khu vực nông thôn thực sự là những miền quê đáng sống.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Quảng Ninh xác định, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc; các tiêu chí nông thôn mới phải không ngừng được đổi mới về giải pháp để nâng cao về chất và đảm bảo bền vững. |